Steve Jobs thời trẻ. Ảnh: Steve Jobs Archive. |
Đôi khi, những ý tưởng hay nhất không phải là ý tưởng hoàn toàn mới. Ngay cả công nghệ nổi bật nhất thời điểm hiện tại - chatbot AI - cũng là thứ mà Steve Jobs dự đoán từ trước.
Một cuộc triển lãm của Steve Jobs Archive đã trình chiếu các cảnh quay từ bài thuyết trình năm 1983 của Jobs tại International Design Conference ở Aspen. Trong đó, cố CEO Apple đề cập đến một công nghệ mới có thể trả lời các câu hỏi và suy nghĩ như con người và có tiềm năng vô hạn trong tương lai. Ông cho rằng nó sẽ là “hậu duệ” của sách vở.
Trong đoạn video quay lại buổi thuyết trình, lần đầu tiên Jobs bộc lộ sự ghen tị của mình với Alexander Đại đế vì có thể mời triết gia huyền thoại Aristotle làm gia sư. “Tôi nghĩ tôi sẽ rất thích điều đó”, ông châm biếm. Nhưng “thông qua phép màu của giấy in, ít nhất tôi có thể đọc được những gì Aristotle đã viết mà không cần qua trung gian”.
Nhưng ngay cả khi có thể đọc được tất cả bài viết của Aristotle, vấn đề là ông không có cách nào để tương tác với nó. Cho dù Jobs đang đọc sách từ Plato hay Aristotle, ông đều không thích việc mình không thể dừng lại và đặt câu hỏi cho văn bản đó.
“Hy vọng của tôi là chúng ta có thể tạo ra một loại công cụ mới, một ứng dụng có khả năng tương tác”, ông mở đầu. Khi Aristotle đời tiếp theo còn sống, chúng ta có thể nắm bắt được thế giới quan cơ bản của Aristotle đó trong máy tính. Một ngày nào đó, học sinh sẽ không chỉ có thể đọc những lời Aristotle đã viết mà còn có thể hỏi Aristotle một câu hỏi và nhận được câu trả lời.
“Tôi thử nghĩ về 50, 100 năm sau, khi nhân loại có thể tạo ra những cỗ máy có thể nắm trọn tất cả nội dung, thông điệp hay quan điểm về thế giới. Lúc đó, hậu duệ Aristotle sẽ ra đời và mang theo những cỗ máy đó cả đời và nhập liệu tất cả tư tưởng của mình vào đó. Đến khi người đó chết đi, con cháu sẽ hỏi cỗ máy: ‘Này, ngày xưa Aristotle nói gì thế? Vấn đề này cụ ấy nghĩ thế nào’”, trích bài thuyết trình của Steve Jobs.
Thật không may, Steve Jobs đã qua đời trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư tuyến tụy vào năm 2011, một thập kỷ trước khi ChatGPT ra mắt.
Steve Jobs cho rằng chatbot AI sẽ là “hậu duệ” của sách vở. Ảnh: CNBC. |
Nhưng hơn 40 năm trôi qua kể từ bài phát biểu của Jobs, thế giới dường như đang trên đà phát triển những cỗ máy y hệt như ông tưởng tượng. Các công ty AI đang đào tạo các chatbot AI như ChatGPT bằng dữ liệu từ sách, Internet… để trả lời câu hỏi của người dùng.
Một số chatbot thậm chí còn có thể trả lời như thể chúng là những nhân vật lịch sử nổi tiếng. Đôi khi chúng hiểu đúng sự thật và đôi khi không, như Jobs dự đoán. Nhưng chúng là một cách tương tác mới với con người, với ý tưởng và lịch sử.
Công ty do ông sáng lập, Apple, cũng đang tiếp tục phát triển tầm nhìn về điện toán tương tác và sắp ra mắt dịch vụ Apple Intelligence vào thang 9 năm nay, trùng với thời điểm phát hành iOS 18, iPadOS 18 và MacOS Sierra.
“Đây là thời khắc mà chúng tôi đã nỗ lực hướng tới trong một thời gian dài. Apple Intelligence là hệ thống trí tuệ cá nhân, đặt các mô hình tạo sinh mạnh mẽ ngay vào cốt lõi của iPhone, iPad và Mac. Nó dựa vào từng trường hợp của mỗi cá nhân để cung cấp thông tin phù hợp”, Phó Chủ tịch Cấp cao về Kỹ thuật Phần mềm Craig Federighi cho biết tại WWDC 2024.
Theo Digital Trends, tác nhân (agent) AI tổng quát sẽ cho phép người dùng tối ưu hóa mọi công việc hàng ngày, từ giúp viết, chỉnh sửa và tinh chỉnh văn bản trên Mail, Ghi chú, Safari, cho đến nhanh chóng tạo ra các hình ảnh bằng AI. Theo Apple, Apple Intelligence cũng sẽ có thể tóm tắt nội dung của chuỗi email lan man và tìm ảnh của các nhóm/cá nhân cụ thể trong thư viện ảnh dựa theo yêu cầu.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn