Ước tính 100.000 "chuyến bay ma" diễn ra trên khắp châu Âu vào đầu năm 2022, do các quy tắc của EU về đảm bảo số chuyến bay để giữ chỗ sân bay, theo Guardian.
Các chuyến bay không khách, không mang lại lợi nhuận này để các hãng hàng không giữ quyền cất cánh và hạ cánh ở những sân bay lớn. Tuy nhiên, Greenpeace cho biết điều này có thể gây ra 2,1 triệu tấn khí thải hiệu ứng nhà kính - tương đương khí thải của 1,4 triệu ôtô chạy bằng xăng hoặc dầu diesel thải ra trong một năm.
"Việc Ủy ban châu Âu yêu cầu các hãng hàng không bay máy bay rỗng để đáp ứng một yêu cầu tùy ý không chỉ làm ô nhiễm, mà còn cho thấy sự đạo đức giả đi ngược với các luận điểm về khí hậu của họ", ông Herwig Schuster, người phát ngôn của Greenpeace, nói.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Ủy ban châu Âu đã cắt giảm tiêu chuẩn hoạt động của các hãng hàng không từ 80% xuống 25% số chuyến bay nếu muốn duy trì bãi đáp ở các sân bay lớn.
Tuy nhiên đến tháng 12/2021, cơ quan này lại nâng lên mức 50%, và sẽ tăng lên 64% vào tháng 3/2022.
Hãng hàng không Lufthansa của Đức cho biết từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2021, chỉ 45% các chuyến bay kín chỗ, và có 5% - tương đương 18.000 chuyến bay - "không cần thiết".
Máy bay của hãng hàng không Lufthansa. Ảnh: Lufthansa. |
Ông Tim Johnson, giám đốc của Aviation Environment Federation, cho biết nhận định Greenpeace đưa ra là "đúng chỗ".
"Nó là một ví dụ về việc lãng phí, và tôi nghĩ mọi người sẽ ngạc nhiên về quy mô của nó. Nó cho thấy các hãng hàng không bị buộc phải bay những chuyến ít khách để duy trì chỗ trống", ông Johnson chia sẻ.
Ủy ban châu Âu phủ nhận các hãng đang vận hành những "chuyến bay ma", cũng như phủ nhận quy định của EU liên quan đến việc này.
"Những chuyến bay trống gây thiệt hại cho kinh tế và môi trường. Đó là lý do chúng tôi có những biện pháp cho phép các công ty không có những chuyến như vậy. Nếu các hãng hàng không vẫn cho phép bay, đó là quyết định của công ty, không phải do luật lệ của EU", người phát ngôn Ủy ban châu Âu nói.