Sự cố sân Thiên Trường: Bắc thang lên hỏi ông Trời
Chỉ dựa trên báo cáo của giám sát trận đấu, BTC sân Thiên Trường đã được VFF khẳng định là "vô can" trong sự cố trọng tài bị chảy máu và phóng viên Duy Bùi bị đe dọa trên sân.
Mới qua được 8 vòng đấu, V- League đã rối loạn với vô số những “màn” bạo lực đủ “thể loại”, mà từ trọng tài đến phóng viên tác nghiệp tại giải đấu này đều có thể trở thành nạn nhân.
Vụ việc trên sân Thiên Trường: lại có anh Nguyễn Văn Dịp
Nhiều người không thường xuyên xem V-League có thể không biết đến Thanh Trung của HP.HN hay Trọng Nghĩa của XM.HP dù 2 cầu thủ này đá khá hay, nhưng có thể lại biết đến một người có cái tên là Nguyễn Văn Dịp. Cái tên này từng nổi tiếng hơn cả Danh Ngọc hay Nhật Nam, dù anh này chưa bao giờ khoác áo đội bóng Nam Định một phút nào tại V-League. Mùa giải năm ngoái, Nguyễn Văn Dịp từng được đặt cho biệt hiệu là “hot-boy V-League” khi anh này phi thẳng xuống sân đuổi đánh cầu thủ của đội bóng HN T&T. Sau đó, anh này đã trở thành “hình nhân thế mạng” trong vụ việc tại sân Thiên Trường, với án cấm đến sân hết mùa giải 2009.
Nguyễn Văn Dịp (áo xanh) đuổi đánh cầu thủ Đại Đồng của HN T&T mùa giải 2009
(ảnh: Anh Tú)
Mùa giải năm nay, hết lệnh cấm đến sân, “mafia Dịp” lại có mặt trong vụ hành hung người trên sân Thiên Trường, nhưng nạn nhân lần này không phải cầu thủ mà lại là phóng viên. Phóng viên ảnh Duy Bùi của báo Thể thao 24h khi tác nghiệp tại sân Thiên Trường, trong khi chụp ảnh cảnh xô xát của cầu thủ Nam Định và HN T&T, chụp lại cảnh trọng tài Ngô Quốc Hưng bị chảy máu đã bị một số “nhân viên an ninh” hành hung, đe dọa, áp giải và tịch thu máy ảnh. Trong số 5-6 "nhân viên an ninh" này lại có cả Nguyễn Văn Dịp. Vụ việc này đã có rất nhiều người chứng kiến và được một số phóng viên khác ghi hình lại.
Ban kỉ luật xử án: Biên bản trận đấu không ghi thì sự cố không xảy ra?
Tuy nhiên, dù sự việc có rõ mồn một không thể chối cãi, nhưng Ban kỉ luật thì luôn luôn có nguyên tắc: xử án dựa trên báo cáo của giám sát trận đấu. Báo cáo của giám sát trận đấu trong trận Nam Định – ĐT.Long An đã không có một dòng nào về việc phóng viên bị đe dọa tại sân Thiên Trường. Vì thế, khi xem xét để đưa ra các quyết định về vụ việc này, việc phóng viên bị người ở sân Thiên Trường “quây” là việc mà ai muốn thắc mắc thì… bắc thang lên mà hỏi ông Trời.
Sau khi có buổi họp để xem xét các chứng cứ thu thập được, dựa trên các điều luật đã qui định, Ban kỉ luật đã đưa ra những quyết định cho vụ việc trên sân Thiên Trường. Sự việc trọng tài Ngô Quốc Hưng bị chảy máu đã được xác định là do vô tình, nên ban kỉ luật không xem xét đến nữa. Cầu thủ Danny của ĐT.Long An bị treo giò 3 trận và phạt 10 triệu đồng do lỗi thô bạo. Cầu thủ Phan Quý Hoàng Lâm của ĐT.Long An bị phạt treo giò 2 trận và 5 triệu đồng cũng do lỗi thô bạo.
Cảnh xô xát tại sân Thiên Trường (ảnh: Hoàng Mão)
Tuy nhiên, một điều kì lạ là BTC sân Thiên Trường lại không hề bị xử lí về vụ việc phóng viên Duy Bùi bị hành hung xâm phạm, bị ngăn cản tác nghiệp. Lí do Ban kỉ luật đưa ra là bản tường trình của phía Nam Định đã phủ nhận điều này, và nghiên cứu băng hình, báo cáo của giám sát trận đấu cũng không có cơ sở để nhận ra sự việc này. BTC sân Thiên Trường chỉ bị nhắc nhở vì để phóng viên xuống sân tác nghiệp mà không đeo thẻ, không mặc áo bib và nếu tái phạm sẽ bị xử phạt.
BTC sân Thiên Trường đã không chủ động phát áo bib như các sân khác, nên khi người ở đây hành hung phóng viên, họ đã vin vào cái cớ “không có áo” để "chạy án". Ban kỉ luật đã xem xét đến bản tường trình của Nam Định, vậy tại sao lại không xem xét văn bản của Báo thể thao 24h, và xem clip ghi lại cảnh áp tải phóng viên mà hàng vạn người đã xem được???
Không loạn mới là lạ
Giải đấu mới qua được 8 vòng nhưng hàng loạt những án phạt của Ban kỉ luật liên tiếp không nhận được sự đồng tình thậm chí phản đối mạnh mẽ từ dư luận. Từ vụ việc thay đổi tội danh và giảm án cho Công Vinh đến việc phạt tiền sân Lạch Tray, án phạt của Ban kỉ luật đều không đủ nghiêm, gây nhiều tranh cãi. Qua những án phạt này, tất cả đều thấy rõ một điều rằng bạo lực sân cỏ không có chiều hướng suy giảm còn “cái uy” của “ông kỉ luật” thì đi xuống trầm trọng.
Sân bóng là nơi thi đấu thể thao trung thực và cao thượng, nhưng sân cỏ V-League lại là nơi liên tiếp xuất hiện những hình ảnh phản cảm, vô văn hóa và đầy tính bạo lực. Trong những vụ việc bạo lực ấy, thì nghề trọng tài hay phóng viên đều có thể trở thành “nghề nguy hiểm”. Ông trọng tài “dính đòn oan” do vô tình, còn sự việc phóng viên có thẻ nhà báo, thẻ do BTC cấp bị hành hung thì rõ ràng mang tính chất côn đồ và cố ý. Nếu như sự việc cứ thế “chìm xuống”, BTC sân Thiên Trường chẳng hề làm sao, thử hỏi niềm tin vào những người “cầm cân nẩy mực” của VFF sẽ còn được bao nhiêu?
Quang Thái
Theo Bưu điện Việt Nam