Trên con phố chính chạy xuyên qua quận Karada ở thủ đô Baghdad, những người bán hàng rong ngồi chật kín vỉa hè. Trong những nhà hàng lấp lánh ánh đèn, các thực khách nhâm nhi món cá chép bơ nướng, món ăn được coi là quốc hồn quốc túy của Iraq. Còn ở các hàng quán ngoài trời, người ta bắt gặp hình ảnh những khách hàng nhâm nhi cà phê, trà trong khói shisha.
Sự sống trở lại?
Chỉ mới 2 năm rưỡi trước đây, trên chính con phố tại quận Karada, các phần tử của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lái một chiếc xe tải chứa đầy thuốc nổ, kích hoạt quả bom vào đúng tháng ăn chay Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo, giết chết hàng trăm người.
Giờ đây, cảnh đổ nát đã không còn, thay vào đó là những chàng trai trẻ mặc quần jean thể thao và áo khoác ngoại nhập sặc sỡ cùng mái tóc cắt chỏm cao đậm chất phương Tây. Vẻ ngoài chỉ vài năm trước có thể khiến họ bị những phần tử vũ trang cực đoan sát hại ngay lập tức khi lộ diện nơi công cộng, tụ tập ở những góc phố.
Hầu hết chốt kiểm soát an ninh, lý do từng khiến giao thông ùn tắc hàng giờ, nay đã được dỡ bỏ. Những con đường mới được mở ra. Người dân không còn phải chịu cảnh cắt điện tồi tệ như những năm chìm trong bom đạn.
Phố mua sắm tại quận Karada ở thủ đô Baghdad, Iraq. Ảnh: Getty. |
Tại một hội chợ sách nổi tiếng của Baghdad, hàng chục nhà xuất bản tên tuổi từ khắp miền Bắc cử đại diện tới để giới thiệu những cuốn sách họ là chủ biên, từ thơ ca, lịch sử tới truyện kinh dị. Sự kiện năm nay được đặt theo tên của tiểu thuyết gia Alaa Mashzoub, nhà văn nổi tiếng vì các tác phẩm cất lên tiếng nói chống lại sự chia rẽ của đất nước. Ông bị bắn chết tại nhà riêng hồi đầu tháng 2.
Phát biểu tại phiên khai mạc của hội chợ sách, Tổng thống Iraq Barham Salih nói về thách thức đến từ chủ nghĩa khủng bố, tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận, cũng như tầm quan trọng của Iraq với tư cách là một trung tâm học thuật, dù rằng đất nước này đã rời xa cái thời huy hoàng đó.
"Khi chúng ta nói về chính trị, khủng bố là thách thức nghiêm trọng nhất. Tôi muốn chỉ ra rằng đời sống chính trị Iraq đang ở giai đoạn chuyển giao mà ở đó chiến thắng trước chủ nghĩa khủng bố và bạo lực phải được củng cố bằng việc cải cách hơn nữa và hành động biến những chiến thắng này trở thành chiến thắng quyết định", ông Salih nói.
Đối với Hisham al-Hashimi, một chuyên gia về tổ chức khủng bố IS, vấn đề chính là nằm ở đó. Bất chấp những bài phát biểu hùng hồn của các lãnh đạo, Iraq từ lâu đã là một quốc gia nơi những thất bại và bất ổn chính trị đan xen chặt chẽ với sự trỗi dậy và lộng hành của chủ nghĩa khủng bố.
"Iraq không học được bài học gì từ IS. Đặc biệt về phạm trù cùng chung sống và an ninh dân sự, chấp nhận và xin lỗi người khác, những lý do đã biến IS từ một nhóm nhỏ trở thành một đế chế, và hiện vẫn còn ở ngoài kia", ông Hashimi nói.
Làn sóng tấn công mới
Có một sự mất kết nối rõ rệt trong lòng Iraq, quốc gia từng trải qua những bi thảm tột cùng trước đây. Giữa những thay đổi tại Iraq được các chính trị gia và chỉ huy quân đội ở Baghdad mô tả với thực tế cuộc sống của những người sống tại các lãnh thổ một thời nằm dưới sự chiếm đóng của IS là một khoảng cách tưởng như vô tận.
Trong khi các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đang trên đà tái chiếm những cứ điểm cuối cùng IS kiểm soát ở Syria, Iraq đã tuyên bố đánh bại hoàn toàn IS từ hơn một năm trước. Baghdad tuyên bố rằng lực lượng này nay chỉ còn là những nhóm vũ trang hoạt động bất hợp pháp.
Các tay súng IS nay đang phát động một chiến dịch du kích mới từ những căn cứ ở miền Bắc xa xôi hẻo lánh. Thủ đoạn của các nhóm khủng bố không mới, chủ yếu là ám sát các mục tiêu "có giá", cướp bóc làng mạc, đánh bom bên đường, cũng như đào tạo các lớp chiến binh cực đoan thế hệ mới.
