Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sự chậm trễ của báo chí đã tặng lợi thế cho mạng xã hội'

Nêu nhiều bài học đắt giá mà báo chí hứng chịu, Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng cho rằng sự chậm trễ của chúng ta đã "trao tặng" lợi thế cho mạng xã hội trong thông tin.

"Phải chăng, trong mọi trường hợp, báo chí đều đi sau mạng xã hội?"

Câu hỏi "thực sự nghiêm túc" mà Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nêu ra cũng đồng thời là vấn đề mà nhiều đại biểu mang tới Hội nghị báo chí toàn quốc chiều 28/12, nơi quy tụ 600 đại biểu của nhiều ban, bộ, ngành cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Co hoi cho bao chi chinh thong anh 1
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng: "Chính sự chậm trễ của chúng ta đã 'trao tặng' lợi thế cho mạng xã hội trong thông tin". Ảnh: Hoàng Hà.

Cơ hội của báo chí giữa cơn lốc 'tin giả'

Theo ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc TTXVN, giữa cuộc cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội và bê bối tin giả đang ngày càng khó kiểm soát, giữa cơn bão phát triển công nghệ truyền thông mới, nhiều chuyên gia khẳng định hiện là Thời đại vàng của báo chí. Những người sáng tạo nội dung đang có nhiều công cụ hơn bao giờ hết để có thể kể chuyện một cách hoàn thiện và có tính thuyết phục.

"Nhưng Thời đại vàng chỉ đến với những cơ quan báo chí biết sử dụng các công cụ và nền tảng mới để bắt kịp tốc độ thích nghi công nghệ mới của chính độc giả của họ. Thời đại vàng sẽ chỉ là vàng với những cơ quan báo chí dám thay đổi, những tờ báo lưỡng lự và chậm chân sẽ phải thu hẹp, và nhiều tờ báo thậm chí sẽ không còn tồn tại", ông Minh nói.

Còn theo ông Ngô Việt Anh, Tổng biên tập Zing.vn, mạng xã hội đã cuốn nhiều báo điện tử vào cuộc đua tốc độ, đăng nội dung thiếu kiểm chứng, vi phạm các giá trị báo chí cốt lõi. Thời đại của truyền thông xã hội cũng sản sinh nhiều nhà báo thành thạo Facebook nhưng lười tác nghiệp hiện trường, thiếu tinh thần lăn xả vào điểm nóng.

Co hoi cho bao chi chinh thong anh 2
Theo ông Ngô Việt Anh, Tổng biên tập Zing.vn, tin giả, sự suy giảm của truyền thông xã hội là cơ hội để thiết lập lại giá trị của các thương hiệu báo chí chính thống. Ảnh: Hoàng Hà.

"Tác nghiệp qua chat, điện thoại khiến các nhà báo không có được những thông tin bên lề, ghi nhận cảm xúc nhân vật mà chỉ những cuộc phỏng vấn trực tiếp, những trải nghiệm hiện trường mới có", ông Việt Anh nói và nhìn nhận việc một số báo cố gắng chạy theo các giá trị cốt lõi của mạng xã hội và cũng nhận luôn các hệ lụy, điểm yếu của nó.

Thời đại vàng sẽ chỉ là vàng với những cơ quan báo chí dám thay đổi, những tờ báo lưỡng lự và chậm chân sẽ phải thu hẹp, và nhiều tờ báo thậm chí sẽ không còn tồn tại

Ông Lê Quốc Minh - Phó tổng giám đốc TTXVN.

Tuy nhiên, công chúng sau thời gian đầu hồ hởi với mạng xã hội đã bắt đầu hoang mang, mất phương hướng giữa biển thông tin thật - giả. Năm 2018, khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Anh) cho thấy xu hướng bạn đọc tìm kiếm thông tin qua mạng xã hội đạt đỉnh năm 2016 và giảm mạnh trong năm 2018...

"Tin giả, sự suy giảm của truyền thông xã hội là cơ hội để thiết lập lại giá trị của các thương hiệu báo chí chính thống. Cung cấp thông tin trung thực, chuẩn mực cho bạn đọc, nâng cao chất lượng nội dung, trình bày, tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến là cách lâu dài, ổn định và bền vững nhất để tờ báo phát triển", ông Ngô Việt Anh nói.

Chia sẻ quan điểm, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nêu nhiều bài học đắt giá mà chúng ta đã hứng chịu. Nhiều trường hợp, ta nắm trước thông tin, kênh thông tin của chúng ta cũng rất đa dạng, hoàn toàn có thể chủ động.

