Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

'Sử dụng bền vững tài nguyên biển là thước đo sự phát triển quốc gia'

"Để vươn ra biển và làm chủ biển, cần phải dựa trên phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo", Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ với Zing.vn.

Chien luoc bien Viet Nam anh 1

"Để vươn ra biển và làm chủ biển, cần phải dựa trên phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ với Zing.vn.

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là một trong các nội dung quan trọng được thảo luận, thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng XII, khai mạc ngày 2/10.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định Việt Nam là quốc gia biển, có lịch sử, truyền thống, văn hóa và quá trình dựng nước, giữ nước gắn liền với biển. Biển Đông có vị trí đặc biệt quan trọng về địa chiến lược, chính trị, kinh tế, tự nhiên đối với nước ta. 

Thay đổi căn bản

- Sau hơn 10 năm Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 09 về Chiến lược biển Việt Nam, chúng đã đạt được những thành tựu gì, thưa Bộ trưởng?

- Đây là chủ trương lớn, có tầm nhìn xa rộng, phù hợp với xu thế chung của thế giới và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản, quan trọng, từ tư duy đến nhận thức; từ kinh tế đến đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế…

Chiến lược biển đã mang lại sự thay đổi căn bản. Việt Nam chuyển hẳn định hướng trở thành một quốc gia biển, hướng ra biển, coi biển là cửa ngõ, là bậc thềm để Việt Nam vươn ra thế giới.

Chien luoc bien Viet Nam anh 2

Đánh giá chung về chỉ số GDP của các tỉnh ven biển, kết quả phát triển kinh tế xã hội khu vực ven biển, cuộc sống người dân ven viển… đều cho thấy các vùng ven biển đã trở thành những khu vực phát triển hết sức năng động. Các vùng này trở thành trung tâm kinh tế và động lực kinh tế, tạo động lực rất lớn về đầu tư và phát triển cho cả nước.

Tính chung GDP cả nước, khu vực ven biển chiếm tới 60-70%, đời sống người dân vùng biển cải thiện nhanh so với nhiều địa phương không có biển. Các vấn đề khác như an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền, trật tự thì đều đạt kết quả tốt.

- Những mục tiêu quan trọng chưa đạt kỳ vọng được nhìn nhận cụ thể thế nào, đặc biệt sau các vấn đề gặp phải với Vinashin, Vinalines?

- Phải thẳng thắn là nhiều mục tiêu đề ra không đạt được như kỳ vọng như thu nhập đầu người của người dân vùng biển vẫn thấp hơn mức trung bình cả nước. Điều đó chứng tỏ những yếu tố khác như chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề… quyết định lớn tới chất lượng tăng trưởng. Những tính toán đưa ra chưa hết nên thực hiện chưa được xác đáng.

Những mục tiêu kỳ vọng khác cũng không đạt, gồm ngành công nghiệp đóng tàu, khai thác dầu khí, công nghiệp hàng hải… Báo cáo tổng kết cũng chỉ ra cụ thể những tồn tại đó cũng như những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết quả đó.

Ngành dầu khí không đạt chỉ tiêu phát triển có lý do khách quan là giá dầu thế giới biến động quá mạnh. Ngay khi chiến lược biển vừa được thông qua, nền kinh tế thế giới liên tiếp gặp khủng hoảng, giá dầu rớt ở mức ngoài khả năng có thể dự báo.

Ngành công nghiệp đóng tàu, hàng hải thất bại là do mô hình các loại doanh nghiệp như Vinashin, Vinalines chưa phù hợp. Các cơ quan lãnh đạo còn nóng vội, duy ý chí nên để xảy ra những sai phạm, thất thoát như đã thấy...

Dự thảo nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Chiến lược biển trình ra Hội nghị Trung ương tại hội nghị 8 lần này, những gì còn tồn tại sẽ tiếp tục được đưa ra xem xét.

Kinh tế biển xanh là chìa khóa

Để khắc phục các tồn tại thời gian qua, vươn thành quốc gia biển mạnh trong thời gian tới, theo Bộ trưởng chúng ta cần làm gì?

- Chúng ta cần có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế toàn cầu về phát triển bền vững, hài hoà giữa phát triển và bảo tồn biển, nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu.

Trong đó, xây dựng kinh tế biển xanh trên nền tảng tri thức, sáng tạo và tiềm năng tự nhiên đóng vai trò trung tâm. Điều này phải là định hướng chiến lược cho quan điểm, mục tiêu về phát triển bền vững biển Việt Nam trong giai đoạn mới.

Hiện, những thách thức toàn cầu, đặc biệt suy thoái và ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu đã và đang đe doạ nghiêm trọng sức khoẻ biển và đại dương trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách về bảo vệ sức khỏe biển, đại dương vì đại dương khoẻ mạnh. Mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển đã trở thành thước đo phát triển của các quốc gia.

Nhìn lại giai đoạn trước đây ở nước ta, có thể thấy mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển chưa được gắn kết chặt chẽ, trong một số trường hợp còn tạo ra xung đột. Sức khỏe của các vùng biển của Việt Nam chưa được bảo đảm do chúng ta chưa thể hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển với công tác bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển, ven biển.

Do đó, ô nhiễm môi trường biển có lúc, có nơi vẫn còn diễn ra nghiêm trọng như sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung; ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức, đa dạng sinh học suy giảm; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn hạn chế.

Vì vậy, phát triển kinh tế biển xanh vì sức khoẻ biển, đại dương trước hết phải được hiểu theo cách tiếp cận dựa trên nền tảng bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển.

Chien luoc bien Viet Nam anh 3

Cụ thể là phát triển các ngành kinh tế biển cần chuyển từ nền kinh tế khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên trong chuỗi kết nối hữu cơ, từ trong đất liền ra đến biển, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền. Đồng thời, phải tái cơ cấu các ngành kinh tế biển và ven biển dựa trên hệ sinh thái và phù hợp với lợi thế, tiềm năng tự nhiên.

Trong đó cần ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực như du lịch biển, đảo, năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng dòng chảy thủy triều và năng lượng sóng biển) từng bước đầu tư phát triển công nghệ sinh học biển, dược liệu biển bên cạnh việc thúc đẩy các ngành kinh tế biển truyền thống như: Kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển; nuôi trồng, khai thác thủy hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; công nghiệp đóng tàu.

Kết nối hệ sinh thái kinh tế

- Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam chưa kết nối vùng biển, chưa có quy hoạch tổng thể. Điều đó là rào cản phát triển kinh tế biển, ông nghĩ sao?

- Một hạn chế khiến Việt Nam chưa phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới là chưa tạo được kết nối giữa các địa phương có và không có biển, giữa các ngành, các lĩnh vực kinh tế, kết cấu hạ tầng.

Chính vì vậy, chúng ta chưa phát triển được các cảng biển mang tầm cỡ quốc tế; một số ngành mũi nhọn như hàng hải, dầu khí, công nghiệp đóng tàu chưa tận dụng được cơ hội, tiềm năng lợi thế để phát triển.

Khắc phục hạn chế nêu trên đặt ra yêu cầu chúng ta phải đổi mới từ nhận thức đến hành động của các cấp, ngành và toàn xã hội theo hướng phát triển kinh tế biển xanh tiếp cận quản lý tổng hợp, kết nối đồng bộ, hữu cơ như hệ sinh thái tự nhiên: Cộng sinh, không làm suy yếu và loại trừ lẫn nhau, vừa hỗ trợ vừa làm động lực thúc đẩy lẫn nhau.

Các địa phương có biển cần phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới, trong khi các địa phương không có biển đóng vai trò hỗ trợ thông qua việc tăng cường phát triển sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Ngược lại, các địa phương có biển đóng vai trò tạo động lực cho phát triển sản xuất của các địa phương không có biển bằng cách cung cấp các dịch vụ cảng, logistic cho xuất khẩu hàng hóa.

Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần một quy hoạch mang tính tổng thể, toàn diện, phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bảo đảm tính kết nối, tránh tình trạng các địa phương, các vùng tự phát cạnh tranh và làm suy yếu lẫn nhau.

Có như thế mới tăng cường được sự gắn kết, tạo thành chuỗi kết nối khép kín, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh cho các ngành, các địa phương và các vùng trong cả nước.

- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể áp dụng được gì cho chiến lược biển, để kinh tế biển phát triển bền vững, hiện đại?

- Trong giai đoạn vừa qua, kinh tế biển Việt Nam chưa phát huy được tiềm năng to lớn của mình là do nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ về biển chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng. Trình độ, năng lực khoa học, công nghệ và điều tra cơ bản về biển còn hạn chế so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Chien luoc bien Viet Nam anh 4

Do đó, khoa học, công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực biển chất lượng cao chính là nhân tố đột phá để phát triển bền vững biển Việt Nam trong giai đoạn mới.

Để vươn ra biển và làm chủ biển, cần phải dựa trên phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, cần kết hợp tăng cường điều tra cơ bản biển, đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Ưu tiên đầu tư đánh giá tiềm năng và lợi thế về điệu kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế như hàng hải, chế biến hải sản, nuôi trồng thủy hải sản, năng lượng tái tạo, thông tin và công nghệ số biển, nano biển, sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm…

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

PTT Vương Đình Huệ: ‘Cả nước đang thực hiện hiệu quả mục tiêu kép’

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cả nước đang thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, vừa bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.




Nguyễn Hưng - Thắng Quang thực hiện

Ảnh: Hoàng Hà, Hoàng Hiệp
Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm