Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự bất lực của im lặng và sức mạnh của lời nói

Bài phát biểu của nhà thơ, nhà văn Audre Lorde vào năm 1977 đã cho thấy được sức mạnh của ngôn từ, rằng “sự im lặng sẽ không bảo vệ được bạn".

Khi phu nu len tieng anh 1

Nhà văn, nhà thơ Audre Lorde. Ảnh: NMAAHC.

Hơn bất cứ bài diễn văn nào khác, bài phát biểu này của Audre Lorde từ năm 1977 đã tóm gọn mục đích của cuốn sách này. Nó nói về sự bất lực của im lặng và sức mạnh của lời nói. Nó nói về việc ta thường xuyên giữ im lặng bởi vì chúng ta sợ bộc lộ bản thân và sợ tổn thương nếu để lộ mình. Bên cạnh đó nó cũng nói về việc chúng ta phải tìm được sức mạnh trong ngôn từ.

Lorde là một nhà thơ, nhà văn sống ở New York. Bà tự mô tả mình là một “người da đen, người đồng tính, người mẹ, chiến binh và nhà thơ” - một nhà nữ quyền và nhà đấu tranh cho quyền công dân.

Nhiều tác phẩm của bà có cảm hứng từ chính những kinh nghiệm cá nhân và bà đã viết một cách mạnh mẽ về tính cá nhân cùng những trải nghiệm khác biệt mà những phụ nữ da đen phải đối mặt. Trong Sister Outsider (tạm dịch: Người chị em lạc loài) bà đã viết:

"Những người đứng ngoài vòng tròn của định nghĩa về người phụ nữ đúng mực trong xã hội này; những người đã được rèn luyện trong lò lửa của những khác biệt - những người nghèo, đồng tính, da đen, lớn tuổi - biết rằng sống sót chẳng phải là một kỹ năng học thuật. Đó là học cách biến những khác biệt của ta thành sức mạnh. Bởi vì công cụ của người chủ sẽ không bao giờ hủy diệt được ngôi nhà của người chủ".

Thời điểm bà diễn thuyết ở Chicago, Lorde vừa trải qua nỗi hoảng sợ vì căn bệnh ung thư vú. Khi chiêm nghiệm về sự sống chết, bà đã cảnh báo rằng “sự im lặng sẽ không bảo vệ được bạn” và bà nói về những người phụ nữ kết nối sự khác biệt với nhau để cùng chiến đấu chống lại một kẻ thù chung là “ách thống trị của im lặng”.

Điểm thú vị nhất trong bài diễn văn này là sự thành thực và thấu hiểu của Lorde về những khó khăn người ta phải đối mặt khi cất lên tiếng nói - rằng bạn có thể sẽ cảm thấy yếu đuối thế nào, phải đối mặt với chỉ trích và giễu cợt ra sao. Bà giải thích rằng trái tim dễ bị tổn thương chính là một phần của con người, chúng ta phải chia sẻ với nhau điều quan trọng nhất đối với mình “dù phải đối diện với nguy cơ khiến điều quan trọng đó bị tổn thương hoặc bị hiểu lầm”.

Phần nào đó, bài diễn văn này đã thách thức người phụ nữ đối diện với nỗi sợ và cất lên tiếng nói, bởi vì nếu chúng ta chỉ đứng ngoài và phớt lờ sự bất công thì chúng ta vẫn sẽ mãi sợ hãi. Nhưng Lorde cũng nhìn nhận rằng biến sự im lặng thành lời nói và hành động là một sự giải phóng cá nhân. Dù mỗi lời của Lorde đều nên thơ và dễ trích dẫn, tôi vẫn thích nhất một đoạn trích của con gái bà:

"Nếu duy trì im lặng, bạn sẽ không bao giờ là một con người trọn vẹn, bởi vì luôn có một phần nhỏ trong lòng bạn muốn được lên tiếng, nếu bạn cứ phớt lờ nó, càng ngày nó sẽ càng giận dữ, càng ngày tiếng nói đó sẽ càng nóng nảy hơn và nếu bạn vẫn không lên tiếng thì một ngày nào đó nó sẽ vùng lên và đấm vào mặt bạn".

Tiếng nói của Lorde và con gái đều là tiếng nói đại diện cho tất cả phụ nữ trong cuốn sách này, những người phụ nữ ngày càng giận dữ và ngày càng dũng cảm phá vỡ sự im lặng, đồng thời truyền cảm hứng cho người khác.

Hết lần này đến lần khác, tôi tin rằng điều quan trọng nhất trong lòng mình phải được nói ra, phải được nói thành lời và được chia sẻ, ngay cả khi điều đó có thể làm chúng ta tổn thương và bị hiểu lầm. [...]

Tôi đứng đây như một nhà thơ đồng tính người da đen và ý nghĩa của tất cả những điều đó nằm ở sự thật rằng tôi rất có thể đã chết, nhưng tôi vẫn còn sống.

Gần hai tháng trước, hai bác sĩ đã nói rằng tôi có thể sẽ phải phẫu thuật cắt u ở vú, khối u đó có đến 60-80% khả năng là ác tính.

Giữa chẩn đoán và phẫu thuật là khoảng thời gian ba tuần đầy thống khổ nhưng vô tình sắp xếp lại cả cuộc đời tôi. Cuộc phẫu thuật đã hoàn thành, tình hình tiến triển tốt đẹp. Nhưng trong ba tuần đó, tôi đã buộc phải nhìn nhận lại bản thân và cuộc đời dưới cái nhìn rõ ràng và khắc nghiệt khiến tôi vẫn còn run rẩy, nhưng đồng thời cũng mạnh mẽ hơn rất nhiều. Đây là tình huống mà nhiều người phụ nữ phải đối mặt, một số đang ở đây ngày hôm nay.

Một vài trải nghiệm của tôi trong khoảng thời gian đó đã giúp tôi sáng tỏ phần lớn điều bận lòng về sự biến đổi từ im lặng đến lên tiếng và hành động. Trong lúc buộc phải nhận thức một cách cơ bản về đời phàm của mình, về những gì tôi ước ao và mong muốn cho cuộc đời mình, dẫu chúng có ngắn ngủi thế nào, những ưu tiên và thiếu sót đã được khắc họa dưới thứ ánh sáng tàn nhẫn và điều khiến tôi hối tiếc nhất là sự im lặng của mình. [...]

Tôi bắt đầu nhận ra trong lòng mình có một nguồn sức mạnh đến từ nhận thức rằng: không sợ hãi là điều đáng khao khát nhất, nhưng học cách nhìn nỗi sợ dưới góc nhìn đa chiều sẽ trao cho tôi sức mạnh vĩ đại hơn.

Tôi sẽ chết, đó là chuyện không sớm thì muộn, dù tôi có từng lên tiếng hay không. Sự im lặng của tôi sẽ không bảo vệ được tôi. Sự im lặng của bạn cũng sẽ không bảo vệ được bạn.

Với mỗi một lời chân thành được nói ra, mỗi một nỗ lực nói lên sự thật mà cho đến giờ tôi vẫn đang tìm kiếm, tôi đã kết nối với những người phụ nữ khác trong khi chúng ta xem xét những từ ngữ nào miêu tả đúng về thế giới mà tất cả chúng ta tin tưởng và kết nối những sự khác biệt.

Và cũng chính nỗi lo lắng và quan tâm của tất cả người phụ nữ đó đã cho tôi sức mạnh để xem xét những điều quan trọng trong cuộc sống của mình một cách cẩn thận.

Những người phụ nữ đã giúp tôi vượt qua thời gian đó là những người da đen, da trắng, những người già, người trẻ, đồng tính, song tính, cũng như dị tính và tất cả chúng ta cùng có một trận chiến chống lại ách thống trị của im lặng. Tất cả họ cho tôi thêm sức mạnh và sự quan tâm, nếu không nhận được những điều đó thì tôi đã chẳng thể sống sót vẹn nguyên. [...]

Bạn có thiếu từ ngữ nào đâu? Bạn muốn nói lên điều gì? Xiềng xích nào bạn đang phải chịu đựng ngày này qua tháng khác và định sẽ ôm vào mình cho đến khi bạn phát ốm và chết vì chúng, nhưng vẫn lặng im?

Có lẽ đối với một vài người ở đây, tôi chính là gương mặt đại diện cho một trong những nỗi sợ của các bạn. Bởi vì tôi là một người phụ nữ, bởi vì tôi là một người da đen, bởi vì tôi là chính tôi, một nhà thơ, một nữ chiến binh da đen đang làm việc của mình đã đến để hỏi bạn, bạn đã làm việc của bạn chưa?

Và, dĩ nhiên rồi, tôi sợ chứ - bạn có thể nghe thấy nỗi sợ trong giọng nói của tôi - bởi vì sự biến đổi từ im lặng thành lời nói và hành động là hành vi bộc lộ bản thân và điều đó luôn luôn ẩn chứa đầy nguy hiểm.

Nhưng con gái tôi, khi tôi nói với con bé về chủ đề của chúng ta và sự khó khăn đồng hành với chủ đề đó, nó đã nói rằng:

“Mẹ hãy nói với họ nếu duy trì im lặng, bạn sẽ không bao giờ là một con người trọn vẹn, bởi vì luôn có một phần nhỏ trong lòng bạn muốn được lên tiếng và nếu bạn cứ phớt lờ nó, càng ngày nó sẽ càng giận dữ, càng ngày nó sẽ càng nóng nảy hơn và nếu bạn vẫn không lên tiếng thì một ngày nào đó nó sẽ vùng lên và đấm vào mặt bạn”.

Về nguyên nhân giữ im lặng, mỗi chúng ta đều có nỗi sợ riêng - chúng ta sợ bị coi thường, sợ bị chê trách, phán xét, bị nhận ra, bị thách thức, bị thanh trừ. Nhưng tôi nghĩ, hầu hết chúng ta sợ phải bộc lộ bản thân, nhưng nếu không như thế thì ta lại chẳng được sống thực thụ.

Ở đất nước này, sự khác biệt về chủng tộc đã liên tục tạo ra những cái nhìn méo mó dù ai cũng ỉm đi. Một mặt, phụ nữ da đen luôn là mục tiêu bị nhắm đến trước tiên, mặt khác, phân biệt chủng tộc lại được ngụy trang thông qua việc phi cá nhân hóa những hành động phân biệt chủng tộc.

Ngay cả trong phong trào phụ nữ, chúng tôi đã phải chiến đấu, đồng thời phải nỗ lực để được “nhìn” thấy, việc đó khiến chúng tôi dễ tổn thương nhất, vì màu da đen của chúng tôi.

Để có thể sống sót trong miệng của con rồng mà chúng ta gọi là đất Mỹ này, chúng ta phải học bài học đầu tiên và có tính sống còn nhất: đất nước này không được thiết kế để ta sống sót, để ta sống như một con người. Và phần lớn các bạn ở đây cũng vậy, dù các bạn có phải người da đen hay không.

Và hành động bộc lộ mình khiến bạn trở nên dễ bị tổn thương kia cũng chính là nguồn sức mạnh vĩ đại nhất của chúng ta. Bởi vì đằng nào thì cỗ máy cũng sẽ cố nghiền chúng ta thành cát bụi, dù chúng ta có cất tiếng hay không.

Chúng ta có thể ngồi trong góc câm lặng mãi mãi, trong khi những người chị em của ta và chính chúng ta đều trở nên vô giá trị, khi con cháu của chúng ta bị bóp méo và hủy diệt, khi Trái Đất bị đầu độc, nhưng dù thế đi nữa thì nỗi sợ của ta cũng chẳng mất đi. [...]

Trong cuộc biến chuyển im lặng thành lời lẽ và hành động, điều tối quan trọng là chúng ta phải biết sống và nói lên sự thật mà chúng ta tin tưởng và biết rằng sự thật đó vượt ngoài tầm hiểu biết. Bởi vì chỉ có cách này chúng ta mới có thể sống sót. Dự phần vào cuộc sống đầy sáng tạo và đang tiếp diễn, đó là trưởng thành.

Và hành trình đó không thể tránh khỏi sợ hãi - sợ phải bộc lộ bản thân, phải bị săm soi dưới ánh đèn, sợ bị đánh giá, sợ nỗi đau, sợ cái chết... Nhưng ngoại trừ cái chết, chúng ta đã sống và trải qua tất cả nỗi sợ đó trong im lặng rồi.

Bây giờ, lúc nào tôi cũng tự nhắc mình, rằng giả như từ khi sinh ra tôi đã câm hoặc đã thề im lặng suốt đời để được an toàn, thì tôi vẫn sẽ phải chịu đau khổ và tôi vẫn sẽ chết. Vậy nên, thật tuyệt vời khi được lên tiếng chứng minh quan điểm.

Ở những nơi mà phụ nữ đang kêu khóc muốn được lắng nghe, mỗi chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm tìm ra những lời kêu than đó, đọc, chia sẻ và suy nghĩ về chúng. Rằng chúng ta không trốn phía sau sự chia cách khôi hài đã áp đặt lên chúng ta và chúng ta thường chấp nhận như đó là ý của mình: ví dụ, “tôi không thể dạy phụ nữ da đen viết bởi trải nghiệm của họ khác tôi quá”, vậy bạn đã dạy Plato, Shakespeare và Proust được bao nhiêu năm rồi?

Một ví dụ khác: “Cô ta là một phụ nữ da trắng, cô ta thì có thể nói gì với tôi cơ chứ?” hoặc, “Cô ta là một người đồng tính, chồng tôi hay sếp tôi sẽ nói gì đây?” hoặc lại nữa, “Người phụ nữ này viết cho mấy đứa con trai của cô ta, còn tôi chẳng có con”. Và vô vàn những cách khác mà chúng ta đã dùng để tự cướp đi bản thân khỏi chính mình và khỏi những người khác.

Chúng ta có thể học cách làm việc và trò chuyện khi chúng ta sợ hãi chẳng khác gì học cách làm việc và nói chuyện khi mệt mỏi. Bởi vì chúng ta đã được xã hội hóa để tôn kính nỗi sợ hơn nhu cầu về ngôn ngữ và xác định quyền lợi của chính ta. Và trong khi im lặng chờ đợi, cái cảm giác không sợ hãi xa xỉ cuối cùng ấy, sức nặng của lặng im sẽ làm ta nghẹt thở.

Thực tế chúng ta ở đây và rằng tôi nói những lời này với mục đích để phá vỡ sự im lặng và làm cầu nối cho một vài khác biệt giữa chúng ta, bởi vì không phải sự khác biệt, mà chính im lặng đã khiến ta đóng băng tại chỗ.

Và có quá nhiều im lặng phải bị phá vỡ.

Yvette Cooper/NXB Dân trí & Tân Việt Books

SÁCH HAY

Loan 12 su quan hinh anh

Loạn 12 sứ quân

0

Sau khi Ngô Xương Xí chết, họ Ngô hết người kế vị. Trong nước một ngày không thể không có vua, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy tôn hiệu là Vạn Thắng Vương.

Machiavelli hinh anh

Machiavelli

0

Leonardo và Michelangelo - hai nghệ sĩ tài năng - cùng làm việc trong một tòa nhà. Điều đó cho thấy Florence từng quy tụ nhiều ngôi sao sáng.