"Nhưng chính sự chậm trễ của chúng ta đã 'trao tặng' lợi thế cho mạng xã hội trong thông tin", ông Võ Văn Thưởng nói.

Theo ông, một số mạng xã hội thù địch trộn vào đó cả những tin giả, xuyên tạc, suy diễn ác ý, tác động rất tiêu cực đến xã hội. Thách thức từ mạng xã hội vì thế là rất lớn nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại của những người làm báo và hành động chưa kiên quyết, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp cũng như các cơ chế quản lý nhà nước về thông tin.

Chính sự chậm trễ của chúng ta đã 'trao tặng' lợi thế cho mạng xã hội trong thông tin

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.

Trưởng ban Tuyên giáo cho rằng nếu chúng ta thực hiện nhất quán phương châm chủ động, nhạy bén; các cơ quan báo chí tỉnh táo thực hiện chặt chẽ quy trình và phê phán mạnh mẽ hơn các điểm yếu của không ít mạng xã hội về khuynh hướng tiêu cực, cực đoan, độ chuẩn xác thấp... thì chắc chắn, chúng ta sẽ nắm chắc được quyền chủ động thông tin phê phán. Đồng thời, phản bác một cách sắc bén hơn các thông tin sai, luận điệu xuyên tạc, làm tan rã những đồn đoán, suy diễn.

“Làm được điều đó, chúng ta sẽ lấy lại niềm tin của công chúng đối với báo chí”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Tẩy chay nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng

Bên cạnh đó, để tăng cường sức mạnh cho báo chí từ bên trong, Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng cũng đề cập đến giải pháp kỹ thuật kiểm soát việc gỡ tin, bài, đưa lại kết quả rõ nét. Trước đây, khi chưa công bố phần mềm quản lý gỡ bài thì tình trạng “sáng đưa, trưa gặp, chiều gỡ” nhan nhản, tràn lan, nhức nhối. Khi công bố rồi tình trạng này giảm 80-90% nhưng lại xuất hiện tiêu cực mới theo kiểu “trên có chính sách, dưới có đối sách”, bài không gỡ, tít còn nguyên nhưng nội dung lại thay đổi.

Ông Võ Văn Thưởng đề nghị năm 2019 ngành báo chí cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc các sai phạm trong hoạt động báo chí. Có những văn bản chỉ đạo, định hướng kịp thời, nhằm chặn đứng, xử lý thật nghiêm tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử.

Co hoi cho bao chi chinh thong anh 3
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (phải) trao đổi với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo bên lề hội nghị. Ảnh: Hoàng Hà.

"Phải có chế tài, quy định chặt chẽ để những cán bộ báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhiều lần nghiêm trọng phải bị tẩy chay, không còn cơ hội len lỏi vào các cơ quan báo chí", ông Võ Văn Thưởng nói.

"Nhiều phóng viên đã bị đồng nghiệp ca thán, bị gọi bằng những từ như 'phóng viên đếm tầng', 'phóng viên IS'... ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến danh dự người làm báo", Trưởng ban Tuyên giáo nêu thực trạng báo động.

Ông đề nghị trong năm 2019, cơ quan quản lý phải xác định việc chủ động đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách về kinh tế báo chí một cách khoa học, khả thi. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý Hội Nhà báo Việt Nam phải đấu tranh chống các nhà báo salon, ngồi phòng máy lạnh “cào bàn phím” xào nấu tin bài...

Doanh thu lĩnh vực báo chí hơn 15.800 tỷ đồng

Theo báo cáo của Ban tổ chức hội nghị toàn quốc, cả nước hiện có 844 cơ quan báo chí in (với 184 báo in, 660 tạp chí in; 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Có 189 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình.

Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình, với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 278 kênh. Đến nay, có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, trong số đó, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet chiếm một nửa.

Tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí đạt hơn 15.800 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu của các cơ quan báo chí in và điện tử ước tính đạt khoảng 4.900 tỷ đồng; doanh thu của các đài phát thanh, truyền hình ước đạt khoảng hơn 10.900 tỷ đồng.

Tính đến tháng 11/2018, cả nước có khoảng hơn 19.000 nhà báo được cấp thẻ nhà báo, gần 23.900 hội viên đang sinh hoạt tại 297 đơn vị cấp hội.

Thủ tướng chỉ đạo xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Facebook, YouTube

Ngoài yêu cầu giám sát an toàn không gian mạng, Thủ tướng còn chỉ đạo Bộ TTTT xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam như Facebook, YouTube.





Nguyễn Hưng - Thắng Hà

Bạn có thể quan tâm