Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự im lặng lạ kỳ sau lời kêu gọi biểu tình của ông Trump

Lời kêu gọi biểu tình được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra vào cuối tuần trước đã không nhận được sự phản ứng tích cực từ những người ủng hộ của ông.

Không có nhiều người ủng hộ hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình của cựu Tổng thống Donadl Trump. Ảnh: Reuters.

"Ứng viên đang dẫn đầu của đảng Cộng hòa ở thời điểm hiện tại và cựu tổng thống Mỹ sẽ bị bắt giữ vào hôm 21/3. Hãy biểu tình. Hãy giành lại quốc gia của chúng ta", cựu Tổng thống Donald Trump chia sẻ trên mạng xã hội Truth vào sáng 18/3.

Tuy nhiên, hơn 2 ngày sau khi Trump tuyên bố rằng mình ​​​​sắp bị bắt, có rất ít dấu hiệu cho thấy lời kêu gọi của ông đã truyền cảm hứng cho những người ủng hộ tổ chức và tập hợp trong một sự kiện lớn như vụ bạo loạn hôm 6/1/2021.

Theo AP, những người ủng hộ nhiệt thành nhất đã từ chối hưởng ứng lời kêu gọi của ông Trump vì cho rằng việc biểu tình sẽ không có tác dụng.

Sự im lặng bất thường

Hiện tượng trên khiến nhiều người đặt dấu hỏi về khả năng huy động người ủng hộ tổ chức biểu tình với quy mô như vụ bạo loạn tại Điện Capitol vào năm 2021 của vị cựu tổng thống này, dù ông Trump vẫn là ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa.

Một nhà tổ chức biểu tình nổi tiếng của đảng Cộng hòa đã đăng trên Twitter rằng anh ta dự định không tham gia các sự kiện phản đối nếu ông Trump bị bắt.

Ali Alexander, thành viên của phong trào “Stop the Steal” - thúc đẩy quan điểm về hành vi gian lận của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020 - đã cảnh báo người ủng hộ của vị tổng thống thứ 45 rằng họ có nguy cơ "bị bỏ tù hoặc gặp những vấn đề tồi tệ hơn" nếu biểu tình ở thành phố New York.

"Bạn không có sự tự do hay quyền tại nơi đó", Alexander chia sẻ trên Twitter.

Một đồng minh của Alexander trong phong trào “Stop the Steal” là người dẫn chương trình và nhà tuyên truyền thuyết âm mưu Alex Jones.

cuu Tong thong Donald Trump anh 1

Việc hơn 1.000 người bị bắt giữ và truy tố sau vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 đã khiến nhiều người ủng hộ của ông Trump không dám tham gia biểu tình trong những ngày tới. Ảnh: Reuters.

Alexander cho biết đã nói chuyện với người dẫn chương trình Infowars và cả hai thống nhất không tham gia các cuộc biểu tình trong những ngày tới.

Phản ứng trên trái ngược hoàn toàn so với sự ủng hộ ông Trump nhận được sau khi kêu gọi người dân tới Washington để tham gia "một cuộc biểu tình lớn".

"Hãy tới đây, hãy hành động thật mạnh mẽ", ông Trump nói với người ủng hộ vào năm 2021.

Tuy nhiên, kể từ sau vụ bạo loạn tại Quốc hội Mỹ, việc hơn 1.000 người bị bắt giữ và truy tố sau vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 đã khiến nhiều người ủng hộ ông Trump không dám tái hiện các hành động tương tự.

Cái bẫy của các cơ quan chức năng?

Trong 2 ngày qua, người ủng hộ của ông Trump cũng lan truyền một thuyết âm mưu trên mạng xã hội rằng các cơ quan chức năng có thể cài mật vụ ngầm nhằm kích động người biểu tình tiến hành bạo loạn, tạo cớ bắt giữ người dân.

"Có bao nhiêu đặc vụ được cài cắm để biến cuộc biểu tình chống lệnh bắt giữ ông Trump trở thành một vụ bạo loạn", Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Marjorie-Taylor Greene chia sẻ trên Twitter.

John Scott-Railton, chuyên gia cấp cao của phòng nghiên cứu Citizen Lab tại Đại học Toronto và thường xuyên theo dõi diễn biến của phong trào “Stop the Steal”, cho biết nỗi sợ bị các cơ quan chức năng gài bẫy khiến nhiều người không dám tham gia các cuộc biểu tình hoặc có hành vi bạo lực.

Ngay cả những đồng minh của cựu Tổng thông Trump trong đảng Cộng hòa cũng không còn bảo vệ ông một cách quá quyết liệt.

cuu Tong thong Donald Trump anh 2

Một số người ủng hộ ông Trump cũng lo ngại các cơ quan chức năng có thể kích động hành vi bạo lực trong các cuộc biểu tình nhằm tạo cớ bắt giữ họ. Ảnh: Reuters.

Cựu Phó tổng thống Mike Pence, trong cuộc phỏng vấn với đài ABC News, dù cáo buộc việc truy tố ông Trump là một hành vi mang động cơ chính trị, cũng thừa nhận vị tổng thống thứ 45 của Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm trong vụ bạo loạn tại Điện Capitol.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã chỉ trích công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg, đồng thời tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra nhằm quyết định liệu vị quan chức này có sử dụng tài nguyên của Bộ Tư pháp trong quá trình ông Trump.

Nhưng bất chấp những tuyên bố trên, ông McCarthy và những chính trị gia đảng Cộng hòa khác đều ngần ngại kêu gọi cử tri biểu tình chống lại nguy cơ ông Trump bị bắt giữ.

“Tôi không nghĩ mọi người nên biểu tình phản đối điều này. Tôi nghĩ rằng Tổng thống Trump cũng có cùng suy nghĩ như vậy,” ông McCarthy cho biết.

Tiết lộ về tổng thống Mỹ

Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.

Cảnh sát New York phản ứng sau khi ông Trump báo tin sắp bị bắt

Cảnh sát New York và Cơ quan Mật vụ Mỹ đang chuẩn bị cho tình trạng bất ổn sau khi cựu Tổng thống Donald Trump kêu gọi người ủng hộ phản đối khả năng ông bị bắt giữ trong tuần này.

Người có thể khiến vụ bắt giữ ông Trump không diễn ra trong ngày mai

Đại bồi thẩm đoàn xem xét vụ án về phí bịt miệng chống lại cựu Tổng thống Donald Trump có thể nghe thêm lời khai từ luật sư Robert Costello.

An Bình

Bạn có thể quan tâm