Nhiều startup và nhân tài người Việt nhiều năm sống tại nước ngoài nhận định Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển công nghệ và đi lên từ một nước đang phát triển.
Trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII, vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được nhấn mạnh, là một trong những động lực quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Trong bối cảnh cả thế giới đang bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều chuyên gia cho rằng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là chiến lược khôn ngoan. Để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì ngoài vai trò “bà đỡ” của Nhà nước, nguồn lực con người đóng vai trò rất quan trọng.
Những năm qua, phong trào khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ khắp cả nước. Cùng với đó, nhiều nhà khoa học, doanh nhân, kĩ sư, giảng viên đại học… người Việt ở nước cũng về nước cống hiến, khởi nghiệp. Zing đã có cuộc trò chuyện với một số startup, nhân tài người Việt, trong đó có người từng làm ở các công ty như Google, Amazon… để có được những góc nhìn, “hiến kế” về con đường phát triển khoa học, công nghệ, cũng như thu hút nhân tài trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, dự kiến cuối tháng 11, Thủ tướng cũng sẽ đối thoại cùng cộng đồng startup trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2020. Đây là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, do Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì với sự tham gia của hàng trăm startup.
Hùng Trần đánh giá việc phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chiến lược khôn ngoan, nhiều nước trên thế giới cũng đang đẩy mạnh.
Nhà sáng lập GotIt! lấy ví dụ đa số các công ty lớn nhất thế giới hiện nay là công ty công nghệ, từ lúc thành lập đến khi phát triển thành những công ty giá trị hàng đầu thế giới chỉ mất khoảng thời gian rất ngắn. Trong khi đó, đầu tư cho công nghệ không đòi hỏi nguồn lực quá lớn mà có thể mang lại giá trị rất cao.
Tuy nhiên, Hùng Trần cho rằng cần phải xác định việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là xây dựng được những sản phẩm công nghệ có giá trị cao, chứ không phải gia công về công nghệ để có lương cao hơn các ngành khác. Anh nhấn mạnh nếu không có sản phẩm sáng tạo đột phá, thì không bao giờ thay đổi được vị thế của nền kinh tế.
Để phát triển được khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhà sáng lập GotIt! cho rằng Việt Nam cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, sáng tạo.
“Phải có khả năng làm nên việc gì đó tốt hơn bất kỳ ai thì mới tạo thành đế chế, khi đó giá trị mới lớn”, anh nói.
Hùng Trần cho rằng Việt Nam có thể theo đuổi một số lĩnh vực mới với thế giới, như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ robot để vươn lên trong tương lai. Song song với đó, cần ứng dụng thành tựu khoa học, các nền tảng công nghệ của thế giới, để giải quyết những bài toán của xã hội đặt ra, sáng tạo ra những giá trị mới. Như vậy sẽ tạo ra các cơ hội để vươn lên so với các nước khác.
Phạm Kim Cương cho rằng để tạo ra được những công ty như Google thì phải đi từ trường đại học. Ở Mỹ, các trường đại học khuyến khích nghiên cứu và đưa sản phẩm ra thị trường. Các trường cũng tạo điều kiện để thu hút các sinh viên giỏi, thu hút các nhân tài từ các nước trên thế giới.
Anh nhấn mạnh muốn có đổi mới sáng tạo thì phải có nghiên cứu, muốn nghiên cứu thì phải có người giỏi. Việc đầu tiên là cần thu hút được nhân tài và hướng họ nghiên cứu giải quyết những vấn đề của cuộc sống.
“Nhân tài của Việt Nam rất nhiều, làm thế nào để họ nghiên cứu nhiều hơn và ứng dụng vào thực tiễn thì sẽ đạt được những bước phát triển lớn”, anh nói.
Để giải bài toán nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Phạm Kim Cương cho rằng Chính phủ cần tạo điều kiện cho nhiều quỹ đầu tư của tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thân, quỹ của Nhà nước… được hoạt động, tìm kiếm và đầu tư vào những công nghệ tiềm năng.
“Giống như trong bóng đá, để sút vào cầu môn thì phải dẫn quả bóng từ cuối sân lên tới khung thành đối phương. Các quỹ đầu tư sẽ giúp quả bóng đi đến đích”, anh ví von.
Cuối cùng, Phạm Kim Cương đánh giá Việt Nam có nhiều cơ hội và môi trường tốt để phát triển khoa học và công nghệ, có những mạng lưới hỗ trợ rất hữu ích. Anh mong muốn ngày càng nhiều người Việt ở nước ngoài cùng về cống hiến cho đất nước.
