Cậu rất thành thục trong việc tháo rời mọi thứ, như đồng hồ và radio, nhưng cậu không giỏi ráp chúng lại. Một lần, cậu thử biến chiếc tivi cũ thành một bộ khuếch đại. Nhưng khi cắm điện, cậu đã bị một cú giật điện 500 vôn.
Tuy nhiên, cậu ít khi gặp thất bại với các thí nghiệm. Chẳng bao lâu, những đứa trẻ từng chê cười Stephen đã dần thán phục cậu. Họ thậm chí còn đặt cho cậu một biệt danh mới: “Einstein”.
Khoảng thời gian này, Stephen bắt đầu theo cha mình đến chỗ làm việc của ông tại Viện nghiên cứu Y học Quốc gia. Trong phòng thí nghiệm của mình, ông Hawking nghiên cứu về các bệnh nhiệt đới. Hai cha con cùng nhau đến nhà côn trùng, nơi chứa đầy những con muỗi mang bệnh sốt rét chết người.
Tranh vẽ Stephen cùng các bạn chế tạo máy tính LUCE. Ảnh: Amazon. |
Stephen ngày càng bị mê hoặc bởi thế giới khoa học. Nhưng trong khi cha cậu hy vọng cậu sẽ học ngành y hoặc sinh học, Stephen lại muốn đi theo một hướng khác. Như sau này cậu viết: “Những cậu bé thông minh nhất học toán và vật lí".
Chính tại St. Alban, Stephen đã được biết đến những kỳ quan toán học, điều mà thầy Dikran Tahta của cậu gọi là “bản thiết kế vũ trụ”. Ý tưởng đó đã thu hút Stephen vì cậu luôn quan tâm đến cách thức các vật được tạo ra và sắp đặt.
Không giống như lớp học của hầu hết giáo viên khác, những giờ học toán của thầy Tahta rất sinh động và thú vị. Sau này, Stephen rất biết ơn thầy Tahta vì đã truyền cảm hứng cho mình trở thành giáo sư toán học.
“Đằng sau mỗi học trò đặc biệt có một giáo viên đặc biệt”, cậu viết.
Thầy Tahta cũng là người hướng dẫn đằng sau dự án tham vọng nhất của Stephen ở thời điểm ấy. Khi Stephen 16 tuổi, một thời gian ngắn trước khi tới học ở Đại học Oxford, cậu và các bạn quyết định chế tạo một chiếc máy tính của riêng mình. Họ dự định sử dụng các bộ phận tái chế từ đồng hồ, các bảng mạch điện thoại cũ, và những thứ vặt vãnh khác.
Họ mất một tháng để khiến cho cỗ máy ọp ẹp này hoạt động, nhưng sau khi hàn thêm một chút và kết hợp sức mạnh của trí tuệ, cuối cùng họ đã có thể hoàn chỉnh được chiếc máy. Họ gọi nó là Máy tính toán logic có bộ chọn đơn (Logical Uniselector Computing Engine), viết tắt là LUCE.
Cuối cùng, các cậu bé đã có thể lập trình chiếc máy tính để giải quyết các vấn đề toán học cơ bản. Thành tựu này đã thu hút sự chú ý của người dân thị trấn, và câu chuyện của họ đã được lên báo địa phương. Đó là thành tích đầu tiên trong vô vàn những đột phá khoa học giúp Hawking được tôn vinh về sau.
Sau khi Stephen ra trường, giáo viên máy tính mới đã tìm thấy một chiếc hộp chứa các bộ phận kim loại và dây dẫn. Nghĩ đó là đồ bỏ đi, ông vứt tất cả vào thùng rác. Mãi nhiều năm sau, ông mới phát hiện ra chiếc hộp đựng phế liệu đó là một phần của phát minh vĩ đại thời niên thiếu của Stephen - cỗ máy LUCE.
Stephen Hawking đã phát triển các lí thuyết đột phá về lỗ đen, bản chất của trọng lực và nguồn gốc của vũ trụ. Ông đạt được những thành tựu này và cả nhiều điều khác nữa, cho dù bị mắc một căn bệnh nghiêm trọng gọi là bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) khi mới 21 tuổi.
Nhưng không gì có thể ngăn ông tìm kiếm lời giải đáp cho các câu hỏi bí ẩn, và ông đã trở thành một trong những nhà khoa học được kính trọng nhất trên thế giới.