Lấy ví dụ về chiếc xe hơi từng nằm dưới một con mương ở miền Tây nước Nhật. Chủ chiếc xe, một người đàn ông 45 tuổi, đã mất lái và khiến xe lật nhào từ đường xuống mương. Chiếc xe hỏng nặng tới nỗi "tiền sửa xe dự tính còn gần bằng mua một chiếc xe mới", tài xế này cho hay.
Tuy nhiên, startup mang tên Tau, một doanh nghiệp chuyên về xe hơi đã hỏng hóc, lại mang đến cho tài xế này một giải pháp.
Tau được thành lập từ năm 1996 có trụ sở tại Saitama, phía bắc Tokyo. Công ty chuyên mua lại những xe hơi bị hư hỏng nặng, kể cả những chiếc gần như bị hỏng hoàn toàn và bán chúng trên trang web của mình, nơi có hơn 100.000 đầu mối thu mua xe hỏng đăng ký tham gia.
Ngay cả những chiếc xe hỏng không nhận ra hình thù vẫn dễ dạng tìm được người mua ở nước ngoài, nhờ vào doanh tiếng về chất lượng của hàng hóa Nhật Bản.
"95% số xe đều được đấu giá thành công trong vòng 48 giờ", ông Akitaka Miyamoto, CEO của Tau, cho hay. Startup này bán khoảng 50.000 xe mỗi năm ở cả Nhật Bản và thị trường nước ngoài.
Những chiếc xe sẽ được xuất khẩu trong tình trạng hỏng nặng và được hưởng mức thuế rất thấp. Chiếc mà Tau mua lại từ tài xế 45 tuổi lái xe xuống mương đã được bán lại cho một đầu mối ở Peru, nơi nó sẽ được sửa sang lại.
Những doanh nghiệp như vậy có nhu cầu rất cao với xe Nhật hư hỏng giá thấp, và đã mua một vài chiếc xe từ Tau một cách dễ dàng mà không gặp bất kỳ rắc rối nào.
Tau cũng thực hiện kiểm tra lý lịch xe để tránh việc mua phải những chiếc xe ăn cắp.
Đây không phải là doanh nghiệp Nhật Bản duy nhất đưa những mặt hàng nước này không mong muốn sở hữu ra thị trường thế giới.
SynaBiz, một startup ở Tokyo, đã mua lại hàng loạt các mặt hàng tồn kho và bị trả lại do lỗi sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản. Các công ty thường không muốn bán giảm giá số hàng này do lo ngại sẽ phá hỏng mức giá mà họ đang duy trì. Thông thường số hàng này sẽ bị đem hủy.
"Chỉ tính riêng tại Nhật Bản, giá trị trên sổ sách của những khoản tài sản lưu động như vậy có thể lên đến 20.000 tỷ yên (182 tỷ USD)", ông Nobuyuki Tajima, một giám đốc của Sunabiz, cho hay.
SynaBiz giúp các đối tác giải quyết được những mối lo.
Startup này có thể giới hạn để hàng tồn kho chỉ bán ra tại những khu vực nhất định. Ví dụ như các thị trường nước ngoài để tránh ảnh hưởng tới mức giá của thị trường trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp càng đưa ra nhiều điều kiện, hàng tồn sẽ được SynaBiz trả giá mua lại càng rẻ.
Hiện startup này chỉ tập trung vào các mặt hàng như đồ gia dụng, máy vi tính, dệt may và thực phẩm. Công ty nhận được khoảng 150 yêu cầu chào bán mỗi tháng và chấp nhận mua lại khoảng 30% số yêu cầu này.
Nhờ startup như Tau, những chiếc xe Toyota hư hỏng nặng như thế này vẫn có thể lăn bánh trở lại tại nước ngoài. Ảnh: Reuters. |
Một startup khác tương tự là MarketEnterprise lại kinh doanh đến 28 nhóm hàng, bao gồm nhạc cụ, thiết bị điện, đồ câu cá, nông cụ ...
"Chúng tôi muốn vượt qua sự nghi ngại về chất lượng của hàng đã qua sử dụng", ông Yasushi Kobayashi, nhà sáng lập và hiện là Chủ tịch của MarketEnterprise, chia sẻ.
Ông Kobayashi đã tạo ra một hệ thống cho phép khách hàng nhận được ước tính giá trị những mặt hàng mà họ muốn bán, có thể truy cập qua Internet hay điện thoại. Thông thường các công ty chỉ đưa ra ước tính này sau khi đã khảo sát trực tiếp hàng hóa.
Tau, SynaBiz hay MarketEnterprise đều nhận ra một điều, cái mác "đã từng sử dụng ở Nhật Bản" cũng tốt không kém mác "sản xuất tại Nhật Bản", và những hàng hóa loại này luôn tìm được chỗ đứng tại thị trường quốc tế.