Các hành động cực đoan trên khán đài của bóng đá Đức bộc phát từ nhiều năm nay. Từ các sân vận động ở Dortmund đến Frankfurt, từ Munich, Berlin hay mới đây là Hoffenheim, các nhà làm bóng đá Đức bắt đầu cảm nhận thấy sự đe dọa đến nền bóng đá.
CĐV Monchengladbach cùng băng rôn với hình Chủ tịch Hopp trở thành bia tập bắn. Ảnh: Getty. |
Cơn cuồng nộ từ khán đài
Khi Bayern đang dẫn đối thủ 6-0, trọng tài phải cho dừng trận đấu 15 phút vì CĐV Bayern liên tục chế giễu và sỉ nhục Chủ tịch Hoffenheim Dietmar Hopp.
Ban lãnh đạo Bayern gồm Giám đốc thể thao Hasan Salihamidzic, HLV Hansi Flick và các cầu thủ Bayern chủ động bước xuống sân để xoa dịu tình hình. Thế nhưng, nỗ lực của họ không khiến CĐV Bayern bớt hung hăng. Họ tiếp tục đốt pháo sáng và chửi bới trên khán đài.
Cổ động viên Bayern không cô đơn. Ít nhất 4 trận đấu của Bundesliga trong vòng 2 tuần qua chứng kiến cảnh tượng các nhóm ultras của những CLB hàng đầu nước Đức náo loạn trên khán đài.
Khi Borussia Monchengladbach gặp Hoffenheim vào cuối tháng 2, CĐV Gladbach trưng tấm hình với hình ông Hopp đang trở thành bia tập bắn. Đội trưởng Lars Stindl cùng Giám đốc thể thao Max Eberl của Gladbach phải đến yêu cầu CĐV dỡ bức hình xuống để trận đấu có thể tiếp tục.
Vì sao Chủ tịch Hopp, một mạnh thường quân và được xem là cứu tinh của Hoffenheim, khiến nhiều hội CĐV các đội bóng Đức tẩy chay? Người ta tin vị tỷ phú phần mềm này đi ngược lại tôn chỉ truyền thống của bóng đá Đức, khi phá vỡ luật 50+1 được đặt ra để đảm bảo các CLB luôn thuộc sở hữu của người hâm mộ.
Hopp sở hữu 96% cổ phần Hoffenheim. Ông giúp đội bóng này từ CLB ở một vùng quê xa xôi của Đức vươn mình và có lúc dự Champions League.
Tuy nhiên, cuộc tấn công của các nhóm ultras bóng đá Đức không chỉ đơn thuần nhằm vào Hopp hay các chủ sở hữu của RB Leipzig, Hannover - những người cũng ấp ủ tham vọng phá bỏ hoàn toàn luật 50+1 để giúp các CLB tạo ra bước ngoặt phát triển.
Ông Hopp được chủ tịch Bayern cùng các cầu thủ an ủi sau sự cố. Ảnh: AP. |
Cuộc tấn công vào hệ thống
Chủ tịch LĐBĐ Đức (DFB) Fritz Keller gọi những sự cố trên là "thảm họa". "Các nhóm ultras đã đi quá xa", ông nói. Bóng đá Đức đang rơi vào tình cảnh tồi tệ nhất.
Tháng 1 năm nay, DFB ra thông báo các CĐV Dortmund sẽ bị cấm đến sân Hoffenheim trong 2 năm tới, vì các hành vi bôi nhọ chủ tịch Hopp. Michael Gabriel, trưởng nhóm kết nối các hội CĐV bóng đá Đức tin DFB đã đi ngược lại các tôn chỉ của mình khi cố gắng "trừng phạt các CĐV".
Những nhóm ultras của Gladbach, Bayern, Cologne hay Union Berlin nhanh chóng thể hiện tình đoàn kết với các thành viên của Dortmund. Trên sân bóng, họ có thể là kẻ thù nhưng trên khán đài, họ đang đoàn kết với nhau trong cuộc chiến duy nhất: Chiến đấu với hệ thống.
Nguồn gốc của luật 50+1 bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tại Bremen, khi CLB của thành phố muốn dỡ bỏ các khán đài đứng trên sân vận động để đáp ứng tiêu chuẩn của bóng đá châu Âu, họ bị phản ứng dữ dội từ CĐV.
Werder Bremen sau đó phải thỏa hiệp với người hâm mộ. DFB đồng ý giữ nguyên các khán đài đứng. Gabriel tin điều đó đã tạo ra niềm tin cho các CĐV bóng đá Đức, rằng họ có thể tạo ra tác động và quyền lực lên CLB mà họ cổ vũ.
Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, luật 50+1 ra đời. Nó quy định một CLB chuyên nghiệp ở Đức muốn được cấp phép thi đấu phải có tối thiểu 51% cổ phần được sở hữu bởi các hội viên đội bóng. Với luật này, mọi cá nhân, tập đoàn bên ngoài dù có nhiều tiền đến đâu cũng không thể nắm quyền kiểm soát toàn bộ đội bóng.
Trong nhiều năm, Chủ tịch Martin Kind của Hannover đã thực hiện nhiều cuộc vận động để nới lỏng luật 50+1. Kind muốn sở hữu toàn bộ đội bóng, thậm chí đe dọa kiện tính hợp pháp của điều luật này lên Tòa án tối cao châu Âu. Các CĐV Hannover giận dữ. "Luật 50+1 là những gì chúng tôi có và chúng tôi phải bảo vệ nó", Robin Krakau, thành viên thộc nhóm ultras ProVerein1896 của Hannover nói. "Khi một CLB chỉ thuộc sở hữu của một người, không ai biết chuyện gì có thể xảy ra tiếp theo".
Tháng 3/2013, một lá đơn được hội CĐV Hannover gửi lên DFB. Vài tháng sau, đề nghị nắm toàn quyền sở hữu Hannover của Kind bị bác bỏ, khi DFB lấy bằng chứng từ ProVerein1896.
Krakau gọi cuộc chiến của họ là cuộc chiến với hệ thống. DFB đã trừng phạt CĐV vì dám đứng lên thể hiện quan điểm. DFB đã cho phép Hopp của Hoffenheim, RB Leipzig và nhiều ông chủ khác manh nha ý định sở hữu toàn bộ đội bóng. Trước Leipzig hay Hoffenheim, Wolfsburg và Bayer Leverkusen là hai CLB khác không hoàn toàn theo luật 50+1.
Khung cảnh hỗn loạn trên khán đài trận Hoffenheim và Bayern vừa qua. Ảnh: Getty. |
Công lý cho ai?
Tuy nhiên, những hành động quá khích nói trên của các nhóm không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ.
Sau khi trọng tài cho trận đấu giữa Bayern và Hoffenheim ở vòng 24 Bundesliga trở lại sau gián đoạn, cầu thủ 2 đội ngừng chơi bóng. Họ chuyền qua chuyền lại nhẹ nhàng, không di chuyển cho đến hết trận. Tiền vệ Thomas Mueller sau đó lên trang cá nhân tuyên bố phản đối bất cứ hành động quá khích nào trên khán đài.
"Đó là những hành vi dại dột và ngu ngốc", Chủ tịch Bayern Karl-Heinz Rummenigge nói sau trận đấu của Bayern trên sân Hoffenheim. "Tôi vô cùng xấu hổ vì hành động này".
Những người trực tiếp đứng sau hành vi "đáng xấu hổ" ấy theo lời Rummenigge là Schickeria, nhóm ultra khét tiếng nhất của Bayern. Gabriel cho rằng những nhóm ultra kiểu như Schickeria không chỉ đơn thuần hâm mộ bóng đá. Nhiều nhóm ultra tiêu biểu của bóng đá Đức còn là những người đứng lên chống lại các vấn nạn phân biệt chủng tộc. Đó là thứ văn hóa bóng đá tích cực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh DFB muốn tăng giá trị của Bundesliga, các hành động cực đoan trên khán đài chỉ làm xấu đi hình ảnh của giải đấu. Đó là lý do các lãnh đạo của bóng đá Đức tuyên chiến mạnh mẽ với các nhóm ultras như vậy.
Giám đốc thể thao Gladbach Max Eberl cho rằng CĐV có quyền lên tiếng, nhưng không phải theo cách như thế này. Từ những hành động tẩy chay đến thóa mạ người khác trên khán đài là ranh giới rất mong manh. Vài nhóm ultras theo lời Gabriel có thể là những người tốt, nhưng phần còn lại có thể không.
Tháng 3/2018, chính Bayern từng khởi xướng việc xóa bỏ luật 50+1, mở đường cho các CLB tự quyết định việc cho phép tập đoàn nước ngoài đầu tư vào đội bóng. Tuy nhiên, kế hoạch của Bayern không thành công vì vấp phải sự phản kháng của nhiều đội còn lại, những người chịu tác động từ các CĐV.
Trong cuộc bỏ phiếu quyết định sau đó, có 4 đội bỏ phiếu đồng ý bỏ luật 50+1 bao gồm Bayern Munich và RB Leipzig. 18 trên 36 đội muốn giữ. 9 đội bỏ phiếu trắng, 3 đội không tham gia bỏ phiếu và 2 đội vắng mặt.
Gần một thập niên trước, khi Hannover khởi xướng cuộc bỏ phiếu, có 32 trên 36 đội bỏ phiếu muốn duy trì luật 50+1. Khi mà bóng đá hiện đại đã có những thay đổi chóng mặt, một bộ phận những người làm bóng đá Đức tin rằng luật 50+1 chỉ khiến nền bóng đá tụt hậu so với thế giới.
New York Times bình luận những CĐV cực đoan của bóng đá Đức đòi giữ nguyên quyền lực và tiếng nói của họ, nhưng còn phần còn lại, những người muốn đội bóng của mình có thể phát triển nhờ ngoại lực thì sao?
CĐV RB Leipzig hay Hoffenheim sẽ nghĩ gì nếu CLB của họ trở lại thời kỳ như trước khi tập đoàn đồ uống của Áo có mặt? Sẽ không có bóng đá đỉnh cao Bundesliga hay Champions League cho họ.
Guardian đặt câu hỏi liệu có bao nhiêu người đồng ý với việc một chủ tịch đã đưa Hoffenheim lên tầm cao mới như Hopp xứng đáng bị thóa mạ, ngoại trừ các nhóm ultras của bóng đá Đức?
Những câu hỏi về giá trị đạo đức trên khán đài, quyền lực thật sự của các CĐV hay tham vọng phát triển đang đặt bóng đá Đức trước nhiều thử thách.