Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sống trong penthouse nhưng chết trên đảo của những người nghèo

Đảo Hart, một khu vực nhỏ bé không có người sinh sống ở New York, là nghĩa trang công cộng lớn nhất nước Mỹ. Đây là nơi an nghỉ của những người đến từ mọi tầng lớp trong xã hội.

nghia trang new york anh 1

Dù nghèo khó hay giàu có, điểm chung của họ là khi qua đời đều không có người thân bên cạnh. Bên cạnh đó, một số người cũng muốn chọn đảo Hart làm nơi an nghỉ cuối cùng của mình vì muốn được ở bên cạnh những người không có ai bên cạnh.

nghia trang new york anh 2

Một góc trên đảo Hart, New York, nơi chôn cất những người qua đời vì đại dịch vào năm 2020. Ảnh: AP.

Hòn đảo không sự sống ở New York

Chuyến hành trình cuối cùng của bà Valerie Griffith bắt đầu trên một chiếc phà đã cũ, hay chính xác hơn là một chiếc xe tang nổi, với điểm đến là hòn đảo nhỏ bé ít người biết đến ở New York.

Hiện không có ai sinh sống trên đảo Hart - một thực thể rộng hơn 40 ha ở phía tây bắc của Long Island. Nơi đây được gọi bằng đủ mọi loại tên: "Hòn đảo bị quên lãng", "Đảo ma ám" rồi "Hòn đảo của nước mắt". Những cái tên này bắt nguồn từ lịch sử của hòn đảo, khi nó từng được sử dụng làm nhà tù, bệnh viện tâm thần, bệnh viện lao phổi và cuối cùng là nghĩa trang dành cho những người kém may mắn trong xã hội.

Mặc dù là một nhà sưu tầm nghệ thuật và sở hữu nhiều bất động sản, bà Griffith vẫn được đưa tới đây chôn cất vào một ngày cuối năm 2020.

Hôm đó là một buổi sáng lạnh lẽo và ẩm ướt, quan tài của bà Griffith cập bến đảo Hart và được đưa ngay lên một chiếc xe tải. Chiếc xe vội vã đưa bà đến một vị trí huyệt tập thể đã được định sẵn. Tại đây, các "thổ mộc" cũng nhanh chóng hạ chiếc quan tài bằng gỗ đơn giản xuống lòng đất.

Không có người thân hay bạn bè nào của bà Griffith xuất hiện, cũng không có bài diễn văn nào để kể lại cuộc đời đầy sự kiện của bà: Một người sinh ra ở nước Anh, từng trợ giúp quân đội Mỹ trong Thế chiến II, làm đám cưới với một điệp viên và cuối cùng là nhà đấu tranh phản đối nạn bài Do Thái, trước khi trở thành một nhà sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc từ châu Phi.

nghia trang new york anh 3

Mọi người làm việc bên cạnh một khu chôn cất trên đảo Hart vào tháng 4/2020. Ảnh: AFP.

Ở trên đảo Hart, nơi an nghỉ của bà Griffith chỉ đơn giản là ngôi mộ số 14 ở khu 414. Hàng xóm của bà ở khu này bao gồm 136 người khác.

"Tôi rất bất ngờ khi bà ấy được chôn cất ở đây", ông Pascal Imperato, một cựu ủy viên y tế của thành phố New York, chia sẻ. Ông từng gặp bà Griffith vài lần và cả hai chia sẻ đam mê chung của họ về các tác phẩm nghệ thuật của châu Phi.

"Valerie Griffith và chồng bà ấy đã sống sung túc. Họ không phải là người nghèo", ông Imperato nói thêm.

Đảo Hart là nghĩa trang công cộng lớn nhất nước Mỹ với hơn một triệu người đã được chôn cất ở đây kể từ năm 1869. Đảo đang trải qua đợt thay đổi lớn nhất lịch sử, khi không còn thuộc quyền quản lý của Sở Chỉnh huấn thành phố New York, mà sẽ được chuyển giao cho đơn vị mới là Sở Công viên và Giải trí, với một dự án cải tạo trị giá hàng triệu USD.

Nhưng một thay đổi khác khó phát hiện hơn cũng đang diễn ra, đó là việc thay vì chỉ là nghĩa trang dành riêng cho người nghèo, ngày càng có nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác cũng được chôn cất trên đảo.

"Đó là một sự pha trộn đa dạng hơn", bà Melinda Hunt, người dành nhiều năm theo dõi sự thay đổi của hòn đảo và những người được chôn cất ở đây. Bà là nhà sáng lập của "Dự án Đảo Hart" - một sáng kiến cộng đồng nhằm trợ giúp mọi người tìm hiều về thân nhân được an táng trên đảo.

nghia trang new york anh 4

Bà Melinda Hunt trong một lần đến đảo Hart hồi năm 2018 để khắc phục hậu quả của cơn bão hồi tháng 3 năm đó. Tuyết rơi dày rồi mưa lớn ngay lập tức khiến nhiều khu vực trên đảo bị xói lở, lộ ra nhiều bộ hài cốt. Ảnh: AP.

Theo bà Hunt, trước đây nhiều gia đình cảm thấy xấu hổ vì nói đến đảo Hart là nói đến nhà tù và nhà thương điên cùng với những người ở dưới đáy xã hội, nhưng cuối cùng thì ánh sáng cũng đến với "nơi tăm tối" này.

Cùng được chôn cất cùng đợt với bà Griffith còn có một nghệ sĩ ballet chuyên nghiệp, một y tá, một kỹ sư phần mềm, một huấn luyện viên lặn biển và một nhà soạn nhạc nổi tiếng.

Bên cạnh đảo Hart, nhiều nghĩa trang công cộng trên khắp nước Mỹ cũng đang chứng kiến sự thay đổi tương tự, khi chúng không chỉ còn dành riêng cho người nghèo.

Có nhiều yếu tố dẫn đến làn sóng này, trong đó có sự phản đối gay gắt với việc chi phí chôn cất dành cho người chết đã tăng quá cao. Nhiều người có đủ tiền để chi trả cho một ngôi mộ ở nghĩa trang tư nhân, nhưng họ từ chối làm điều đó.

Khi cảnh sát gọi điện cho người thân để thông báo rằng anh chị em, cha mẹ hoặc một thành viên khác trong gia đình họ đã qua đời và hướng dẫn việc tổ chức tang lễ, nhiều người chọn cách không làm gì. Những người khác thì không đủ khả năng chi trả, khi phí mai táng có thể lên đến 10.000 USD hoặc hơn.

Bên cạnh đó, sự sụt giảm mạnh tầm ảnh hưởng của các tôn giáo trong xã hội Mỹ cũng có nghĩa là người dân bây giờ ít quan tâm đến các nghi lễ được tổ chức ở nhà thờ hay giáo đường Do Thái, trong đó có lễ tang. Ngày nay, nhiều người không muốn có một đám tang giống như cha mẹ hay ông bà của họ.

Và đáng chú ý là ngày càng có nhiều người qua đời mà không có người thân đến nhận. Mặc dù không có số liệu chính thức, một cuộc điều tra của Washington Post cho thấy có hàng nghìn thi thể không có người đến nhận mỗi năm ở Mỹ.

Khi một người chết mà không có ai đến nhận, trách nhiệm tổ chức mai táng thuộc về giới chức địa phương. Các nhân viên ở nhà xác cho biết số lượng thi thể không có người đến nhận bắt đầu tăng lên từ năm 2009, trong cuộc Đại Suy thoái, và tăng vọt vào năm 2020 khi đại dịch Covid-19 ập đến nước Mỹ.

