Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự bế tắc của tình báo phương Tây trước tin tức về Triều Tiên

Tình trạng nhiễu loạn tin tức trong những tuần nhà lãnh đạo Kim Jong Un vắng mặt cho thấy sự bế tắc của phương Tây trong việc tiếp cận thông tin về Triều Tiên.

Mỗi ngày thức giấc, việc đầu tiên Rachel Lee thực hiện là khởi động máy tính, tìm kiếm mọi thông tin có được từ các tờ báo, chương trình truyền hình, tạp chí học thuật, hay website có liên hệ với quốc gia bí ẩn Triều Tiên.

Những bài viết nhiều khẩu hiệu, hình ảnh các cuộc họp bộ chính trị, thông tin về những cuộc diễu hành, các kễ kỷ niệm, hay thậm chí các lễ tang đều được phân tích để tìm kiếm manh mối quan trọng: nhân vật nào đang xích lại gần nhà lãnh đạo Kim Jong Un, theo Financial Times.

Thế giới không biết chuyện gì xảy ra

Cách phân tích thông tin dựa vào hình ảnh các hoạt động chính thức, các bài viết tại Triều Tiên đã tồn tại trong hơn 20 năm nay. Nó được sử dụng bởi các nhà phân tích làm việc cho chính phủ Mỹ, các hãng thông tấn, hay các cơ quan tư vấn chính sách.

Phương pháp vẫn đóng vai trò quan trọng để đánh giá nhân vật nào đang lên hay xuống trên chính trường Triều Tiên.

"Càng đứng gần trung tâm, càng có vai trò quan trọng", Lee nói.

Sự hạn chế trong hiểu biết của bên ngoài đối với Triều Tiên thể hiện rõ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un đột nhiên vắng bóng. Các thông tin không được xác minh về tình trạng sức khỏe của ông Kim đã kéo theo những thuyết âm mưu và suy đoán.

ong Kim Jong Un o dau anh 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: KCNA.

Các cựu chuyên gia phân tích của chính phủ Mỹ không tin vào những tin đồn lan truyền liên quan tới sức khỏe của ông Kim, nhưng cũng đang tìm cách xác minh liệu ông gặp phải vấn đề sức khỏe gì.

"Về vấn đề này, tôi tin rằng không ai biết rõ, trong đó có cả tình báo Mỹ", bà Lee nói.

Hôm 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ám chỉ nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn khỏe mạnh, bất chấp những đồn đoán nhiều ngày qua. "Đúng, tôi biết khá rõ, nhưng tôi không thể nói điều đó bây giờ. Tôi chỉ mong ông ấy khoẻ mạnh", tổng thống Mỹ cho biết.

Hạn chế tin tình báo từ con người

Sue Mi Terry, một chuyên gia của CIA từng phụ trách vấn đề Triều Tiên dưới thời các chính quyền Bush "con" và Obama, cho biết từng được giao công việc thu thập và nghiên cứu các thông tin về Triều Tiên có được thông qua can thiệp liên lạc (tức các hình thức như nghe lén, đọc trộm thư từ).

Vị chuyên gia này tin rằng nhiều thông tin tình báo Mỹ thu được là sai lệch, do Bình Nhưỡng cố ý tiết lộ khi biết đang bị theo dõi.

"Tin tôi đi, họ (giới chức Mỹ) không biết điều gì đang xảy ra đâu. Không chỉ người Mỹ, cả thế giới đều như vậy. Có một lý do vì sao trong suốt 48 giờ sau khi cố lãnh đạo Kim Jong Il đã qua đời, và chúng tôi chỉ biết được bởi Triều Tiên quyết định cho chúng tôi biết", bà Terry nói. Cựu chuyên gia CIA hiện là chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).

Bà Terry cho biết thông tin thu thập được chủ yếu dựa vào nghe lén, hình ảnh vệ tinh, và nguồn tin tình báo từ một số quan chức Triều Tiên có quan hệ với CIA.

"Cách duy nhất chúng ta có thể biết bây giờ là có ai đó trong tầng lớp lãnh đạo cấp cao là người của chúng ta", bà Terry đánh giá.

ong Kim Jong Un o dau anh 2

Thông tin về ông Kim Jong Un được rất ít người biết. Ảnh: KCNA.

