Công nghệ camera ngày càng quan trọng đối với một chiếc di động cao cấp. Ở nhóm sản xuất cảm biến cho camera trên smartphone, Sony được xem là ông trùm.
Sony
Sony có truyền thống lâu đời cho việc sản xuất cảm biến camera và luôn dẫn đầu về công nghệ này trong nhiều năm. Sony chiếm khoảng 40% các đơn hàng sản xuất cảm biến camera cho thiết bị di động trong năm 2014.
Cảm biến Sony có mặt trên nhiều smartphone, tablet đình đám, ngay cả khi công ty này không sản xuất đầy đủ một module camera. Sony chỉ sản xuất phần cảm biến: Có nhiệm vụ biến ánh sáng bên ngoài thành các thông tin số, như số điểm ảnh, kích thước điểm ảnh, mật độ điểm ảnh hay tỷ lệ khung hình vv… Trong khi đó, phần module còn lại quyết định khả năng lấy nét, tốc độ màn trập vv…
Sony nổi tiếng với cảm biến Exmor RS. Các mẫu cảm biến BSI mới nhất của hãng có mặt trên hầu hết smartphone cao cấp, chẳng hạn IMX230 trên Xperia Z4, IMX240 trên Galaxy Note 4, một phần những chiếc Galaxy S6, IMX234 trên LG G4.
Không chỉ nhóm điện thoại cao cấp, cảm biến 8 và 13 megapixel của Sony cũng nhận lượng đặt hàng lớn từ các hãng sản xuất Trung Quốc. Cảm biến 13 megapixel IMX214 của Sony khá phổ biến với các nhà sản xuất như Huawei, Oppo trong một năm qua.
Ngoài việc sản xuất phần cứng đơn thuần, Sony cũng phát triển công nghệ lấy nét theo phase (PDAF), HDR bên trong cảm biến và chế độ chụp ảnh tốc độ cao - giúp hãng giữ vị thế số một trên thị trường.
OmniVision
OmniVision là cái tên lớn khác trong ngành công nghiệp cảm biến camera. Tuy nhiên, người dùng tìm thấy cảm biến của hãng này bên trong những chiếc smartphone tầm thấp hoặc trung nhiều hơn là smartphone cao cấp.
Giá bán phổ biến của cảm biến camera OmniVision chỉ 1,79 USD, thấp hơn hẳn so với mức 7 USD của Sony. Nhờ giá rẻ, OmniVision nhận được lượng đặt hàng lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Năm ngoái, OmniVision từng sản xuất cảm biến camera cho HTC One M8. Trước đây, họ cũng là nhà cung cấp cảm biến camera cho Apple, trước khi để mất vị khách hàng lớn về tay Sony.
Cách đây không lâu, OmniVision công bố cảm biến OV23850 độ phân giải 23,8 megapixel với tính năng lấy nét theo phase, quay video 4K.
Trong nỗ lực đánh chiếm phân khúc cao cấp, OmniVision đang đẩy mạnh thiết kế cảm biến 13 megapixel PureCel. Cảm biến này có kích thước điểm ảnh lên đến 1,3 micromet, cho phép thu nhận nhiều ánh sáng hơn. Nguyên lý này từng xuất hiện trên camera UltraPixel của HTC.
Toshiba
Toshiba không có nhiều đơn hàng ở nhóm cao cấp nhưng họ lại là người đứng sau cảm biến 41 megapixel trên chiếc Noki 808 PureView.
Toshiba đang nỗ lực làm giảm kích thước và mức độ tiêu thụ pin trên cảm biến của họ. Mới đây, hãng công bố cảm biến T4K82 với khả năng quay video slowmotion 240 khung hình/giây.
Toshiba thường sản xuất cảm biến 13 và 8 megapixel. Họ cũng là người cung cấp camera 20 megapixel cho HTC trên chiếc One M9. Tuy nhiên, tên tuổi này vẫn dành sự tập trung lớn cho thị trường Trung Quốc.
SK Hynix
SK Hynic - công ty cung cấp sản phẩm bán dẫn - là một ông lớn ở nhóm cảm biến camera cho smartphone giá rẻ. Công ty này sản xuất hàng loạt cảm biến 8 và 13 megapixel cho các hãng smartphone tại Trung Quốc. SK Hynix từng cung cấp cảm biến camera cho smartphone của Samsung.
Năm ngoái, công ty này cho biết đang phát triển cảm biến 21 megapixel cao cấp. Tuy nhiên, họ không làm được như các đối thủ. Thay vào đó, họ có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà sản xuất smartphone tầm thấp.
Samsung
Samsung đã thử và tự làm chủ nhiều công nghệ trên smartphone, trong đó có cảm biến camera.
Samsung sở hữu một bộ sưu tập cảm biến camera khá đồ sộ, nổi bật nhất vẫn là cảm biến ISOCELL với điểm mạnh là khả năng giảm nhiễu so với cảm biến BSI.
Giá cảm biến của Samsung cũng khá rẻ, phổ biến ở mức 1,93 USD. Người dùng có thể tìm thấy một loạt sản phẩm sử dụng cảm biến của họ, từ độ phân giải 1,3 megapixel cho đến 16 megapixel trên chiếc Galaxy S6. Samsung đồng thời tự sản xuất module camera cho cảm biến của hãng.