Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sự đối lập giữa ông Trump và bà Harris về vấn đề kinh tế

Ông Trump và bà Harris đều ủng hộ mở rộng quyền lực của chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, quan điểm và cách thức thực hiện của hai ứng viên hoàn toàn khác biệt.

bau cu tong thong my anh 1

Trong tuần này, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã bay tới North Carolina và có bài phát biểu quan trọng về chính sách kinh tế.

Không ứng viên nào đưa ra một kế hoạch chính sách toàn diện. Trong vòng 30 phút, bà Harris tập trung vào nhà ở, hàng tạp hóa và thuốc theo toa. Trong 80 phút, ông Trump rải rác các đề xuất khác nhau, đôi khi chen lẫn suy ngẫm về những người nhập cư mà ông gọi là “nguy hiểm”.

New York Times nhận định theo cách riêng, cả hai đều gửi đến cử tri tầm nhìn kinh tế với những thông điệp rõ ràng. Họ đều ủng hộ một chính phủ liên bang hùng mạnh, sử dụng quyền lực để can thiệp vào thị trường nhằm theo đuổi một nền kinh tế mạnh mẽ và thịnh vượng hơn. Họ chỉ gần như không chung tiếng nói về thời điểm và cách thức sử dụng quyền lực đó.

"Cạnh tranh là mạch máu của nền kinh tế Mỹ"

Tại Raleigh hôm 16/8, bà Harris bắt đầu định hình và phát triển dấu ấn riêng lên các chính sách kinh tế tiến bộ, vốn được đảng Dân chủ ủng hộ mạnh mẽ trong thập niên qua. Tư duy kinh tế này ủng hộ việc chính phủ can thiệp để thúc đẩy cạnh tranh và điều chỉnh những bất ổn trên thị trường tư nhân.

Điều này đồng nghĩa cần tăng thuế với các tập đoàn và người có thu nhập cao, từ đó hỗ trợ người lao động thu nhập thấp và tầng lớp trung lưu. Các công ty đầu tư vào những lĩnh vực có lợi cho xã hội, như phát triển công nghệ xanh hoặc xây dựng nhà ở giá rẻ, cũng sẽ được giảm thuế.

Triết lý này đã thúc đẩy chương trình nghị sự chính sách mà bà Harris công bố vào hôm 16/8. Bà cam kết sẽ chi 25.000 USD thanh toán trả trước cho mỗi cá nhân mua nhà lần đầu trong 4 năm, đồng thời dùng 40 tỷ USD ưu đãi các công ty xây dựng nhà ở giá rẻ (starter home). Phó tổng thống cũng khẳng định sẽ khôi phục vô thời hạn khoản tín dụng thuế trẻ em mở rộng, cũng như hỗ trợ các bậc cha mẹ có con sơ sinh.

bau cu tong thong my anh 2

Phó tổng thống Kamala Harris chia sẻ một phần kế hoạch kinh tế ở Raleigh, North Carolina hôm 16/8. Ảnh: New York Times.

Bà Harris đồng tình với lệnh cấm liên bang “thổi giá” hàng tạp hóa và ra thêm các công cụ mới để trừng phạt những công ty đẩy giá thực phẩm lên cao vô tội vạ.

“Tôi có kế hoạch ra thêm hình phạt với các doanh nghiệp lợi dụng khủng hoảng và phá vỡ các quy tắc. Chúng ta phải khiến ngành thực phẩm cạnh tranh hơn, vì tôi tin cạnh tranh là mạch máu của nền kinh tế Mỹ”, ứng viên đảng Dân chủ nói.

Chương trình nghị sự của bà Harris vẫn còn nhiều dấu hỏi, như việc bà sẽ ủng hộ mức tăng thuế nào để bù đắp vào các khoản cắt giảm thuế và chương trình chi tiêu.

Ủy ban phi đảng phái về Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm ước tính các phương án mà bà Harris công bố sẽ làm tăng thâm hụt liên bang thêm 1.700 tỷ USD trong thập niên tới, nếu không có kế hoạch về nguồn thu ngân sách bổ sung.

Tuy nhiên, trọng tâm của bà Harris rất rõ ràng: Chính phủ can thiệp kết hợp hỗ trợ, với mục đích trên hết là đưa người Mỹ lên tầng lớp trung lưu.

“Việc nhấn mạnh vào nền kinh tế cơ hội và quyền sở hữu nhà cho thấy bà tập trung vào mục tiêu hạ chi phí để các gia đình trang trải và cải thiện cuộc sống bằng cách sở hữu nhà hoặc khởi nghiệp kinh doanh nhỏ”, Gene Sperling - cố vấn kinh tế cấp cao của phó tổng thống - nói.

Cam kết đưa nước Mỹ "giàu có" trở lại

Bài phát biểu của ông Trump có phần đơn giản hơn. Cựu tổng thống khẳng định ông đã làm cho nước Mỹ giàu có trong lần đầu bước vào Nhà Trắng, và ông sẽ làm lại điều này. Ông đổ lỗi cho bà Harris và ông Biden vì lạm phát trong nhiệm kỳ vừa qua.