"Đó là một trong những vấn đề lớn nhất mà chúng tôi đang thấy - những thi thể bị bỏ rơi", ông Poul Lemasters, cố vấn trưởng Hiệp hội Nghĩa trang, Hỏa táng và Tang lễ Quốc tế (ICCFA), cho biết.

Tại New York, những cái chết như vậy thường được đưa đến đảo Hart. Chỉ trong năm 2020, 2.600 người đã được chôn cất ở đây, nhiều gấp 3 lần so với năm 2019.

Bà Valerie Griffith là một trong số đó.

Sống khép kín trong căn penthouse

Ba tuần trước đám tang lặng lẽ của mình, bà Griffith cũng ra đi trong cô độc tại căn hộ áp mái ở khu Manhattan. Lý do tử vong được xác định là do ngưng tim, bà hưởng thọ 101 tuổi.

Câu chuyện về cuộc đời bà cũng rất thú vị, và bắt đầu từ nước Anh, cách xa đảo Hart hàng nghìn dặm, ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương.

nghia trang new york anh 5

Bà Valerie (bìa trái) và chồng là Sanford Griffith trong một lần xuất hiện trên báo vào năm 1961. Ảnh: Washington Post.

Sinh năm 1919, công việc đầu tiên của Valerie June Courtenay - tên khai sinh của bà Griffith - là nghề chăm sóc cún cưng. Khi Luftwaffe bắt đầu dội bom London trong Thế Chiến II, người phụ nữ này đang học cả tiếng Đức, tiếng Italy và tiếng Pháp. Khả năng ngoại ngữ này giúp bà được tuyển làm thư ký tại Đại sứ quán Mỹ ở London.

Là người ham mê đọc sách và muốn trở thành nhà báo, bà cũng tham gia việc biên tập nội dung điện tín liên lạc tới quân đội Mỹ trong chiến tranh. Trong quá trình này, bà gặp ông Sanford Griffith, một người đàn ông lớn tuổi đã ly dị vợ trước đó.

Ông Griffith đến từ bang Oregon và làm rất nhiều nghề: Môi giới chứng khoán, giáo sư đại học, phóng viên báo Wall Street Journal. Vì biết tới 5 ngoại ngữ, ông cũng tham gia việc thẩm vấn tù binh cho quân đội Mỹ. Sau này, người ta còn biết thêm rằng ông đã cộng tác với tình báo Anh.

Vào năm 1954, khi bà Valerie 34 tuổi còn ông Sanford đã 61, họ làm đám cưới tại bang Virginia. Sáu tuần trước đó, bà đặt chân đến thành phố New York trên một chiếc tàu biển sang trọng xuyên Đại Tây Dương.

"Cặp đôi này khá nổi tiếng trong giới ngoại giao ở Mỹ và châu Âu", một bài báo năm 1954 trên tờ Sussex Agricultural Express ở Anh đưa tin về nhà Griffith. Họ đã đến Canada và Cuba để hưởng tuần trăng mật.

Bà Valerie và ông Sanford gắn kết mạnh mẽ sau khi chứng kiến tận mắt sự kinh hoàng của nạn diệt chủng người Do Thái. Sau khi chiến tranh kết thúc, cả hai đều tham gia tích cực vào việc phản đối nạn bài Do Thái ở Mỹ.

Vào năm 1957, bà Valerie trở nên nổi tiếng khi chia sẻ về việc bà đã đặt phòng thành công tại một khách sạn ở Virginia, trong khi một phụ nữ Do Thái bị từ chối với lý do hết phòng. Liên đoàn Chống phỉ báng - nơi ông Sanford làm việc - đã đệ đơn khiếu nại về sự việc này.

Trong thập niên 1960, nhà Griffith thuê một căn hộ áp mái trên tòa nhà Shenandoah ở làng Greenwich, một khu dân cư ở Manhattan. Họ cũng sở hữu một căn nhà ở Middletown, cách thung lũng Hudson hai giờ lái xe. Cả hai thường xuyên đi du lịch châu Phi và mang về những tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ và đồng.

