Lợi nhuận năm 2023 của Hoa Sen dự báo chịu ảnh hưởng lớn từ xu hướng giảm giá thép trong nước và quốc tế. Ảnh: HSG. |
Theo báo cáo phân tích Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của Trung tâm phân tích đầu tư Công ty CP Chứng khoán SSI, các chuyên gia cho rằng kết quả kinh doanh niên độ 2023 (bắt đầu từ 1/10/2022 đến 30/9/2023) của Hoa Sen có thể bị ảnh hưởng lớn từ việc giá thép bị điều chỉnh giảm trong năm nay.
Tại báo cáo này, các chuyên gia phân tích cho biết lợi nhuận quý II (theo niên độ tài chính kết thúc ngày 31/3 của Hoa Sen) đã trở lại mức dương 251 tỷ đồng, cao hơn 7% so với cùng kỳ, nhờ hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho.
Trong đó, việc hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho là nhờ giá thép phục hồi, từ đó giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp lên mức 12,9% trong quý II, so với mức 2% trong quý liền trước và 11,3% cùng kỳ năm 2022.
Nhà sản xuất tôn thép này đã giảm được 466 tỷ đồng dự phòng hàng tồn kho so với quý liền trước xuống còn 185 tỷ đồng trong tháng 3, do giá HRC phục hồi với mức tăng trung bình khoảng 9% trong quý. Mặt khác, giá bán trung bình của công ty cũng tăng nhẹ 1,6% so với quý trước, nhưng giảm 14% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen vẫn yếu đặc biệt là ở thị trường trong nước, trong khi xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi.
SSI DỰ BÁO LỢI NHUẬN NĂM 2023 CỦA HOA SEN GIẢM 84% | |||||||||||
Kết quả kinh doanh hàng năm của Hoa Sen theo niên độ tài chính kết thúc ngày 30/9 hàng năm. | |||||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 Dự báo của SSI | |
Lợi nhuận sau thuế | tỷ đồng | 410 | 653 | 1504 | 1332 | 409 | 361 | 1153 | 4313 | 251 | 41 |
Trong đó, sản lượng tiêu thụ trong quý vừa qua của Hoa Sen đã đạt 295.000 tấn, giảm 8% so với quý trước và thấp hơn 36% so với cùng kỳ, tương đương công suất hoạt động ở mức khá thấp khoảng 50%.
Kênh tiêu thụ nội địa của nhà sản xuất này cũng tiếp tục ghi nhận đà suy yếu, với sản lượng tiêu thụ quý II giảm 37% so với cùng kỳ và giảm 17% so với quý trước, đạt 167.000 tấn, tương đương với mức đáy quý IV/2021 (thời điểm giãn cách xã hội do dịch Covid-19).
Ở kênh xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ đã ổn định ở mức 50.000 tấn trong tháng 2 và 3 so với mức đáy 32.000 tấn từ tháng 7 đến tháng 9/2022, nhưng vẫn thấp hơn 50-60% so với mức đỉnh nửa cuối năm 2021.
Với các kết quả kể trên, tính chung nửa đầu niên độ tài chính 2023, Hoa Sen đã ghi nhận khoản lỗ 430 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 872 tỷ đồng trong nửa đầu niên độ tài chính 2022, với nguyên nhân chính tới từ khoản lỗ lớn quý I.
Về triển vọng kinh doanh thời gian tới, SSI dự báo sản lượng xuất khẩu của Hoa Sen sẽ phục hồi ổn định, lên gần 60.000 tấn/tháng trong vài tháng tới, nhờ nhu cầu phục hồi từ Mỹ và châu Âu. Công ty cũng đã chốt đơn hàng xuất khẩu trước gần 100.000 tấn. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu nhiều khả năng vẫn thấp hơn so với kênh nội địa do thuế nhập khẩu và chi phí vận chuyển.
Mặt khác, thị trường trong nước nhiều khả năng vẫn ảm đạm do suy thoái kinh tế. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen sẽ giảm 24% trong cả niên độ này, đạt 1,36 triệu tấn, giảm 9% so với dự báo trước đó.
Tương tự, tỷ suất lợi nhuận trong thời gian tới của nhà sản xuất tôn thép này cũng được dự báo giảm do giá thép điều chỉnh. Trong đó, giá HRC trong nước đã giảm gần 12% trong 2 tháng qua, sau khi giá tại Trung Quốc giảm khoảng 14%, do dư cung tại các nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.
“Các đơn hàng được ký trước sẽ giúp Hoa Sen đảm bảo tỷ suất lợi nhuận cho kênh xuất khẩu thời gian tới. Tuy nhiên, giá thép điều chỉnh có thể ảnh hưởng kém tích cực đến dự phòng hàng tồn kho của công ty và khiến tỷ suất lợi nhuận quý III thấp hơn quý gần đây”, SSI nhận định.
Các chuyên gia theo đó cũng hạ đáng kể ước tính lợi nhuận năm nay của Hoa Sen từ 263 tỷ đồng xuống 41 tỷ đồng và giảm 84% so với cùng kỳ năm trước.
SSI cũng cho rằng triển vọng ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức và lợi nhuận còn biến động mạnh do nhu cầu nội địa yếu và giá thép thế giới điều chỉnh khiến tỷ suất lợi nhuận của Hoa Sen rất mỏng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.