“Tôi đã trao cho Harris và Biden phép màu kinh tế, và họ nhanh chóng biến nó thành cơn ác mộng kinh tế”, ông Trump nói tại Asheville hôm 14/4.

Giống bà Harris, ông Trump đưa ra một loạt phương án về cách sử dụng quyền lực của chính phủ để can thiệp vào thị trường và hỗ trợ người tiêu dùng. Ứng viên đảng Cộng hòa cam kết sẽ chỉ đạo nội các giảm phí bảo hiểm ôtô trong 100 ngày đầu tiên, thậm chí là tuần đầu tiên, của nhiệm kỳ tổng thống, đồng thời hạ một nửa giá năng lượng.

Ông Trump cũng nhấn mạnh sẽ trục xuất hàng triệu người nhập cư để hạ giá nhà.

bau cu tong thong my anh 3

Cựu Tổng thống Donald Trump sau khi phát biểu tại Asheville, North Carolina hôm 14/4. Ảnh: New York Times.

Ông Trump hứa hẹn sẽ áp thuế mới với hàng hóa nhập từ mọi quốc gia Mỹ giao thương, nhằm buộc nhiều công ty sản xuất tại Mỹ hơn. Trước đó, ông Trump cho biết sẽ đánh ở mức 10%. Tại Asheville, mức thuế này được thông báo có thể tăng lên tới 20% và do các nhà nhập khẩu Mỹ chi trả. Nghiên cứu kinh tế cho thấy ở mức độ nào đó, phần thuế nhập khẩu này sẽ đẩy giá và được coi như thuế với người tiêu dùng.

Những quan điểm trên thể hiện rõ cách ông Trump dự định dùng quyền lực liên bang để thay đổi nền kinh tế. Trong một số góc độ, chương trình nghị sự này khác biệt so với các chính sách kinh tế bảo thủ truyền thống của đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, tầm nhìn truyền thống của đảng vẫn phảng phất trong một số dự định. Ông Trump cam kết tiếp tục giảm thuế, như gia hạn cho các cá nhân ông phê duyệt hồi năm 2017; xóa bỏ thuế thu nhập liên bang với các chế độ phúc lợi An sinh xã hội và tiền boa; bãi bỏ vài quy định kinh doanh liên bang, gồm quy định về môi trường và hạn chế khoan dầu trên một số đất công.

Phân tích dựa trên báo cáo từ Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm chỉ ra rằng chính sách cắt giảm thuế của ông Trump có thể làm tăng thâm hụt thêm 7.000 tỷ USD trong một thập niên. Phân tích cho hay một phần trong số này sẽ được bù đắp bởi các khoản thuế quan hoặc bãi bỏ ưu đãi do ông Biden ký. Giới kinh tế cảnh báo thâm hụt tăng cao sẽ kéo theo lạm phát. Nhưng các trợ lý của ông Trump tin vào điều ngược lại.

"Cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định, sản xuất năng lượng nhiều hơn… tất cả đều dẫn tới giảm phát chứ không phải lạm phát", Stephen Moore - cố vấn chính sách của ông Trump - nói.

Tại North Carolina, cả ông Trump và bà Harris đều tìm cách chỉ trích quan điểm của nhau.

Ứng viên đảng Cộng hòa cảnh báo bà Harris sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính như năm 1929 nếu đắc cử. Trong khi đó, ứng viên đảng Dân chủ cho biết chính sách thuế của ông Trump sẽ làm tăng giá: “Thuế Trump lên xăng, thuế Trump lên thực phẩm, thuế Trump lên quần áo, thuế Trump lên thuốc không kê đơn".

Hai bên có ít quan điểm trùng lặp. Bà Harris cũng cam kết bãi bỏ số ít quy định, như cắt giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở. Cả hai ứng viên đều đánh giá cao chương trình bảo hiểm y tế Medicare - chủ yếu dành cho người trên 65 tuổi.

Trong thời gian gần đây, giống ông Trump, bà Harris cũng ủng hộ miễn một số thu nhập từ tiền boa khỏi thuế liên bang. Tuy nhiên, tại Raleigh, bà không đề cập đến thỏa thuận cụ thể đó.

Tiết lộ về tổng thống Mỹ

Tri Thức - Znews giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.

Ván cược mới của ông Trump

Chiến dịch của ông Trump đang tận dụng quy định mới để giảm bớt chi phí vận động bầu cử. Tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Cộng hòa e ngại về rủi ro nảy sinh từ chiến lược này.

Tiết lộ mới về quyết định gây bất ngờ của ông Biden

Dù cho rằng bản thân vẫn có khả năng đánh bại đối thủ Donald Trump, ông Joe Biden từ bỏ cuộc đua do lo ngại sẽ khiến đảng Dân chủ chia rẽ, theo tiết lộ của New York Times.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm