Những năm gần đây, phim cổ trang Trung Quốc thường xuyên khiến khán giả bất bình vì tạo hình kém thẩm mỹ của diễn viên. Việc không đảm bảo về hình ảnh - một trong những yếu tố căn bản nhất - khiến chất lượng phim ảnh ngày càng đi xuống.
Theo 163, trong 6 tháng đầu năm 2021, 60 bộ phim cổ trang do xứ tỷ dân sản xuất lần lượt ra mắt khán giả. Nhưng có đến hơn 1/3 dự án vướng "sạn" tạo hình.
Hơn 30% phim sản xuất có lỗi tạo hình
Lên sóng vào đầu tháng 9, Quân Cửu Linh - bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên ăn khách của tác giả Hi Hành - nhận được sự chú ý từ khán giả. Tuy nhiên, tác phẩm gây thất vọng ngay từ tập mở màn bởi dàn diễn viên nam có ngoại hình "kém sắc", không hợp dòng phim cổ trang.
Trong đó, tài tử Kim Hạn hứng chỉ trích dữ dội từ khán giả. Tạo hình của nam diễn viên trong phim bị đánh giá là thảm họa màn ảnh. Theo nguyên tác, nhân vật Chu Toản được miêu tả anh tuấn, cương nghị, nữ nhân đối với nhan sắc của anh chỉ có thể ngả mũ tán thưởng. Nhưng Kim Hạn không có dáng vẻ như trên, theo Sina.
Tạo hình gây thất vọng trên màn ảnh Hoa ngữ. Ảnh: QQ, 163. |
Theo Sohu, kiểu tóc tết sát da đầu khiến nhân vật Chu Toản mất vẻ chính trực.
Ngoài ra, việc ê-kíp canh góc quay vụng còn khiến ngôi sao Không có bí mật với em lộ vóc dáng thô, thừa cân. Theo 163, từ khóa "Tạo hình xấu của Kim Hạn" đứng trong top chủ đề được bàn tán nhiều nhất mạng xã hội Weibo, với hơn 140.000 người tán đồng.
Thiên long bát bộ 2021 lên sóng trước đó cũng mắc lỗi tạo hình tương tự. Đội ngũ phục trang của phim bị mỉa mai là "sáng tạo quá đà", lạm dụng phụ kiện rườm rà để gây chú ý, và dẫn tới vô số "thảm họa" trong tác phẩm.
Điển hình là trường hợp của sao trẻ Bạch Chú. Nhân vật Đoàn Dự của anh gây tranh cãi với tạo hình hiện đại như đeo khuyên tai, trang điểm đậm, để tóc mái dày che khuất mặt. Khán giả nhận xét gay gắt Thiên long bát bộ 2021 biến Đoàn Dự thành cao thủ yểu điệu trên màn ảnh do chạy theo trào lưu mặt hoa da phấn.
Ngộ Long hay Thiên cổ quyết trần cũng bị liệt vào danh sách Phim truyền hình cổ trang dở nhất màn ảnh nhỏ Hoa ngữ trong nửa đầu năm 2021. Vương Hạc Đệ bị đánh giá không hợp dòng phim cổ trang.
Trong khi đó, đoàn phim Thiên cổ quyết trần bị chỉ trích chuẩn bị đạo cụ không có tâm, phi logic. Điển hình là mặt nạ của nam chính Hứa Khải bị nhận xét giống mặt nạ dưỡng da bằng giấy hay dải khăn bịt mắt trong suốt không có tác dụng gì.
Sohu đánh giá công tác chuẩn bị đạo cụ của ê-kíp Thiên cổ quyết trần - dự án đầu tư lớn - thua xa Thần điêu đại hiệp 1995. So sánh mặt nạ cùng kiểu dáng của Hứa Khải và Cổ Thiên Lạc, phụ kiện năm 2021 kém hơn cả về thẩm mỹ lẫn chất lượng.
"Thời đại ngày càng phát triển, song những năm gần đây, tính thẩm mỹ của các bộ phim cổ trang ngày càng giảm", trang 163 nhận định.
Sự dễ dãi và cẩu thả
Theo Tân Hoa Xã, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phim cổ trang Trung Quốc dính lỗi tạo hình. Trong đó, chi phí đầu tư và cái tâm làm nghề là yếu tố đầu tiên.
Phim cổ trang với tiên hiệp, võ hiệp, lịch sử được đánh giá là khó thực hiện nhất trong số các thể loại. Mọi chi tiết từ phục trang, đạo cụ cần chỉn chu, tỉ mỉ để tái hiện thành công bối cảnh hư cấu hoặc truyền tải nguyên vẹn lịch sử thời xưa. Chính vì thế, phim cổ trang đòi hỏi chi phí đầu tư cao.
Tạo hình và phụ kiện kỳ quặc, kém thẩm mỹ xuất hiện trên màn ảnh. Ảnh: Sina, Ifeng. |
Cho nên những bộ phim càng thiếu hụt đầu tư càng không chú trọng vào trang phục, đạo cụ. Dẫn đến không ít phim cổ trang vướng "sạn" tạo hình, trở thành chủ đề mỉa mai của khán giả. Điển hình là tác phẩm Thái tử phi thăng chức ký. Thảm họa phục trang xuyên tạc lịch sử khiến phim bị gỡ bỏ.
