Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sự khác biệt của Amee và lứa ca sĩ Hương Tràm, Văn Mai Hương

Trong bối cảnh cuộc thi nhạc pop trên truyền hình thoái trào, không còn là bệ phóng hữu hiệu cho những tài năng, thế hệ Gen Z đã bước vào showbiz theo con đường khác.

Phân tích

the he gen Z nhac Viet anh 1

Thế hệ nghệ sĩ Millennials (sinh năm 1981-1996) vẫn đang có nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ đến diện mạo của thị trường âm nhạc. Song, sự lớn mạnh của Gen Z (sinh năm 1997 đến nay) với không ít gương mặt trẻ trung, thiện chiến cũng đã giúp bức ảnh nhạc Việt đa dạng, màu sắc và mới mẻ hơn. Zing thực hiện tuyến bài nhận diện bước đầu bản sắc của thế hệ âm nhạc Gen Z.

Trước khi xuất hiện ở Giọng hát Việt 2012, không ai biết đến Hương Tràm. Nhưng chỉ với màn thể hiện I Will Always Love You, giọng ca sinh năm 1995 đã trở thành hiện tượng. Hương Tràm sau đó tiến thẳng showbiz với ngôi vị quán quân mùa đầu tiên của The Voice. Không cần trải qua bất cứ một lò đào tạo nào, không cần những ông bầu đứng sau, một thời, chỉ nhờ truyền hình thực tế, rất nhiều “cá chép đã hóa rồng”.

Truyền hình thực tế - bệ phóng một thời

Hương Tràm chắc chắn không phải là trường hợp duy nhất. Ngay trong Giọng hát Việt năm đó, không ít giọng ca trẻ cũng đã nổi tiếng chỉ sau một màn dự thi ở vòng Giấu mặt: Bùi Anh Tuấn, Bảo Anh, Thiều Bảo Trang, Đinh Hương, Đồng Lan…

Tất cả đều đôi mươi, là thế âm nhạc trẻ nhất của thời điểm ấy. Tất cả cùng chọn The Voice trong phiên bản lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam để chứng tỏ giọng hát của mình. Mùa đầu tiên cũng là năm mà Giọng hát Việt có nhiều giọng ca xuất chúng nhất.

Trước đó hai năm, Vietnam Idol cũng đã làm được điều tương tự. Vietnam Idol 2010 đã đưa Uyên Linh lên chức quán quân, vị trí thứ hai thuộc về Văn Mai Hương. Văn Mai Hương khi đó mới 16 tuổi nhưng đã hát rất màu sắc và đa dạng. Trong khi, Uyên Linh thậm chí được gọi là “tiểu diva” của nhạc Việt. Sân chơi này cũng đã đưa Bích Phương, Trung Quân đến gần hơn với khán giả.

Sau 10 năm, Văn Mai Hương - á quân Vietnam Idol 2010 - nói với Zing - cô đã ở “đỉnh cao” sớm nhờ một cuộc thi âm nhạc, cô đã kiếm được tiền khi bạn bè cùng trang lứa còn đang ngồi học trên ghế nhà trường. Nữ ca sĩ cho biết cô có nhiều show ngay sau cuộc thi và bản thân đã chạy điên cuồng trong khoảng 2-3 năm đầu sự nghiệp. “Có tháng tôi đi tới 26 chuyến bay”, giọng ca sinh năm 1994 nhớ lại.

2010-2016 là giai đoạn bùng nổ của chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, đặc biệt là nhạc pop ở Việt Nam: Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Gương mặt thân quen, X Factor, The Remix, Sing My Song…

Những gương mặt ca sĩ như Đức Phúc, Trúc Nhân, Vũ Cát Tường, Hoài Lâm, Dương Hoàng Yến, Phương Mỹ Chi, Nhật Thủy, Trọng Hiếu… đều nổi tiếng từ cuộc thi truyền hình. Đến những ca sĩ đã được biết đến từ trước, đã có hit như Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Sơn Tùng M-TP, Isaac… cũng từng chọn The Remix làm điểm nhấn cho sự nghiệp.

the he gen Z nhac Viet anh 4

Isaac cho biết The Remix là bệ phóng cho sự nghiệp của anh. Ảnh: Bá Ngọc.

Trả lời cho câu hỏi: “Điều gì giúp Isaac được coi là thành công nhất trong nhóm 365 sau khi tan rã?”, giọng ca sinh năm 1988 bày tỏ: “Tôi nghĩ yếu tố tiên quyết giúp tôi nổi bật hơn các bạn khác trong nhóm là tham gia The Remix. Chương trình giống như một cơ hội để tôi có thể chứng minh với mọi người về khả năng solo, không lép vế so với các bạn cùng tham gia”.

Truyền hình thực tế, một thời, là con đường được rất nhiều giọng ca lựa chọn để bước chân vào showbiz, để nổi tiếng hơn, hoặc cũng có thể là như Phan Mạnh Quỳnh ở Sing My Song 2016 – để mang đến một diện mạo âm nhạc khác.