Tuấn Cao đánh giá thị trường Việt Nam đang trên đường hội nhập, có rất nhiều cơ hội để phát triển công nghệ. Đặc biệt, anh đánh giá Việt Nam rất có triển vọng trong lĩnh vực AI, bởi nó có ảnh hưởng rộng đến rất nhiều ngành và lĩnh vực. Là người có nhiều năm ứng dụng AI trong y tế, Tuấn Cao cho rằng ứng dụng công nghệ y tế có thể giúp Việt Nam vươn lên trong lĩnh vực này trên thế giới.
Anh Tuấn đánh giá Việt Nam có đội ngũ bác sĩ giỏi, dân số đông có thể phát triển những công nghệ y tế tiên tiến dành cho người châu Á. Công nghệ sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn, đưa ra phác đồ điều trị cho từng cá nhân, với cơ địa, thể trạng khác nhau.
Để doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn lên mạnh mẽ, Tuấn Cao cho rằng phải nắm giữ công nghệ lõi. “Nếu không có công nghệ lõi thì một doanh nghiệp khác có thể dễ dàng bắt chước nhanh chóng, làm nhanh hơn”, anh nói.
Nói về nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Tuấn cho rằng không nên quá lo lắng về tiền. Theo anh, khi có công nghệ tốt, thì các công ty của Mỹ, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ tự tìm đến và đổ nguồn tiền vào Việt Nam. Do đó, cần tập trung phát triển công nghệ song song với chọn những nhà đầu tư có tầm nhìn, đầu tư vào công nghệ từ giai đoạn còn “trứng nước”.
Anh cũng đề xuất Chính phủ cần có những hành lang pháp lý, hệ thống quỹ chuẩn, tiêu chuẩn… tạo điều kiện cho phát triển khoa học, công nghệ. Cần có chính sách thuế ưu đãi để thu hút nhân tài, cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Để đẩy nhanh việc phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo Việt Nam, Kevin Tùng Nguyễn cho rằng cần chú trọng 3 yếu tố là: Nền tảng giáo dục, tinh thần kinh doanh, môi trường tự do phát triển.
Anh cho rằng cần có cải cách giáo dục, chú trọng đào tạo phục vụ nền kinh tế sáng tạo. Cần chuẩn bị cho nguồn nhân lực tương lai một tư duy mở để tiếp nhận những thay đổi và kiến thức mới về khoa học công nghệ.
“Chính lực lượng này sẽ là nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển kinh tế số, khoa học công nghệ và tư duy sáng tạo”, anh chia sẻ.
Kevin Tùng Nguyễn cũng cho rằng cần có tinh thần kinh doanh là yếu tố quan trọng. Theo đó, doanh nghiệp không thể tồn tại nếu không có lợi nhuận, tuy nhiên lợi nhuận không phải là mục đích mà là kết quả của quá trình doanh nghiệp theo đuổi hiện thực hóa lý tưởng của mình. Nhờ có tinh thần kinh doanh, công ty sẽ dễ dàng tiếp thu những quy trình mới, những công nghệ mới trong quá trình kinh doanh, sản xuất.
Ngoài ra, anh cũng nhấn mạnh cần tạo môi trường tôn trọng khác biệt và tự do phản biện. Nếu thiếu một không gian tự do học thuật thì không có sáng tạo, khoa học và công nghệ không phát triển, sẽ không có kinh tế tri thức.
Để thu hút nhân tài, Kevin Tùng Nguyễn cho rằng đất nước tạo môi trường mở với các chính sách rộng mở, tạo điều kiện để các du học sinh trở về và cống hiến. Có thể tự nâng cao năng lực cho hệ thống giáo dục đại học trong nước bằng cách mời nhà cung ứng giáo dục đại học nước ngoài vào mở chi nhánh hay chương trình lên kết hợp tác với trường trong nước.
CEO JobHoping cũng cho rằng cần tạo môi trường làm việc và mức lương hợp lý, thực hiện thêm nhiều chiến dịch định hướng tư tưởng, giúp sinh viên hiểu và cảm nhận được tầm quan trọng của việc quay về và cống hiến cho nước nhà là một lý tưởng cũng như sứ mệnh của mỗi công dân. Ông cũng mong muốn Nhà nước có các quỹ tạo điều kiện và hỗ trợ nhân tài về nước, từ đó hình thành động lực để du học sinh trở về và giảm tình trạng chảy máu chất xám.