Ngày 1/11, Linacre College thuộc Viện Đại học Oxford (Anh) thông báo ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Sovico, do chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo đại diện, để nhận khoản tài trợ từ thiện với tổng giá trị lên đến 155 triệu bảng Anh (tương đương 4.810 tỷ đồng).
Trường này cho biết sau khi nhận 50 triệu bảng Anh đầu tiên trong gói tài trợ, sẽ đệ trình lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh để đổi tên từ "Linacre College" sang "Thao College" để ghi nhận nguồn tài trợ này.
Chủ tịch Sovico Nguyễn Thị Phương Thảo và giáo sư Nick Brown, Hiệu trưởng trường Linacre College, ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh. Ảnh: H.V. |
Trước khi hợp tác với Viện Đại học Oxford, tình hình tài chính của Sovico tương đối ổn định khi tổng doanh thu hoạt động, tài chính và thu nhập đầu tư hợp nhất năm 2020 là 3.141 tỷ đồng (năm 2019 là 549 tỷ).
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2020 đạt 556 tỷ, trong khi năm 2019 là 300 tỷ. Tổng tài sản hợp nhất tính đến 31/12/2020 của tập đoàn là 43.118 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với 2019 (20.767 tỷ). Vốn chủ sở hữu đến 31/12/2020 là 10.570 tỷ đồng (năm 2019 là 10.014 tỷ)
Sovico do bà Nguyễn Thị Phương Thảo khởi nghiệp từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Đến nay, tập đoàn này tập trung phát triển cung cấp những sản phẩm - dịch vụ tài chính, ngân hàng, hàng không, bất động sản và công nghiệp.
Sovico hiện sở hữu 7,59% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet, đồng thời Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (một doanh nghiệp thuộc Sovico) sở hữu 28,57%. Trong khi đó, Ngân hàng HDBank sở hữu 4,59%, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu 8,76% tại Vietjet. Còn tại HDBank, Tập đoàn Sovico đang sở hữu 14,48% cổ phần.
Mới nhất về Vietjet, hãng hàng không này và Safran - Tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới của Pháp - đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện, trên cơ sở doanh số hợp tác trị giá 10 tỷ USD giữa hai bên.
Việc hợp tác bao gồm tăng cường doanh số cung cấp động cơ, đồng thời mở rộng nhiều lĩnh vực khác như ghế máy bay, nội thất buồng máy bay, dịch vụ đào tạo quản lý kỹ thuật động cơ cũng như cơ hội thành lập các tổ hợp sửa chữa bảo dưỡng công nghệ cao và đào tạo tại Việt Nam.
Safran sẽ cung cấp dịch vụ và chương trình đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật của Vietjet và hỗ trợ hãng thành lập Tổ hợp đào tạo và sửa chữa bảo dưỡng động cơ máy bay của Vietjet tại Việt Nam. Đặc biệt, hai bên cam kết đẩy nhanh hợp tác và cung cấp cho Vietjet các giải pháp phân tích thông tin chuyến bay toàn diện và hiệu quả nhất trong thời gian tới.
Cũng tại Pháp hồi cuối năm 2019, Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus từng ký kết hợp đồng đặt mua 20 máy bay thế hệ mới A321XLR.