Mọi chuyện cứ thế tiếp diễn cho đến năm 1974, khi ông Sanford đột ngột qua đời vì trụy tim. Bà Valerie khi đó bị sốc và gọi điện cho Brenda McCooey, con gái của ông Sanford từ cuộc hôn nhân đầu tiên.

"Bà ấy bị sốc và nói rằng không biết phải làm gì", bà McCooey kể lại.

Bà McCooey nói với mẹ kế rằng ông Sanford không theo tôn giáo nào cả, và khi có ai đó trong gia đình bà qua đời, họ sẽ được hỏa táng thay vì tốn tiền tổ chức tang lễ hay mua hoa. Đó là lần cuối cùng hai người nói chuyện.

Sau khi chồng qua đời, bà Griffith giảng dạy về nghệ thuật châu Phi tại Đại học New School ở Manhattan, nhưng bà dành phần lớn thời gian một mình. Là con một, bà cũng không có con riêng. Ông Sanford luôn là người tổ chức và lên kế hoạch cho các chuyến đi, và khi không còn ông nữa, cuộc sống của bà Griffith dần dần thu hẹp lại.

Nhà sử học Thomas Mahl từng phỏng vấn bà Griffith trong thập niên 1990 để lấy tư liệu cho cuốn sách của ông về các hoạt động bí mật của tình báo Anh ở Mỹ trong Thế chiến II.

nghia trang new york anh 6

Sau khi ông Sanford mất, bà Valerie Griffith từng giảng dạy về nghệ thuật châu Phi một thời gian. Ảnh: New School.

Các tài liệu được giải mật cũng như nghiên cứu của ông Mahl cho thấy Sanford Griffith đã cộng tác với chính phủ Anh để sử dụng các cuộc thăm dò ý kiến giả mạo cũng như các biện pháp tuyên truyền thao túng khác nhằm thúc đẩy Quốc hội Mỹ đồng ý tham chiến chống lại Adolf Hitler.

Trong những lần gặp gỡ đó, ông Mahl nói chuyện với bà Griffith hàng giờ liền, và có lần bà bất ngờ chia sẻ với ông về việc đã từng sảy thai.

"Tôi cảm giác như bà ấy không có ai để nói chuyện", ông Mahl nhớ lại.

Bản thân bà Griffith cũng tạo cho những người hàng xóm một cảm giác rằng bà không muốn giao du với ai. Những người sống cạnh nhà bà cho biết mỗi lần bắt gặp, bà Griffith chỉ nói "xin chào" và thế là hết. Họ chỉ biết rằng người phụ nữ sống ở căn hộ 15A này cao khoảng 1,60 m và nói giọng Anh.

Điều họ không biết, đó là bà Griffith đã từng hỗ trợ quân đội Mỹ để xây dựng nghĩa trang nổi tiếng Normandy ở Pháp - khu vực giờ đây thu hút hơn một triệu du khách mỗi năm.

"Bà ấy dường như tránh mặt mọi người", ông Alfred Drapala, 92 tuổi, một người hàng xóm ở Middletown, cho biết. Ông Drapala nhiều lần nhìn thấy bà Griffith tưới cây trong vườn, nhưng nếu ông đến gần thì bà lại đi mất.

Khi được nghe về cuộc đời đầy ắp sự kiện và đám tang lặng lẽ của bà Griffith, ông Drapala đã rất buồn. Người đàn ông này ước rằng mình đã có thể nói chuyện nhiều hơn với bà Griffith, đặc biệt là về chiến tranh. Ông Drapala đang sinh sống ở quê nhà Ba Lan khi những người lính Đức đầu tiên xuất hiện vào năm 1939, đó là một ngày mà ông vẫn nhớ mãi.

Jamila Dphrepaulezz là một trong số ít những người hàng xóm từng trò chuyện với bà Griffith ở Manhattan. Bà Dphrepaulezz luôn mang theo chú cún Onyx của mình, và mỗi lần gặp nhau trong thang máy, bà Griffith luôn hỏi: "Con chó nhỏ của bà khỏe chứ?".

"Bà ấy không phải là một người mà nếu nhìn thấy bạn bên kia đường sẽ gọi ngay tên bạn, không, bà ấy là một người trầm tính", bà Dphrepaulezz nói thêm.

Khi bà Griffith bước sang tuổi 70, Internet đã xuất hiện và kết nối mọi người một cách nhanh chóng hơn. Nhưng bà Griffith chưa từng muốn trở thành một phần của kỷ nguyên số.

"Bà ấy không có truyền hình cáp hay Internet. Bà ấy chỉ có một chiếc tivi nhỏ với ăng-ten tai thỏ và một số cuốn băng VHS", ông Kyle Moffitt, người quản lý căn hộ của bà ở Manhattan, chia sẻ.

Thay vì mua sắm online, bà Griffith cũng tự mình đi mua đồ cho đến khi hơn 90 tuổi, bà vẫn thường mua trà, sữa và các loại tạp hóa khác ở một cửa hàng tiện trên phố 14. Bà cũng chưa từng sở hữu máy tính hay điện thoại di động.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, bà Griffith được một người giúp việc chăm sóc. Người này gọi đến 911 hôm 11/11/2020 và báo rằng tim của bà Griffith đã ngừng đập. Bà được đưa đến nhà xác thành phố, với số hiệu M20-066908.

nghia trang new york anh 7

Khung cảnh từ cửa sổ căn hộ áp mái nơi bà Valerie Griffith trút hơi thở cuối cùng. Ảnh: Washington Post.

Một năm trước đó, nhiều tài sản trong căn hộ của bà, bao gồm nhiều tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc từ châu Phi, đã được dọn đi. Ông Moffitt, người quản lý căn hộ áp mái, cho biết bà Griffith nói với ông rằng những vật dụng này được đưa tới nhà kho, nhưng ông cũng không biết kho này ở đâu.

Bà Griffith cũng không còn sở hữu căn nhà ở Middletown, bà bán lại nó cho một người hàng xóm sống cùng tầng căn hộ áp mái, với giá chỉ 50.000 USD.

Một cơ quan ít được biết đến với tên gọi Văn phòng Quản lý Công - được giao trách nhiệm xử lý các trường hợp người chết mà không có thân nhân hay di chúc. Cơ quan này sẽ bán đi những đồ dùng của người quá cố và dùng số tiền đó chi trả cho đám tang.

Tuy nhiên Văn phòng Quản lý Công Manhattan cho biết họ không có hồ sơ về các bất động sản của bà Griffith. Cơ quan này thường dựa trên báo cáo giám định y tế, lời khai của chủ nhà và cảnh sát rồi mới cử người đi điều tra.

Bằng một cách nào đó, sau khi bà Griffith qua đời, mọi dấu vết về cuộc đời của bà - các tác phẩm nghệ thuật, sách, ảnh, đồ nội thất, nhẫn cưới - đều biến mất một cách nhanh chóng.

Những gì đã xảy ra với đồ vật của bà Griffith vẫn là một bí ẩn. Các luật sư về bất động sản cho biết thường thì trong trường hợp một người qua đời mà không có thân nhân hay di chúc, thì vật dụng của họ thường bị chiếm đoạt, bởi những người biết rằng sẽ không có ai khiếu nại hoặc phàn nàn.

Tương lai đảo Hart

Louisa Van Slyke, một người nhập cư nghèo 24 tuổi chết vì bệnh lao năm 1869, được coi là thi hài đầu tiên chôn trên đảo Hart. Kể từ đó, thành phố New York đã sử dụng hòn đảo nhỏ này làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người không có tiền, không có bạn bè hay người thân.