Thực trạng nhà sản xuất làm ẩu, quay vội và lựa chọn diễn viên bừa bãi cũng khiến số lượng lỗi gia tăng trong các dự án phim truyền hình. Theo biên kịch Uông Hải Lâm, quy trình làm phim "mỳ ăn liền" đang khiến dòng phim cổ trang "chết dần chết mòn" trên thị trường.
Ông cho rằng chưa bàn đến nội dung hay diễn xuất, nhưng phần nhìn của diễn viên không đảm bảo cũng đủ khiến dự án bị "méo mó". Theo Uông Hải Lâm, những tác phẩm cổ trang ngày xưa đặc biệt chú trọng đến tạo hình diễn viên, phải phù hợp với tính cách, bối cảnh nhân vật.
Biên kịch cho biết theo nguyên tắc, tổ phục trang, hóa trang và các ngôi sao sẽ họp bàn với nhau nhiều lần để quyết định hiệu ứng hình ảnh phù hợp nhằm tạo ra vai diễn mỹ nam kinh điển.
"Ngày trước, không có chuyện xem ảnh để quyết định vai diễn hay ướm sẵn tạo hình như bây giờ. Trước khi phim bấm máy, nghệ sĩ phải đến quay thử để xem độ ăn ảnh trước ống kính. Nếu cảm thấy không ổn, ê-kíp sẽ điều chỉnh tạo hình cho phù hợp để làm nổi bật ưu điểm ngoại hình bởi đường nét của mỗi diễn viên là khác nhau", biên kịch nói.
Ông chỉ ra trường hợp của Kiều Chấn Vũ trong Tuyết hoa nữ thần long. Nam diễn viên đến nay vẫn được gọi là "thần y có nhan sắc khuynh thành" cũng là nhờ sự chỉn chu của ê-kíp. Họ đã chấm thêm nốt chu sa để tạo khí chất hơn người khi cảm thấy Kiều Chấn Vũ thiếu điểm nhấn trên gương mặt.
Vì vậy, Uông Hải Lâm không tán đồng với suy nghĩ của nhà sản xuất tạo hình xấu là lỗi nhỏ. Theo ông, lỗi này phản ánh rõ sự hời hợt, không nghiêm túc và thiếu tôn trọng khán giả.
Nhiều năm qua, câu chuyện tạo hình nhân vật trong phim cổ trang là vấn đề nhức nhối của ngành điện ảnh và truyền hình Hoa ngữ. Các nhà làm phim đưa yếu tố hiện đại vào tạo hình để hợp thời. Nhưng sự sáng tạo quá đà lại phá nát quan điểm truyền thống về trang phục của người thời xưa hoặc không phù hợp với thẩm mỹ đại chúng với kiểu tạo hình kỳ quái, phản cảm.
"Một tác phẩm mà tất cả nhân vật từ chính đến phụ đều bị chê bai dữ dội, trở thành trò cười về tạo hình như Thiên long bát bộ 2021, cũng đủ để thấy sự thảm họa của dự án, năng lực yếu kém của ê-kíp", Sina trích dẫn nhận xét của một chuyên gia. Tác phẩm khiến khán giả ngán ngẩm với loạt phụ kiện khó hiểu bị ví như nắp nồi, yên ngựa hay miếng lót giày.
Theo Tân Hoa Xã, hiện tại, showbiz Hoa ngữ không còn quá nhiều những nghệ sĩ sở hữu ngoại hình đậm nét cổ phong như nhóm "Thiên Nhai tứ mỹ", 4 mỹ nam cổ trang đẹp nhất gồm Nghiêm Khoan, Kiều Chấn Vũ, Hoắc Kiến Hoa, Chung Hán Lương hay các người đẹp có nhan sắc kiều diễm như Trần Hồng, Trần Hảo, Triệu Nhã Chi.
Điều này khiến các nhà làm phim gặp khó trong việc lựa chọn diễn viên. Trong cảnh thiếu hụt cộng với việc chạy đua sản xuất để kiếm lợi nhuận, ê-kíp vội vàng chọn các gương mặt hút khách, độ nổi tiếng và yêu thích cao để tham gia diễn xuất, bất chất nghệ sĩ có hợp với nhân vật cổ đại hay không.
Không ít diễn viên có ngoại hình không hợp vẫn đổ xô đóng phim cổ trang. Ảnh: Sohu, China Daily. |
Như Châu Đông Vũ, cô từng thừa nhận có gương mặt không hợp với phim cổ trang. Song người đẹp vẫn gật đầu quay dự án Thiên cổ quyết trần. Việc "cố đấm ăn xôi" khiến nữ nghệ sĩ trả giá đắt. Cô bị chê bai thậm tệ về tạo hình lẫn diễn xuất.
Điều này từng xảy với Trần Nghiên Hy khi đóng Thần điêu đại hiệp. Tiểu Long Nữ do Trần Nghiên Hy đóng bị nhận xét tệ nhất trong các bản phim, theo Sina.