Những vòng tròn thông tin

Các nhà phân tích cho rằng sự phân chia hệ thống trong bộ máy chính trị tại Bình Nhưỡng càng siết chặt thêm các nguồn tin có thể thu thập được.

Jung Pak, một cựu chuyên gia CIA, miêu tả hệ thống chính trị tại Triều Tiên như những vòng tròn thông tin mà trong đó ông Kim Jong Un ở trung tâm.

"Các quan chức không tán chuyện với nhau, ít có khả năng tập hợp thành nhóm", bà Pak nói.

Thae Yong Ho, một nhà ngoại giao Triều Tiên tại Anh nay đã đào tẩu, cho rằng ngay cả Bắc Kinh, đồng minh thân cận quan trọng nhất của Bình Nhưỡng, cũng không biết nhiều về tình hình liên quan tới nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

"Đây không phải là tình huống mà các quan chức cấp cao Triều Tiên có thể biết được thông tin, ngoại trừ bà Ri Sol Ju, phu nhân của ông Kim, và các quan chức thân tín nhất", ông Thae nhận xét.

Do thám trên không ít tin cậy

Hình ảnh từ vệ tinh và máy bay do thám đóng vai trò thiết yếu trong phân tích về Triều Tiên, giúp giới chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ có cái nhìn từ bên trong đối với chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Công nghệ tối tân cũng giúp Mỹ và phương Tây xác định các hoạt động của Bình Nhưỡng, giám sát hoạt động vận chuyển trái phép bằng tàu biển, tránh việc nước này lách các lệnh trừng phạt quốc tế.

Công nghệ cũng giúp giới tình báo các nước tìm kiếm lộ trình di chuyển của ông Kim Jong Un.

Ngày 25/4, chương trình 38 North chuyên giám sát tình hình Triều Tiên cho biết những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy một đoàn tàu đặc biệt nhiều khả năng thuộc về nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã xuất hiện tại thị trấn nơi có khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Wonsan hôm 23/4. Đây được cho là địa điểm nghỉ ngơi ưa thích của ông Kim Jong Un.

"Thông tin này củng cố cho các báo cáo về việc ông Kim có mặt tại khu vực tại bờ biển phía Đông Triều Tiên", 38 North nhận xét.

ong Kim Jong Un o dau anh 3

Con tàu ông Kim Jong Un sử dụng trong chuyến đi tới Trung Quốc. Ảnh: AP.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cảnh báo không thể sớm đưa ra kết luận dựa trên những thông tin như vậy, do Triều Tiên từ lâu đã thành công trong việc để lộ ra những thông tin nhằm đánh lạc hướng tình báo nước ngoài.

Năm 2011, tờ báo Hàn Quốc Chosun Ilbo dẫn lời các nguồn tin tình báo cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Il từng sử dụng 3 đoàn tàu, 2 trong đó đồng thời hoạt động để giảm nguy cơ bị tấn công, trong khi chiếc thứ 3 có mục đích dự phòng.

Trong bối cảnh ông Kim tiếp tục vắng mặt, sự tập trung hướng cô Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo vừa được bầu làm ủy viên dự khuyết bộ chính trị. Dù kịch bản nào xảy ra tại Triều Tiên, có một thực tế là giới chức tình báo nước ngoài đã bị "che mắt".

"Chúng tôi không biết điều gì đang xảy ra bởi chính quyền Triều Tiên không muốn người ta biết", bà Pak nhận định.

Những hình ảnh vệ tinh hé lộ điều gì đang diễn ra ở Triều Tiên Sự việc ông Kim Jong Un vắng mặt trong ngày sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành đã làm dấy lên nhiều đồn đoán. Các chuyên gia đang ra sức tìm đầu mối di chuyển của ông.

Bộ trưởng Hàn Quốc: Ông Kim Jong Un vẫn làm việc bình thường

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon Chul nhận định các đăng tải thời gian qua của truyền thông Triều Tiên cho thấy nhà lãnh đạo nước này vẫn đang làm việc bình thường.

Mỹ, Hàn tung 6 phi cơ do thám Triều Tiên giữa tin đồn sức khỏe ông Kim

Lực lượng Mỹ và Hàn Quốc đã triển khai 6 máy bay trinh sát để do thám Triều Tiên hôm 27/4, giữa lúc có những đồn đoán về sức khỏe nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm