Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Stephen Hawking nói về những mối đe dọa của sự sống

Trái Đất đang trở nên quá nhỏ bé cho chúng ta. Các nguồn nguyên liệu tự nhiên đang cạn kiệt với tốc độ đáng báo động.

Chúng ta đã tặng cho hành tinh của mình món quà thay đổi khí hậu cực kỳ tai hại. Nhiệt độ tăng lên, sự suy giảm của các chỏm băng địa cực, nạn phá rừng, quá tải dân số, bệnh tật, chiến tranh, đói nghèo, thiếu nước và hủy diệt các loài động vật; tất cả thứ này đều có thể giải quyết được, nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Sự nóng lên toàn cầu là do tất cả chúng ta gây ra. Chúng ta thích ôtô, du lịch và mức sống cao hơn. Rắc rối là, khi con người nhận thức được điều gì đang xảy ra, thì có thể là đã quá muộn. Vì chúng ta đang đứng sát ngưỡng của Kỷ nguyên Hạt nhân thứ hai và thời kỳ biến đổi khí hậu chưa từng thấy, các nhà khoa học mang lấy trách nhiệm đặc biệt, một lần nữa, thông báo tới cộng đồng và góp ý cho các nhà lãnh đạo về những hiểm họa mà loài người đang phải đối mặt.

Hiem hoa voi Trai Dat anh 1

Bức tranh tường tại trung tâm nghiên cứu Ames của NASA mô tả sự sống xuất hiện trên Trái Đất. Ảnh: Ames Research Center.

Là những người làm khoa học, chúng tôi hiểu rõ những hiểm nguy của vũ khí hạt nhân, cũng như các hệ lụy khủng khiếp của chúng, và chúng tôi biết các hoạt động và công nghệ của con người tác động lên hệ khí hậu theo cách có thể làm thay đổi vĩnh viễn sự sống trên Trái Đất như thế nào.

Là các công dân của thế giới, chúng tôi có trách nhiệm chia sẻ những hiểu biết ấy và cảnh báo cộng đồng về những nguy cơ mà chúng ta đang phải chung sống mỗi ngày.

Chúng ta thấy trước những hiểm họa ghê gớm nếu các chính phủ và các nhà hoạt động xã hội không hành động ngay bây giờ, để vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân và ngăn ngừa biến đổi khí hậu.

Cùng lúc, nhiều người trong số các nhà chính trị ấy vẫn đang phủ nhận thực tế thay đổi khí hậu do con người gây ra, hoặc ít ra là phủ nhận khả năng con người đảo ngược tình thế đó, ngay tại thời điểm khi thế giới chúng ta đang đối mặt với một chuỗi các khủng hoảng môi trường gay go.

Nguy hiểm là, sự ấm lên toàn cầu có thể trở nên tự duy trì, nếu không phải nó đã là như vậy. Sự tan chảy các chỏm băng ở Bắc cực và Nam cực làm giảm phần năng lượng Mặt Trời phản xạ ngược lên không gian, và do đó làm tăng nhiệt độ Trái Đất.

Thay đổi khí hậu có thể hủy diệt các rừng mưa nhiệt đới Amazon cũng như những nơi khác, vì vậy khai tử một trong các phương cách chính làm giảm thiểu lượng carbon dioxide trong khí quyển.

Nhiệt độ nước biển tăng lên có thể châm ngòi cho một lượng lớn carbon dioxide thoát ra không khí. Cả hai hiện tượng này có thể làm tăng hiệu ứng nhà kính và do đó làm trầm trọng hơn sự nóng lên toàn cầu.

Cả hai tác động có thể làm cho khí hậu của chúng ta trở nên giống Kim tinh: Nóng sùng sục và mưa sulphuric acid với nhiệt độ là 250 độ C. Sự sống của con người sẽ không thể duy trì được. Chúng ta cần tiến xa hơn Nghị định thư Kyoto, thỏa thuận quốc tế được thông qua năm 1997, và ngừng việc xả thải carbon ngay bây giờ. Chúng ta có công nghệ. Cái chúng ta cần chỉ là ý chí chính trị.

Chúng ta có thể vô ý thức. Trong quá khứ, mỗi khi chúng ta vấp phải các khủng hoảng tương tự, thì luôn có một nơi nào đó khác để chiếm làm thuộc địa. Columbus đã làm điều đó vào năm 1492 khi ông tìm ra Tân Thế giới. Nhưng giờ đây chẳng còn thế giới mới nào nữa. Chẳng có xã hội không tưởng Utopia nào ở quanh đây cả. Chúng ta chẳng còn nơi nào nữa và chỉ còn cách tìm đến các thế giới xa xôi khác.

Vũ trụ là một nơi khắc nghiệt. Các ngôi sao nuốt chửng hành tinh, siêu tân tinh bắn ra những dòng tia chết người ngang qua không gian, các lỗ đen đâm bổ vào nhau và các thiên thạch văng tứ tung với tốc độ hàng trăm dặm trong một giây. Cứ cho là như vậy, các hiện tượng này làm cho không gian trở thành nơi chẳng có gì hấp dẫn, nhưng chúng cũng chính là lý do nên mạo hiểm lao vào không gian thay vì ở lỳ tại chỗ.

Một vụ va chạm thiên thạch có thể là điều mà chúng ta không đủ khả năng chống lại. Vụ va chạm thiên thạch lớn gần đây nhất đã xảy ra khoảng 66 triệu năm về trước và được xem là đã hủy diệt loài khủng long, mà nó sẽ còn xảy ra nữa. Đây không phải là khoa học giả tưởng; nó được bảo đảm bởi các định luật vật lý và xác suất.

Chiến tranh hạt nhân có lẽ vẫn là mối đe dọa lớn nhất với nhân loại ở thời điểm hiện tại. Nó là mối hiểm nguy mà chúng ta phần nào đã lãng quên. [...] giả như có một tai nạn, hoặc bọn khủng bố nắm giữ được các vũ khí hạt nhân mà các nước này sở hữu thì sao. Và nguy cơ càng tăng khi càng nhiều nước sở hữu các vũ khí hạt nhân.

Thậm chí, ngay sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, số vũ khí hạt nhân được lưu giữ đã đủ để giết hết tất cả chúng ta đến vài lần, và các quốc gia hạt nhân mới sẽ làm gia tăng sự bất ổn định. Theo thời gian, hiểm họa hạt nhân có thể giảm, nhưng các hiểm họa khác sẽ phát sinh, nên chúng ta luôn phải cảnh giác.

Dù theo cách này hay cách khác, tôi xem là hầu như không tránh khỏi, hoặc là đối đầu hạt nhân hoặc là thảm họa môi trường sẽ tàn phá Trái Đất vào lúc nào đó trong 1.000 năm tới, mà theo thời gian địa chất thì chỉ là một chớp mắt.

Đến khi đó, tôi hy vọng và tin rằng giống nòi tài giỏi chúng ta sẽ tìm ra cách để thoát khỏi những trói buộc thiếu thân thiện của Trái Đất và do đó sẽ sống sót qua thảm họa. Hàng triệu loài khác đang sống trên Trái Đất có thể sẽ không có được cơ hội như vậy và điều đó sẽ là nỗi ân hận của chúng ta với tư cách một loài.

Tôi thấy chúng ta đang hành động một cách thờ ơ liều lĩnh đối với tương lai của mình trên Trái Đất. Vào lúc này, chúng ta chẳng có chỗ nào khác để đi, nhưng về lâu dài, loài người không nên “bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”, hay trên một hành tinh. Tôi chỉ hy vọng chúng ta có thể tránh làm rơi giỏ trước khi học được cách thoát khỏi Trái Đất. Nhưng, về bản chất, chúng ta là những nhà thám hiểm, được thúc đẩy bởi tính tò mò. Đây là đặc tính độc đáo riêng của loài người. Chính cái tính tò mò có chủ định này đã phái các nhà thám hiểm đi chứng minh Trái Đất không phải là phẳng và cũng chính bản năng ấy đã gửi chúng ta tới các vì sao trong tưởng tượng, thôi thúc chúng ta bay đến đó trong thực tế.

Và mỗi khi có một bước nhảy vĩ đại mới, như ghé thăm Mặt Trăng, chúng ta lại tôn cao nhân loại, làm mọi người và các dân tộc hòa hợp với nhau, mở ra các phát minh mới và các công nghệ mới. Để di cư khỏi Trái Đất đòi hỏi một cách thức phối hợp toàn cầu - mọi người cần cùng hành động.

Chúng ta cần nhen lại cảm xúc mạnh mẽ của những ngày khởi đầu du hành không gian vào thập niên 1960. Công nghệ đã gần trong tầm tay. Đã đến lúc thám hiểm các Hệ Mặt Trời khác. Vươn ra có thể là cách duy nhất để chúng ta tự cứu mình.

Stephen Hawking / NXB Trẻ

SÁCH HAY