Sau 23 năm kể từ ngày xuất bản tập thơ Sự mất ngủ của lửa năm 1992, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quyết định tái bản tập thơ này, buổi ra mắt cuối tuần qua đã được giới yêu thơ quan tâm đặc biệt.
Điều đặc biệt trong lần tái bản này của Sự mất ngủ của lửa có hai văn bản, một văn bản bằng ngôn từ và một bản bằng hội họa. Các bức phụ bản trong tập thơ mang đến cho bạn đọc một văn bản khác của Sự mất ngủ của lửa. Văn bản thứ hai này làm cho Sự mất ngủ của lửa thêm một không gian mới, một nhịp điệu mới và một suy tưởng mới.
Sự mất ngủ của lửa là tập hợp những bài thơ mà tác giả viết về quê hương, về làng Chùa bé nhỏ và xứ Đoài yêu dấu. Xứ Đoài thật riêng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nó chất chứa những nỗi buồn của một người xa quê: “Sông Đáy chảy vào đời tôi/ Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả/ Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm…Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy/ Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất bên bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn giụa nước mưa sông…”.
Tại buổi ra mắt, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, chọn tái bản Sự mất ngủ của lửa lần này là có lý do đặc biệt trong kế hoạch một chuỗi những hoạt động sắp tới sẽ tái bản nhiều tác phẩm của nhà thơ trong 20 năm qua. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói “Sự mất ngủ của lủa là một sự kiện đặc biệt với tôi, nó đánh dấu một giọng nói cất lên chính xác là của tôi, của Nguyễn Quang Thiều. Nó là một sự khởi đầu, mở đầu cho tôi”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, dù đã 23 năm và giờ tái bản thì Sự mất ngủ của lửa vẫn còn nguyên giá trị thời đại, như nói về những gì của ngày hôm nay chứ không phải 23 năm về trước. “Trước khi đọc Sự mất ngủ của lửa, tôi là một người khác. Và sau khi đọc xong tập thơ này, tôi lại là một người khác. Tôi nghĩ, thơ hay là phải thế, nó làm cho người đọc nó thay đổi. Tôi tin rằng, dù mới vượt qua được một vòng, còn 2 vòng nữa nhưng Sự mất ngủ của lửa chắc chắn sẽ được giải thưởng Nhà nước năm 2016”.
Nhà thơ Quang Thiều trong buổi ra mắt Sự mất ngủ của lửa. |
“Sự mất ngủ của lửa đã chinh phục tôi ngay từ khi đọc. Có 3 điều mà Nguyễn Quang Thiều làm được trong tập thơ này: Thứ nhất, Nguyễn Quang Thiều đã nói về sự kỳ bí của nỗi buồn, về thân phận con người trốn làng quê Việt Nam – nó đã và đang tồn tại hàng ngày. Quang Thiều đã dồn tất cả tự sự của mình vào Sự mất ngủ của lửa; Thứ 2, Nguyễn Quang Thiều đã linh thiêng hóa cái đẹp dù trước đó, cái đẹp cũng khiến nhiều nhà thơ viết nhiều nhưng chỉ là thần thánh hóa cái đẹp mà thôi; Thứ 3, Nguyễn Quang Thiều đã có sự kết hợp với âm hưởng thơ truyền thông trong Sự mất ngủ của lửa”, T.S Chu Văn Sơn phân tích.
Trích bài thơ Sông Đáy trong tập thơ Sự mất ngủ của lửa
Sông Đáy
Sông Đáy chảy vào đời tôi
Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả
Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm
Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt
Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc
Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn
Tỏa mát xuống cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi
Một cây ngô cuối vụ khô gầy
Suốt đời buồn trong tiếng lá reo
Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn dụa nước mưa sông.
Sông Đáy ơi! chiều nay tôi trở lại
Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi
Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước
Tôi chi gặp những bẹ ngô trắng trên bãi
Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa.
Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi…chiều nay tôi trở lại
Mẹ tôi đã già như cát bên bờ
Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi
Tôi quì xuống vốc cát ấp vào mặt
Tôi khóc.
Cát từ mặt tôi chảy xuống ròng ròng.