Trên vùng sa mạc rộng lớn gần dãy núi Hamrin, người dân vẫn phải sống nhờ vào "lòng tốt" của các nhóm chiến binh IS thống trị khu vực này vào ban đêm. Các chiến binh nắm rõ vùng đất này, với thời gian dài lăn lộn tới từng ngóc ngách khi IS còn là một đế chế rộng lớn. Có một số người thậm chí đã ở đây từ thời IS còn là một nhánh của Al Qaeda.
Đoàn xe hộ tống của quân đội Iraq chở nhóm phóng viên quốc tế đi vào vùng đất bên ngoài Mosul, gần dãy núi Hamrin. Chỉ sau vài phút, đoàn xe phải dừng lại để các binh sĩ tiến hành kiểm tra bom mìn có thể bị cài.
Làng Al Thaya trên tuyến hành trình, chỉ với vài nóc nhà, là nạn nhân mới nhất trong chiến dịch khủng bố tàn bạo của IS. Ba ngày trước đó, 6 người đã bị các chiến binh khủng bố sát hại.
Binh sĩ Iraq bên ngoài một ngôi nhà ở làng Al Thaya. Ảnh: CNN. |
Ông Yousuf Hawwas, 72 tuổi, cho biết ông vẫn chưa quên được cảm giác kinh hoàng. Tất cả nạn nhân đều là người thân trong gia đình ông. Những kẻ sát nhân đã phá nát hòm kim loại gia đình ông giấu tiền bạc, cướp đi tất cả những gì chúng có thể và tẩu thoát trên một chiếc xe tải.
"Cảm xúc của tôi ấy à, tôi cũng chẳng thể miêu tả được", ông Hawwas nói, với khuôn mặt đã giàn giụa nước mắt.
Người đàn ông đưa cả đoàn tới một trong những ngôi nhà nơi vụ hành quyết diễn ra. Máu vẫn còn bám đỏ trên tường, vài mảnh xương và nội tạng vương vãi trên sàn nhà.
Một người con gái của ông Hawwas cho biết những vụ tấn công như vậy cứ mỗi vài tháng lại xảy ra. Mọi người đều hiểu cuối cùng họ cũng sẽ trở thành nạn nhân.
Một sĩ quan quân đội Iraq cho biết ông tin rằng một trong những kẻ tấn công nắm rõ ngôi làng cũng như các gia đình sinh sống ở đây. Đó là lý do hắn biết nơi các gia đình cất giấu tiền của. Tên này có 3 người con trai, tất cả đều đã gia nhập IS.
Hawwas cho biết những kẻ tấn công mặc đồng phục quân đội, chiến thuật IS nhiều lần sử dụng trước đây. Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận những vụ tấn công tương tự xảy ra trong quá khứ ở phía bắc của Baghdad.
Khi đoàn xe rời khỏi làng Al Thaya, một trong số tài xế phẫn nộ khi ông Hawwas nhắc tới chi tiết những kẻ tấn công mặc đồng phục quân đội. "Chúng đều là lũ dối trá, những tên khốn ấy đáng bị hành quyết hết".
Khoảnh khắc khó xử đó cho thấy tâm lý bè phái nặng nề mà người dân Iraq phải vượt qua nếu đất nước này muốn thực sự có cơ hội sống cuộc sống hòa bình.
Vị khách bí ẩn
Lịch sử hiện đại của Iraq phức tạp và chứa nhiều đau thương. Cộng đồng người Hồi giáo Shia bị đàn áp nặng nề trong thời gian cầm quyền của ông Saddam Hussein, nhà lãnh đạo theo Hồi giáo dòng Sunni.
Khi ông Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003 sau cuộc chiến do Mỹ phát động, phe Sunni mất quyền kiểm soát vào tay người Hồi giáo dòng Shia. Những người Hồi giáo dòng Sunni sau đó tiến hành chiến tranh chống lại người Shia, mà khủng bố là phương thức phổ biến trong cuộc nội chiến ấy.
Quân đội Mỹ rút khỏi Iraq năm 2011, để lại khoảng trống quyền lực lớn tại quốc gia Trung Đông này. Dưới thời Thủ tướng Nuri Al Maliki, quân đội chính phủ Iraq tiến hành các chiến dịch quân sự tàn bạo, gây nên làn sóng phẫn nộ khủng khiếp trong cộng đồng Sunni.
Tận dụng sự bất bình của người Sunni, IS đã trỗi dậy. Chính ác cảm của người Sunni với chính phủ Baghdad, cùng với sự rệu rã yếu kém của quân đội Iraq, là những lý do chính khiến IS chiếm được phần lớn thành phố Mosul chỉ trong chớp mắt năm 2014.
