Cuộc thi “Tìm kiếm Giải pháp Sáng tạo toàn cầu” (Viettel Advanced Solution Track 2019) do Viettel phát động với thông điệp “Khởi tạo thực tại mới” là chương trình dành cho các startup thi tài.
Đây là một sân chơi đầy thách thức, nhưng không kém phần thú vị đối với các startup công nghệ Việt. Không dừng lại ở đó, cuộc chơi còn mang đến cơ hội vươn mình ra thế giới, tiếp cận với những chuyên gia, cố vấn tầm cỡ khu vực và quốc tế cho các startup.
Chỉ trong một tháng kể từ ngày cuộc thi chính thức khởi động (15/6-15/7), ban tổ chức đã nhận được sản phẩm dự thi của hơn 200 nhà khởi nghiệp, đến từ 10 quốc gia trên thế giới. Các cố vấn của vòng chung kết tại Phnom Penh, Campuchia gồm Shark Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc điều hành quỹ đầu tư CyberAgent tại Việt Nam và Thái Lan, ông Michael McCarthy - giảng viên của Harvard Extension school và ông Gene Soo - đồng sáng lập StartupsHK, cùng ban tổ chức đã cân nhắc kỹ lưỡng và lựa chọn ra 10 ứng viên sáng giá cho vòng chung kết này.
Viettel Advanced Solution Track 2019 thu hút nhiều startup gửi sản phẩm dự thi. |
Việt Nam là quốc gia có nhiều sản phẩm được lựa chọn nhất với 5 dự án (Graam, VVN, Appa, Vuihoc, MultiGlass). Các sản phẩm còn lại đến từ các quốc gia Agrobot (Tanzania), TiMobile (Timor Leste), Ipfication (Peru), Innova Solutions - Unifun (Mozambique) và LaundryKH (Cambodia).
Trong lĩnh vực viễn thông, Graam - startup 2 năm tuổi có trụ sở tại Paris (Pháp) là một trong những đại diện của Việt Nam lọt vào chung kết cuộc thi do Viettel tổ chức. Ý tưởng của nhà khởi nghiệp này bắt nguồn từ thực tế rằng các hệ thống chăm sóc Khách hàng (IP Call center) thường khó sử dụng, đắt đỏ và đặc biệt khó tiếp cận đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hệ thống dịch vụ Cloud Call Center cung cấp cho các doanh nghiệp công cụ kết nối thông suốt với khách hàng, trải nghiệm hoàn toàn online, thuận tiện và dễ sử dụng. Nhờ công nghệ cloud, sản phẩm của Graam được cung cấp trên phạm vi quốc tế, cạnh tranh sòng phẳng với các nhà cung cấp Cloud Call Center danh tiếng trên thế giới.
Sản phẩm được nghiên cứu phát triển sử dụng các công nghệ lõi mới nhất trong lĩnh vực Web và Viễn thông, nhờ đó Graam kiểm soát và làm chủ toàn bộ hệ thống. |
Với ưu điểm vượt trội, Graam đã có khoảng 30 khách hàng là những doanh nghiệp từ Pháp, Maroc và Brazil… xử lý gần 30.000 cuộc gọi/ngày và tăng trưởng nhanh. Doanh thu của Graam mỗi tháng khoảng 50.000 USD, một con số khá ấn tượng với một global startup được dẫn dắt bởi CEO người Việt.
Cũng đại diện cho Việt Nam lọt vào chung kết Viettel Advanced Solution Track 2019, Vuihoc là cái tên nổi bật trong những startup áp dụng công nghệ kết hợp với giáo dục.
Nhận thức được mức độ quy mô của thị trường giáo dục trực tuyến cho học sinh phổ thông (K12) tại Việt Nam là rất lớn (ước tính 300 triệu USD) và tăng trưởng trung bình khoảng hơn 30% mỗi năm, đội ngũ sáng lập Vuihoc đã xây dựng một Elearning Platform có tính thông minh hóa và hiệu quả cao cho người sử dụng, bằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) dựa trên lịch sử học viên trên Vuihoc.
Vuihoc đã xây dựng chương trình học theo phương pháp VSA (Visual - Self Preactive - Analytics) tiên tiến trên thế giới theo chuẩn Singapore, với các video minh họa kèm bài giảng linh hoạt, sinh động, gắn liền với bài học nhằm tạo sự hứng thú, hiệu quả cao nhất cho học viên.
Sản phẩm Agrobot Chatbot đến từ Tanzania là dịch vụ về công cụ trò chuyện tự động (chatbot) sử dụng trí thông minh nhân tạo để cung cấp thông tin cho nông dân ở Tanzania về cách làm nông nghiệp hiện đại. Dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết tại Campuchia.
Agrobot đã được tiến hành thí điểm ở các vùng nông thôn của Tanzania. Trong đó, 5 làng đã được đưa vào thí điểm, 825 nông dân đã biết tới sản phẩm, 771 người đồng ý đăng ký thí điểm và 584 nông dân đã trả 2 tháng phí thuê bao.
Agrobot Chatbot đến từ Tanzania sử dụng trí thông minh nhân tạo để cung cấp thông tin cho nông dân ở Tanzania. |
Chưa nhận định về khả năng chiến thắng của bất cứ ý tưởng nào, ông Cao Anh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: “10 ý tưởng - sản phẩm được chọn vào vòng chung kết Viettel Advanced Solution Track 2019 nhìn chung đã có tính khả thi và thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên bên cạnh những thế mạnh, các ý tưởng - sản phẩm vẫn còn mặt hạn chế cần khắc phục thêm. Những chuyên gia hàng đầu sẽ tham vấn, hỗ trợ các đội hoàn thiện, tăng tính thực tiễn cho sản phẩm, dịch vụ để sẵn sàng đưa vào áp dụng thực tế”.
Được biết, 10 đội thi được lựa chọn sẽ cùng nhau tranh tài tại vòng chung kết tổ chức ngày 15/8, tại Phnom Penh (Campuchia) để giành 3 suất tham dự vòng chung kết VietChallenge - cuộc thi Startup uy tín cho người Việt toàn cầu tại Mỹ, vào tháng 9 năm nay, với giải thưởng lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các đội thắng cuộc còn được tham vấn 1-1 từ các giáo sư tại các trường đại học lớn như Havard, MIT, Boston; các chuyên gia tại thung lũng Silicon; tham gia tuần tập huấn kỹ năng thuyết trình; tham quan hệ sinh thái khởi nghiệp Boston và tiếp cận với các nhà đầu tư uy tín tại Mỹ.