Sách Tam quốc sử thoại . |
Tất cả dẫn chứng đều được lấy từ các tư liệu lịch sử và được phân tích chi tiết khiến câu chuyện của ông cuốn hút không kém Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
Đã có nhiều cuốn sách bình chú, kiến giải Tam quốc diễn nghĩa, nhưng ít người bình được đến hợp lý, thuyết phục mà thú vị như Lã Tư Miễn. Bằng vốn kiến thức uyên bác của một sử gia, ông gần như lật lại nhiều tích truyện tưởng đã được mặc định trong tác phẩm của La Quán Trung.
“Bây giờ tôi phải thanh minh thay cho một vị tuyệt đại anh hùng. Đó chính là Ngụy Vũ đế”. Câu mở đầu cho chương 12 trong cuốn Tam quốc sử thoại (Châu Hải Đường dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà văn), Lã Tư Miễn đã viết như vậy.
Cách viết có vẻ khiêu khích này đã chính thức làm cho nhiều fan cứng của Tam Quốc diễn nghĩa cảm thấy khó chấp nhận. Xưa nay, trong bảng phong thần của Tam Quốc, Tào Tháo được định danh là gian thần, điều này gần như không thể chối cãi.
Ngay Nam Cao, trong tác phẩm Đôi mắt được đưa vào giảng dạy ở nhà trường cũng không tránh khỏi định kiến ấy. Qua góc nhìn của nhân vật chính tên Hoàng: Tào Tháo thừa tài năng, đa mưu túc trí nhưng vẫn không phải là anh hùng chân chính. Vậy mới có câu cảm thán đậm mùi suồng sã: “Tài thật, tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo”.
Để bắt đầu chiêu tuyết (rửa sạch oan ức) cho Tào Tháo, sử gia họ Lã đã đưa ra rất nhiều bằng chứng thuyết phục. Đầu tiên, ông truy tìm cách nói “gian thần” từ đâu mà ra?
“Tất nhiên đó là chịu ảnh hưởng của Diễn nghĩa, song Diễn nghĩa cũng ắt có căn cứ của nó. Tiền thân của tiểu thuyết diễn nghĩa là thuyết thư (kể chuyện trong sách), người kể chuyện chẳng thể có kiến giải đặc biệt nào cả, chẳng qua chỉ là chiều theo tâm lý của xã hội. Hơn nữa một kiến giải, nếu không phù hợp với tâm lý của đa số mọi người, cũng nhất định không thể lưu truyền được rộng rãi như thế”.
Tạo hình nhân vật Tào Tháo trong phim. |
Kế đến, bằng vào những tư liệu lịch sử (chứ không phải chuyện thuyết thư), Lã Tư Miễn lần lượt ném ra nhiều thông tin chấn động: “Ngụy Vũ đế rốt cuộc là người như thế nào? Chỉ cần xem bản sắc lệnh mà ông ban ra vào ngày Kỷ Hợi, tháng 12, năm Kiến An thứ 15 (210) là có thể biết rõ. Ngụy Vũ đế vào năm 20 tuổi được cử Hiếu liêm. Ông nói: "'Ta vào khi ấy, vì vốn chẳng phải người có danh tiếng gì, sợ rằng bị người đương thời coi rẻ, nên rất mong muốn được làm một viên quận thú tốt'. Đích xác, sau này ông làm tới chức Tế Nam tướng, có nhiều chính tích, nhưng vì đắc tội với hoạn quan, lại bị cường hào oán hận, sợ rằng vì thế mà chuốc lấy tai họa cho gia đình, nên đã thác bệnh xin từ chức”. Khi đó Tào Tháo mới chừng 30 tuổi.
Về ẩn cư, Tào Tháo không nản lòng thoái chí, mà kiên nhẫn đọc sách, luyện võ, chờ thời. Sau đó, khi được tái nhập quan trường, ông nói: “Ta vào lúc bấy giờ, lại mong mỏi được lập công cho nước nhà, sau này chết đi trên mộ dựng một tấm bia, đề là: Mộ của Tào hầu - Chinh Tây tướng quân nhà Hán”.
Trong truyện Tam Quốc, người ta sở dĩ vu cho Tào Tháo tội bất trung muốn soán ngôi nhà Hán, cũng là nguồn gốc sinh ra cái định danh “gian thần”, theo Lã Tư Miễn đều là dựa vào những thông tin không chính xác.
Có thể kể đến: “Năm Kiến An thứ 17 (212) bọn Đổng Chiêu nói, Tào Tháo nên được tấn thăng nên tước công, và đem chuyện này bàn với Tuân Úc, Tuân Úc nói Ngụy Vũ đế vốn là khởi nghĩa quân để khuông phù cho nhà Hán, chẳng nên làm vậy. Ngụy Vũ đế vì thế mà không thể yên được trong lòng. Tuân Úc lo buồn mà chết. Một năm sau cái chết của Tuân Úc, Ngụy Vũ đế bèn được thăng lên làm Ngụy công. Câu này rõ ràng là câu thêu dệt. Nếu Ngụy Vũ đế thật sự muốn thoán ngôi nhà Hán thì có sợ gì Tuân Úc? Hơn nữa, tiến thăng làm Ngụy công thì có liên quan gì đến việc thoán ngôi nhà Hán?”.
Ví dụ thứ hai, Lã Tư Miễn kể lại năm Kiến An thứ 24 (219), Tôn Quyền muốn đánh Kinh Châu, dâng thư xưng thần, lại nói đến thiên mệnh rằng Tào Tháo nên làm Hoàng đế. Tào Tháo đưa thư cho mọi người xem rồi bảo: Thằng nhóc này lại muốn ta ngồi xổm trên lò lửa ư?
Chưa hết, ở lời chú trong Tam Quốc chí, dẫn sách Ngụy thị Xuân Thu nói: Hạ Hầu Đôn nói với Tào Tháo rằng: Từ xưa đến nay, những bậc có thể vì dân trừ hại, được nhân dân hướng về, thì chính là chủ của nhân dân. Công lao và đức hạnh của ngài đều rất lớn, nên làm Hoàng đế”.
Tào Tháo trả lời: “Nếu như thiên mệnh ở ta, thì ta là Chu Văn vương vậy” (Chu Văn Vương là người có được hai phần ba thiên hạ mà vẫn có thể phụng sự nhà Ân).
Tất cả chuyện này cho thấy rõ rằng Tào Tháo không có ý thoán ngôi nhà Hán.
Những ví dụ như vậy còn dài, và chân dung Tào Tháo trong sử thoại, quả thật là một hình ảnh đảo ngược với Tào Tháo của Tam quốc diễn nghĩa.
Tam Quốc sử thoại là tác phẩm được Lã Tư Miễn viết cho các bạn trẻ yêu thích lịch sử, theo đề nghị của học trò mình là Dương Khoan. Những câu chuyện trong Tam Quốc diễn nghĩa hầu như đều được ông lật lại, phân tích, đối chiếu, so sánh với các nguồn tư liệu lịch sử và đưa ra một chân tướng gần nhất với sự thật.
Bố cục sách theo kiểu chương hồi, hé lộ không ít những câu chuyện thú vị khác, ví như chân tướng của trận Xích Bích, thanh minh cho Ngụy Diên hay là những chuyện hư hư thực thực quanh mức độ ảnh hưởng của các hoạn quan lên các bậc vua chúa trong lịch sử...
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.