Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đột phá nhờ đổi mới sáng tạo

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng đổi mới sáng tạo là chìa khóa để giúp doanh nghiệp có những sản phẩm đột phá, qua đó giúp phát triển nhanh, bền vững.

Tại tọa đàm “Đổi mới sáng tạo: Từ ý tưởng đến giá trị đột phá cho doanh nghiệp" do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - NIC (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức mới đây, ông Amit Shandil cho biết 84% chuyên gia trong lĩnh vực bán hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chịu áp lực phải ra mắt sản phẩm mới nhiều hơn 5-10 năm trước.

Bởi lẽ, hơn 90% sản phẩm FMCG mới sẽ biến mất trong thời gian ngắn. Riêng tại Việt Nam, 59% sản phẩm mới được ra mắt trong giai đoạn 2017-2019, nhưng chỉ 14% trong đó giữ được doanh số qua các năm.

Do đó, ông khẳng định: "Đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa cho sự đột phá".

doi moi sang tao anh 1

Các chuyên gia cho rằng đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa cho sự đột phá. Ảnh: Việt Linh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Quốc Huy, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết sẽ ưu tiên và tạo điều kiện tối đa để thực hiện những nhiệm vụ về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái, xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Cụ thể, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được NIC hỗ trợ để nhận ưu đãi thuế, tài chính, pháp lý và tiếp cận với mạng lưới nhân tài, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Mặt khác, NIC cũng khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khởi nghiệp có thể tiếp cận với các phòng thí nghiệm hiện đại, các quỹ nghiên cứu, nguồn vốn...

Năm 2019, Việt Nam ghi nhận 861 triệu USD tổng vốn đầu tư mạo hiểm, tăng 92% so với năm 2018. Cùng năm, 425 triệu USD được cam kết đầu tư tại Vietnam Venture Summit.

Từ tổng quy mô đầu tư chỉ 45 triệu USD hồi 2015, NIC đánh giá thị trường vốn đầu tư mạo hiểm đã có tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, các ngành thu hút vốn nhiều nhất là thanh toán, bán lẻ, giáo dục, tài chính và logistics.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng nhận định nền kinh tế Việt Nam đã từng bước chuyển sang mô hình phát triển dựa trên ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, đến năm 2020 dự báo tăng gần 1,5 lần so với năm 2015. Mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cũng tăng cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 45,21%. Các chỉ tiêu này đều vượt mục tiêu đề ra của Chính phủ.

Giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm có khoảng 126,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân tăng hơn 1,8 lần so với năm 2015.

Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu quan điểm, khi doanh nghiệp ý thức và khát khao đổi mới sáng tạo để tạo nên những sản phẩm, giải pháp mang tính đột phá, thì doanh nghiệp sẽ phát triển nhanh và bền vững, đồng thời đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của xã hội, qua đó góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm