Trong cuộc phỏng vấn với WSJ tháng 2/2010, Steve Jobs từng chia sẻ lý do iPhone và iPad không hỗ trợ Adobe Flash - nền tảng giúp trình duyệt hiển thị nội dung đa phương tiện, được sử dụng phổ biến vào thời điểm ấy.
Cố CEO Apple cho rằng Adobe Flash chiếm nhiều tài nguyên CPU, đầy lỗi và lỗ hổng bảo mật. Khi thử nghiệm trên iPad, Adobe Flash gây hao pin trầm trọng, từ 10 giờ xuống còn 1,5 giờ. Trước đó một tháng, Jobs từng chỉ trích việc Adobe Flash khiến một số máy Mac bị treo.
Adobe Flash đã không còn được hỗ trợ từ 1/1. Ảnh: Getty Images. |
“Chúng tôi không dành nguồn lực cho những công nghệ cũ”, Jobs so sánh Adobe Flash với những công nghệ từng là tiêu chuẩn như đĩa mềm, đĩa CD nhưng đã được Táo khuyết mạnh dạn loại bỏ khỏi các sản phẩm.
Tháng 4/2010, Steve Jobs chia sẻ bài đăng có tiêu đề “Nghĩ về Flash” nói về nhược điểm của nền tảng này. Cùng lúc đó, Apple công bố chính sách mới về việc chỉ các ứng dụng được phát triển bằng ngôn ngữ lập trình “đã phê duyệt” mới được xuất hiện trên App Store.
Bài viết của Jobs và quyết định của Apple gây nhiều tranh cãi bởi Adobe Flash là công cụ quan trọng vào thời điểm ấy. Một số bình luận cho rằng đây là chiêu trò kinh doanh của Apple để lôi kéo lập trình viên phát hành ứng dụng trên App Store, trong khi phóng viên của Business Insider thậm chí buộc tội Jobs là “kẻ đạo đức giả”.
Shantanu Narayen, CEO Adobe cũng phản pháo ý kiến của Jobs, cho rằng vấn đề nằm ở hệ điều hành của Apple chứ không phải Flash.
Trái ngược với quan điểm của Apple, Google lại sẵn sàng tích hợp Adobe Flash lên Android. Motorola Droid và Nexus One là 2 thiết bị được tích hợp Adobe Flash để hiện quảng cáo, hình ảnh, video hoặc chơi một số game ngay trên trình duyệt.
Bài đăng của Steve Jobs về Adobe Flash được đăng tải vào tháng 4/2010. Ảnh: Cult of Mac. |
Sau khi Adobe Flash đặt chân lên Android, ý kiến của Jobs mới được nhiều người đồng tình. Năm 2012, cây viết Ryan Lawler từ TechCrunch nhận định Jobs đã đúng khi Flash trên Android cho trải nghiệm rất kém, chạy chậm ngay cả trên những smartphone cấu hình cao. Tác giả Mike Isaac từ Wired cũng viết rằng trình duyệt trên Android bị lỗi liên tục khi chạy Flash.
Trên máy tính, Flash Player liên tục gặp lỗ hổng khiến người dùng Windows và Mac gặp nguy hiểm. Rủi ro bảo mật khiến Microsoft và Apple phải liên tục làm việc để vá lỗi.
Nhận định của Steve Jobs về Adobe Flash cuối cùng đã đúng. Tháng 11/2011, Adobe cho biết sẽ ngừng phát triển Flash Player cho thiết bị di động. Tháng 7/2017, công ty tuyên bố “khai tử” hoàn toàn Flash sau ngày 31/12/2020. Đến 12/1 tới đây, Flash Player sẽ ngừng hoạt động. Do bị ngừng hỗ trợ, Adobe khuyên người dùng gỡ bỏ Flash Player để "bảo vệ hệ thống".
Không chỉ đưa ra quyết định hợp lý, Steve Jobs còn đúng khi cho rằng HTML5 sẽ thay thế Flash. Hiện nay, nhiều website đã chuyển từ Flash sang HTML5, trong đó có YouTube.
Theo MacRumors, việc Adobe Flash bị ngừng hỗ trợ sẽ không ảnh hưởng lớn bởi nhiều trình duyệt đã ngừng hỗ trợ Flash. Người dùng iPhone hay iPad cũng không cần lo lắng bởi thiết bị của họ chưa bao giờ hỗ trợ nền tảng này.