Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã hoàn thành sứ mệnh thu thập một mảnh của tiểu hành tinh Ryugu và đưa trở về Trái Đất an toàn.
Hôm 5/12, khoang chứa mang mẫu tách ra khỏi tàu Hyabusa2 từ khoảng cách hơn 209.000 km và quay về Trái Đất. Sau khi đi qua tầng khí quyển, nó bung dù và đáp xuống một sa mạc hẻo lánh ở phía nam Australia vào khoảng 4 giờ sáng ngày 6/12, giờ địa phương.
Các thành viên trong đội dò tìm của JAXA đã thu hồi được khoang chứa trên sa mạc Australia. Ảnh: JAXA. |
Theo JAXA, khi bay qua bầu trời Australia, nó trông giống như quả cầu lửa với vệt sáng dài. Cơ quan này đã nhanh chóng thu hồi thiết bị kèm theo mẫu cát mà nó lấy được từ tiểu hành tinh Ryugu.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có được mẫu vật chất từ một tiểu hành tinh không bị thay đổi hoặc hư hại khi bay qua bầu khí quyển của Trái đất. Nghiên cứu mẫu vật có thể cung cấp manh mối về cách Trái Đất hình thành.
Việc tìm kiếm khoang chứa cũng là một thử thách đối với các nhà khoa học. Nó có đường kính chỉ khoảng 40 cm và nằm trong khu vực rộng 100 km vuông. Nhờ tín hiệu vô tuyến trên thiết bị vẫn hoạt động, JAXA đã thu hồi được khoang chứa khi dùng một trực thăng có bộ thu sóng để dò tìm.
Khoang chứa mang về một lượng vật chất rất nhỏ nhưng vô giá. Ảnh: JAXA. |
Bên trong, mẫu vật vô giá nó mang về rất khiêm tốn, tổng trọng lượng chỉ khoảng một gram. Tuy nhiên, đây là kết quả của sứ mệnh kéo dài 6 năm xung quanh Ryugu, thiên thạch rộng 1,6 km nằm giữa Trái Đất và Sao Hỏa.
Theo hãng thông tấn NHK, trong chương trình phát trực tuyến, trưởng dự án Tsuda Yuichi cho biết ông hài lòng và cảm thấy nhẹ nhõm khi thu hồi thành công khoang chứa. Ông đang được nhóm tìm kiếm cập nhật tình hình.
JAXA đã phóng Hyabusa2 vào năm 2014. Tàu du hành này mất 3,5 năm để đến quỹ đạo cần thiết xung quanh Mặt Trời. Nó tiếp cận Ryugu vào năm 2018 và thực hiện 2 chuyến đi lên bề mặt.
Sau khi hoàn thành mục tiêu thu thập mẫu vật từ Ryugu và mang về Trái Đất, Hyabusa2 đang trên đường tới một tiểu hành tinh khác để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo.