Nghệ sĩ càng đau khổ bao nhiêu thì tác phẩm càng thăng hoa bấy nhiêu. Đã có không ít người cho rằng sự khổ đau là một chất liệu, chất xúc tác để nghệ sĩ sáng tạo. Điều đó có đúng với Van Gogh, một họa sĩ tột cùng đau khổ nhưng sự nghiệp để lại lại rực rỡ như những bông hướng dương ông vẽ?
Cuốn tiểu sử đồ sộ Van Gogh: The Life của hai tác giả Steven Naifeh và Gregory White Smith phần nào giải đáp khúc mắc ấy.
Bức tranh toàn cảnh, sâu sắc về cuộc đời danh họa
Trong một bài viết có tên “Thư gửi chúng ta: Những Vincent và Theo thời hiện đại”, nghệ sĩ Phạm Diệu Hương - sáng lập và điều hành dự án giáo dục nghệ thuật CUCA Vietnam - nhận định: “Một số phận bị nguyền rủa, một kẻ điên, một họa sĩ vẽ tranh với mục đích đầu tiên là vì tiền, và cho đến gần cuối đời khi danh tiếng bắt đầu đến, vẫn nhất khoát chối từ và hững hờ với mọi lời tán dương, tâng bốc”.
Trong cuộc đời đau khổ của mình, Van Gogh luôn cô đơn, chỉ bán được một bức tranh, phát điên, chìm hẳn vào bóng tối, để rồi cậy nhờ sự giải thoát từ một viên đạn.
“Giờ đây, mỉa mai và trớ trêu thay, danh tiếng bậc nhất cùng lòng ngưỡng mộ và những tôn vinh về tình yêu của anh và dành cho anh lại thành hiện khi anh đã không còn tại thế”, Phạm Diệu Hương viết.
Sách Van Gogh: The Life tiếng Việt, dự kiến phát hành vào tháng 6. Ảnh: O. P. |
Bi kịch, sự trớ trêu trong cuộc đời Van Gogh đã được lật mở, soi chiếu trong hơn một nghìn trang sách Van Gogh: The Life. Sách gồm 43 chương chia làm 3 phần chính theo dòng cuộc đời của Van Gogh. Phần đầu sách tái hiện lại tuổi thơ Vincent khi còn là cậu bé kỳ lạ, ít nói, mải mê ở bãi hoang, ngắm nhìn chim muông cây cỏ rồi cô đơn nơi lớp học khi phải xa gia đình.
Phần hai kể về thời thanh thiếu niên của Vincent Van Gogh với những khủng hoảng tuổi mới lớn. Đó là những trăn trở về công việc, sự nghiệp, tình yêu, câu hỏi cho mục đích của cuộc sống và lẽ sống. Ông tìm kiếm câu trả lời qua con đường tôn giáo, những trang văn thơ, cũng như những tiếp xúc thuở ban đầu với hội họa.
Phần ba sách là giai đoạn trưởng thành, những góc khuất, giằng xé nội tâm. Những cơm áo gạo tiền, địa vị xã hội, khát khao sẻ chia không được đáp đền khiến người họa sĩ trở nên hoảng loạn. Đó cũng là giai đoạn Van Gogh đã tạo ra những tác phẩm định hình rõ phong cách của mình.
Với 10 năm nghiên cứu tỉ mỉ, chuyên tâm, sự hợp tác toàn diện với nhiều tư liệu của Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, hai tác giả đã tái hiện chi tiết cuộc đời Van Gogh. Ở đó, ta thấy được cuộc đời một người nghệ sĩ tài năng, ám ảnh và bi thảm nhất mọi thời đại.
Hình ảnh Van Gogh trong phim Loving Vincent. Ảnh: Thetimes UK. |
Chìa một bàn tay với Van Gogh
Van Gogh sinh ra trong gia đình chịu hậu quả của chiến tranh, với mầm điên di truyền qua nhiều thế hệ. Ông không có lựa chọn nào khác ngoài sống đến cùng cực mọi cảm xúc.
Van Gogh “chạm đến mọi cực điểm của con người, từ yếu đuối sụp đổ đến kiên cường ngoan cố; đưa cảm xúc của bản thân dành cho người khác từ mến yêu gần gũi sang thù hằn hoang tưởng, luôn khiến cho những người xung quanh đối với anh từ thương mến, cảm thông thành kinh hãi, chối bỏ, xa lánh” như lời nghệ sĩ Phạm Diệu Hương nhận định.
Thậm chí, sự “hơi khác” của Van Gogh còn khiến người dịch cuốn sách cảm giác “phát điên”. Dịch giả Trần Khả Ái tiết lộ thời điểm bắt tay vào dịch sách, trái với cảm giác háo hức lúc ban đầu, dịch giả nhận ra một Vincent van Gogh khác với người họa sĩ huyền thoại mà truyền thông vẫn khắc họa.
“Thì ra một nghệ sĩ như Van Gogh, người trong thời đại này được đồng cảm và tôn vinh như vị họa sĩ thiên tài đáng thương phải sống trong một thời đại không ai hiểu mình, bị mọi người xa lánh… lại thực sự là một người đáng ghét và hoàn toàn dễ hiểu khi bị xa lánh”, đó là cảm xúc của Trần Khả Ái khi tiếp cận tiểu sử Van Gogh.
Dịch giả Bùi Duy Trung cũng chung cảm nhận khi mới tiếp cận sách về cuộc đời Van Gogh: “Nghĩ là được khám phá những điều thú vị của một danh họa nổi tiếng, ai ngờ đâu mỗi trang sách lại khiến tôi mỏi mệt thêm với tay họa sĩ khù khoằm, loay hoay gấp bội và quá rách việc này”. Nhưng càng tiến sâu hơn vào những trang sau, sự bế tắc, cuồng mê, lẫn khát khao của Van Gogh được lột tả.
Những diễn biến trong đời Van Gogh khiến nhóm dịch dần thay đổi cảm xúc, từ phản cảm ban đầu sang đồng cảm, và đôi lúc “rơi nước mắt cùng Vincent”.
Sách đã khắc họa sự cô đơn cùng cực, khát khao được chia sẻ đến tuyệt vọng, những khía cạnh xù xì thô ráp trong con người Van Gogh. Nhưng không chỉ kể chi tiết trong cuộc đời Van Gogh, sách nhìn những mâu thuẫn dồn con người đến đường cùng, sự suy sụp vì chứng rối loạn thần kinh theo một góc nhân văn, tinh tế.
Ở đó, Van Gogh là con người có nghị lực phi thường với hành trình vật lộn tìm chỗ đứng trong gia đình, xác lập vị thế trong giới nghệ thuật. Đó là một Van Gogh giàu tình cảm với tình yêu dành cho em trai Theo, những dằn vặt ông mang trong trái tim để dồn nén lên các bức vẽ. Sách cũng cho người đọc sự đồng cảm với nỗi đau của Van Gogh khi ông bị người xung quanh hiểu lầm, bị phớt lờ.
The Starry Night - một trong những tác phẩm nổi tiếng của Van Gogh. Ảnh: Wikiart. |
Cuộc sống của Van Gogh bi kịch bao nhiêu, tác phẩm của ông có hấp lực bấy nhiêu. Chỉ trong 10 năm cuối đời, Van Gogh đã sáng tác hơn 2.000 tác phẩm, trong đó có khoảng 900 bức họa hoàn chỉnh và 1.100 bức vẽ hoặc phác thảo. Những nét cọ ngắn dứt khoát, những vòng xoáy chuyển động dữ dội, những mảng màu rực rỡ… đều là sự phóng chiếu nội tâm của danh họa.
Nghệ thuật của Van Gogh chính là cuộc đời ông, “một biểu hiện vừa bộc lộ toàn bộ, không giấu giếm, vừa bí ẩn và sâu sắc tới tận cùng” như lời nghệ sĩ Phạm Diệu Hương.
Ngày nay, Van Gogh được kính trọng và yêu mến trên khắp thế giới. Nghệ thuật của ông ảnh hưởng tới mỹ thuật hiện đại, tác phẩm của ông thuộc hàng đắt giá nhất.
Những cuốn sách như Van Gogh: The Life không chỉ cung cấp thông tin về cuộc đời một con người, mà như một cánh tay chìa ra, dẫu muộn mằn, về phía họa sĩ. Cái chìa tay ấy không thể bù đắp những giằng xé đau đớn mà Van Gogh phải chịu, nhưng nó cho độc giả một sự thấu cảm sâu sắc với cuộc đời danh họa.