Sự chiếm đóng của IS đã biến thành phố Mosul thành một đống đổ nát. Đứng bên nơi từng là nhà thờ Hồi giáo gần một nghìn năm tuổi Al Nuri, mà nay chỉ còn là gạch vụn, trưởng lão Mahmoud Dawoud nhắc lại một ngày tháng 7/2014 khi một vị khách bí ẩn đến đây để giảng đạo.
Nhà thờ Hồi giáo Al Nuri bị IS phá hủy. Ảnh: CNN. |
Vài giờ trước khi buổi giảng đạo diễn ra, những người đàn ông bịt mặt tràn vào các con phố xung quanh và chiếm giữ nóc nhà thờ. Khoảng 200 ôtô vây lấy lối vào, một người đàn ông mặc áo choàng và đội khăn trùm đầu màu đen xuất hiện.
"Tôi băn khoăn không biết đó là ai. Chúng tôi không biết người đó là ai. Rồi sau đó họ nói Baghdadi đang tới. Baghdadi là ai, chúng tôi không hề biết", ông Dawoud nói.
Sau đó, trong nhà thờ Al Nuri, Abu Bakr al-Baghdadi đọc bài diễn văn tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo, tự phong mình là thủ lĩnh tối cao, ra lệnh tất cả người Hồi giáo phải tuân phục.
"Tôi là một người Hồi giáo, tôi biết rõ về tôn giáo của mình. Tôi cũng biết hắn ta không ở đó để bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi đều bất ngờ khi hắn tuyên bố về đế chế Hồi giáo. Đế chế Ottoman đã chấm dứt từ 100 năm trước, bây giờ nó quay lại sao?", già làng Mosul nói.
Mọi người thề trung thành với Baghdadi, hô vang tên của Thánh Allah. Họ nắm vai, ôm hôn Baghdadi, như thể thủ lĩnh IS sẽ giúp họ lên thiên đường. Ông Dawoud nói đó là giây phút ông biết Mosul sẽ bị phá hủy trong tay Baghdadi và đồng bọn.
Tại khu thành cổ Mosul, hầu hết người dân chưa thể trở về nhà, bởi chẳng còn mấy ngôi nhà lành lặn. Những bi kịch xảy ra dưới thời IS vẫn luôn hiện hữu trong câu chuyện của người dân sống tại Mosul, nơi cảm xúc khổ đau gắn liền với những thân nhân đã chết, nhiều người thi hài còn chưa được tìm thấy bên dưới đống đổ nát.
"Phải, cha tôi và con trai tôi đã bị chúng sát hại. Chúng tôi phải chôn họ trong những ngôi mộ tạm bợ", Azzam Ahdullah, một cư dân của Mosul, nói với giọng đau buồn.
Sự bất công với người Sunni
Khu thành cổ và các quận phía tây Mosul, nơi từng hứng chịu những trận không kích dữ dội của liên quân quốc tế, tới nay vẫn còn ngổn ngang gạch đá. Một số công trình đang được xây dựng lại bởi những người có đủ khả năng chi trả, nhưng đó chỉ là thiểu số.
Hoạt động tái thiết chủ yếu diễn ra ở phía đông Mosul. Đây là khu vực hiếm hoi của thành phố mang lại cho người ta cảm giác cuộc sống bình yên đang trở lại, với những cửa hiệu lấp lánh bán quần áo Trung Quốc, những khu chợ với hoa quả tươi và rau xanh.
Thế nhưng, những sự tái thiết ấy không đến từ hỗ trợ tài chính của chính phủ. Thống đốc Nawfal Hamadi al-Sultan của tỉnh Nineveh, nơi có thành phố Mosul, cho biết chính phủ Iraq chỉ giải ngân 1% ngân sách cho tỉnh này. Theo kế hoạch, Nineveh đáng ra phải nhận được 11% ngân sách của chính phủ. Nhiều người dân ở Mosul coi đây là hành động "cố ý" của chính quyền Baghdad.
Phần lớn thành phố Mosul vẫn chìm trong đổ nát. Ảnh: Getty. |
Thống đốc Sultan cáo buộc nền chính trị hủ bại của Iraq chính là nguyên nhân cho những bất công mà người dân ở Nineveh phải chịu đựng. Ông Sultan cho rằng có những phe cánh ở Baghdad không muốn thấy Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq, được tái thiết.
"Có nhiều nguyên nhân khiến Nineveh rơi vào tay IS, trong đó có cả những bất đồng trong nội bộ chính phủ. Các lực lượng an ninh, những vụ bắt giữ tùy tiện, rồi các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài, tất cả biến Nineveh thành một sân khấu chính trị", ông Sultan nói.
Các vụ trấn áp của lực lượng an ninh nhắm vào dân thường đã kết thúc, để lại tâm lý bất mãn trong nhiều người dân ở Mosul.
"Các bạn có biết điều gì mang tới sự cay đắng cho thành phố này không? Đó là việc quân đội và cảnh sát tấn công phụ nữ, rồi các vụ bắt giữ tùy tiện. Các chốt kiểm soát thì ở khắp nơi, người ta phải chờ hàng giờ đồng hồ", già làng Dawoud nói. Ông lo sợ mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn trước đây.
Ươm mầm thù hận
Khi IS bị đánh bại tại Mosul, nhiều người Sunni tố cáo chính phủ Iraq tiến hành chiến dịch trấn áp tàn bạo đối với họ, với những vụ biến mất của thường dân và bắt giữ tùy tiện.
Tâm lý bất mãn được thổi bùng trong các trại tạm trú, nơi những người dân nghèo mất nhà cửa sống cùng gia đình của những người bị giam giữ do bị cáo buộc có liên hệ với IS. Cảm giác bị cầm tù, tâm lý bị bỏ rơi và tuyệt vọng là những yếu tố ươm mầm cho những thế hệ khủng bố kế tiếp.
Trong một lán trại giữa bạt ngàn lều tạm ở Qayyarah, phía nam Mosul, cụ bà 70 tuổi Schams Hannoush òa khóc nức nở. Ba người con trai của bà đang mất tích không rõ nguyên nhân.
Người con trai còn lại của bà Hannoush là Jihad cho biết các anh trai là thành viên của lực lượng an ninh chính phủ Iraq. Ba người này bị mắc kẹt trong thành phố khi IS tấn công và chiếm quyền kiểm soát Mosul. Jihad thề không ai trong 3 người anh gia nhập IS.
Trẻ em tại một khu trại tạm ở Mosul. Ảnh: CNN. |
Một trong số 3 người này hàng đêm trốn ra khỏi thành phố, sử dụng điện thoại di động để truyền thông tin tình báo về hoạt động của các chiến binh IS cho quân đội chính phủ. Người này sau đó bị lực lượng đặc nhiệm Iraq bắt giữ.
Hai người anh trai khác của Jihad bị bắt bởi Hashd Al-Shaabi, một nhóm vũ trang Shia bị cáo buộc có các hành vi vô nhân đạo, bao gồm hành quyết không thông qua xét xử và bắt cóc người Sunni.
"Các con trai của tôi đã biến mất rồi, chúng đều là người vô tội. Chúng đều là quân nhân, rời bỏ con cái, phải chịu mệt mỏi và đau đớn. Chúng tôi đều là người Iraq mà, vì sao chuyện này lại xảy ra với chúng tôi? Chúng tôi đã làm gì sai cơ chứ", bà Hannoush nói.
Các nhà tù ở Iraq đang vượt ngưỡng giới hạn, với phạm nhân thuộc đủ mọi tội danh cùng với những người bị chính phủ bắt giữ vì tình nghi liên quan tới khủng bố. Tại một nhà tù ở Baghdad, số phạm nhân đang chờ bị hành quyết lên tới 940 người.
Tại khu trại Qayyarah, cháu của bà Hannoush liên tục đặt câu hỏi về sự biến mất của cha mình. Trong khi đó, những đứa trẻ khác hét những lời cáo buộc rằng cha cô bé là một phần tử IS.
Con của các tay súng IS và con của những người lương thiện sống cùng một lán trại và đó là thực tế khiến Salah Hassan, trưởng quận Qayyarah, lo lắng mất ăn mất ngủ. Ông Hassan lo ngại những đứa trẻ này lớn lên sẽ trở thành thế hệ chiến binh khủng bố kế cận.
Đây là vấn đề chính quyền Baghdad không thể làm ngơ. Chưa có dấu hiệu rõ ràng về việc IS hồi sinh ở Iraq, nhưng chính sách xã hội - an ninh của Baghdad đã cho thấy chỉ dấu về nguy cơ thất bại trước mắt.
Những giận dữ, bất mãn có thể dễ dàng được hâm nóng, nền chính trị bè phái có nguy cơ dìm chết những hy vọng nhỏ nhoi chỉ mới vừa được thắp lên tại Iraq. Nhiều người lo ngại tình trạng hiện tại kéo dài sẽ đẩy Iraq vào một chu kỳ đẫm máu kinh hoàng trong tương lai không xa.
"Khi chúng nghe đi nghe lại từ mẹ rằng cha của chúng bị chính phủ bắt cóc, sát hại, sự thù hận sẽ được gieo trong tâm trí những đứa trẻ và tạo ra nguy cơ tiềm tàng trong tương lai", ông Hassan nói.