Nhưng từ năm 2016, các cuộc thi nhạc pop bắt đầu bão hòa, giảm dần sức hút. Giá quảng cáo và rating đều giảm, ngôi vị quán quân cũng mờ nhạt dần. Nhiều chương trình dừng sản xuất, trong khi một số chương trình khác “cầm hơi”, nhưng không còn được báo giới và khán giả đón nhận như trước.

Thực tế này mở ra một con đường khác cho một thế hệ khác bước chân vào thị trường nhạc Việt.

Gen Z và cách nổi tiếng khác

Nghệ sĩ Gen Z là những bạn trẻ sinh từ năm 1997 đến nay. Khi thế hệ Gen Z lớn lên và trưởng thành, truyền hình thực tế đã bão hòa. Gần đây có hai game show âm nhạc được yêu thích là Rap Việt và King of Rap nhưng dành cho rap thay vì pop.

Những năm gần đây, những giọng ca theo đuổi pop thiếu vắng những chương trình đình đám để có thể dự thi và nổi tiếng nhanh chóng như thế hệ Millennials. Không còn Sao mai điểm hẹn, không còn Vietnam Idol hay Nhân tố bí ẩn. Đến Giọng hát Việt năm 2020 cũng đã không còn được thực hiện để nhường sóng giờ vàng cho King of Rap mùa đầu tiên.

Sau bolero, rap lên ngôi, nhạc pop có lúc đã bị lãng quên dần ở loại hình cuộc thi âm nhạc trên truyền hình. Nhưng những giọng ca nhạc pop mới vẫn xuất hiện và đi theo một con đường hoàn toàn khác những Uyên Linh, Hương Tràm, Đức Phúc của thời hoàng kim truyền hình thực tế.

Con đường của Gen Z là con đường của công ty giải trí với mô hình đã được Kpop áp dụng rất thành công, đặc biệt trong việc phát triển nhóm nhạc và các thần tượng xứ Hàn với những cái tên như Big Hit, SM, Cube…

Thực tế mô hình công ty giải trí đã xuất hiện ở đời sống nhạc Việt từ lâu. Những nhóm nhạc như 1088, H.AT đều từng hoạt động trong sự quản lý của công ty nhưng vẫn mang tính chất sơ khai, chưa chuyên nghiệp.

Những năm gần đây, các công ty giải trí hoạt động bài bản hơn, gần với mô hình của Hàn Quốc hơn. Trường hợp của AMEE là điển hình trong việc đào tạo thần tượng thế hệ mới.

AMEE gia nhập công ty giải trí từ khi 14 tuổi và có 4 năm làm thực tập sinh, được đào tạo âm thầm về giọng hát, phong cách, vũ đạo trước khi tấn công thị trường một cách mạnh mẽ, quyết liệt.

Khi đã gia nhập thị trường từ năm 2019 đến nay, AMEE liên tiếp có sản phẩm âm nhạc: Ex's Hate Me, Anh nhà ở đâu thế, Phố hàng nóng, Đen đá không đường, Anh đánh rơi người yêu này, Trời giấu trời mang đi… Năm 2020, nữ ca sĩ có album đầu tay DreAMEE, sau đó lại có show acoustic hát những ca khúc trong dự án.

Số lượng sản phẩm nhiều trong một thời gian ngắn mà AMEE có được phần lớn là do công sức của một ê-kíp chuyên nghiệp.

Ngoài AMEE, nhiều giọng ca solo khác như Han Sara hay Jsol hiện cũng đang hoạt động trong mô hình công ty giải trí. Han Sara sinh năm 2000, Jsol sinh năm 1997 đều thuộc thế hệ Gen Z. Nhóm nhạc Uni5 với những 9X đời cuối cũng đi theo con đường tương tự. Hoàng Duyên - một tân binh Gen Z - cũng đang bước những bước đầu tiên không khác AMEE.

Tất nhiên, cũng vẫn tồn tại những giọng ca pop Gen Z đi theo con đường độc lập, tự phát triển sự nghiệp của mình như Hiền Hồ hay Quân A.P. Trong khi cũng có những giọng ca đã rất nổi tiếng, được coi là sao hạng A, có lượng fan đông đảo nhưng vẫn chọn hoạt động ở công ty giải trí như Jack.

Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền cho rằng nghệ sĩ Gen Z nên hoạt động ở mô hình công ty giải trí. “Khi đó nghệ sĩ chỉ cần tập trung vào âm nhạc, mọi vấn đề khác đã có ê-kíp và công ty lo”, tác giả Chàng trai sơ mi hồng nói với Zing.

Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi, mô hình công ty giải trí cũng tiềm ẩn nhiều xung đột từ cả hai phía. Orange cũng là một giọng ca Gen Z nổi tiếng nhờ mô hình công ty giải trí, nơi giúp nữ ca sĩ có được bản hit Người lạ ơi. Song, năm ngoái, Orange tố công ty của Châu Đăng Khoa thiếu minh bạch tài chính và đã “đường ai nấy đi”.

Trường hợp của Orange và Châu Đăng Khoa nói lên nhiều vấn đề còn tồn tại bên cạnh những ưu việt không thể phủ nhận của mô hình công ty giải trí.

Quang Đức

Bạn có thể quan tâm