Mỗi khi dịch bệnh diễn ra cũng có nghĩa là số lượng người được chôn trên đảo Hart tăng vọt. Vào thập niên 1980, khi nỗi sợ hãi về loại virus chết người có tên HIV lên đến đỉnh điểm, nhiều nhà tang lễ không nhận mai táng cho bệnh nhân chết vì AIDS và họ được mang tới đảo Hart.

nghia trang new york anh 8

Một góc trên đảo Hart nơi dành riêng cho các nạn nhân của AIDS. Đại dịch này càn quét thành phố New York vào thập niên 1980 - đầu 1990 và gây ra cái chết của hơn 100.000 người. Ảnh: Washington Post.

Cho tới gần đây, người thân của họ đã đấu tranh để chính quyền thành phố New York tạo điều kiện đến thăm mộ dễ dàng hơn. Trước đó, khi còn thuộc quyền quản lý của Sở Chính huấn, mỗi tháng chỉ có 2 chuyến phà đến hòn đảo và người tới thăm mộ phải đăng ký trước.

Chỉ mất 10 phút đi phà để đến đảo Hart từ bến ở khu Bronx, một nhân viên an ninh thuộc biên chế của Sở Chính huấn sẽ chờ sẵn cùng một chiếc xe buýt cỡ nhỏ để chở mọi người đến các khu mộ được yêu cầu. Trên đường đến mộ bà Griffith, người ta có thể thấy rõ sự tĩnh lặng của hòn đảo này. Dấu vết duy nhất của sự sống là các con hươu, chồn và ngỗng.

Không có bia mộ nào ở khu 14, và bên cạnh bà Griffith còn có 137 người khác. Hầu hết trong số họ không có người thân đến nhận khi qua đời, nhưng có một trường hợp đặc biệt là Noah Creshevsky - người muốn được chôn ở đây.

Creshevsky là nghệ sĩ nhạc điện tử nổi tiếng, từng giảng dạy ở Trường Nghệ thuật Julliard hàng đầu. Ông chính là người đi đầu trong việc tạo ra những âm thanh "siêu thực" - hòa trộn giữa các nhạc cụ với các âm thanh được ghi lại từ đường phố và tivi.

Bạn đời của ông, David Sachs, chia sẻ rằng mong muốn của ông Creshevsky là được chôn cất bên cạnh "những người không có gì" và việc an nghỉ trên đảo Hart cũng là một cách để phản đối "ngành công nghiệp mai táng và những chiếc quan tài đắt tiền của họ".

Bà Marjorie Velazquez, ủy viên Hội đồng Thành phố New York, cho rằng sẽ sắp đến cái ngày mà những người được chôn cất ở nghĩa trang đảo Hart sẽ "được vinh danh". Khi tham quan hòn đảo vào năm ngoái, bà Velazquez đã bị sốc vì điều kiện cơ sở vật chất cũng như cảnh quan trên đảo.

Phần lớn mộ trên đảo là của những người kém may mắn hoặc cô đơn, và theo bà Velazquez, đây phải là "nơi mà chúng ta có thể suy ngẫm về giá trị cuộc sống cũng như những ưu tiên của mình, và nhớ rằng không ai trong chúng ta thoát khỏi cái chết".

"Tất cả sẽ kết thúc cùng một cách", bà Velazquez nói.

Thị trường cần sa giải trí phát triển ở New York

Thị trường cần sa phục vụ giải trí của New York (Mỹ) đang bắt đầu “nảy mầm”, theo đúng nghĩa đen, khi những mầm đầu tiên bắt đầu mọc trên mảnh đất trồng cần sa hợp pháp tại bang.

Phụ nữ New York ngực trần biểu tình chống luật cấm phá thai

Tại điểm biểu tình ở New York sau quyết định của Tòa án Tối cao lật ngược quyền phá thai của Mỹ, một số phụ nữ đã cởi áo để gây chú ý hơn về quyền tự do đối với thân thể mình.

Quốc Thăng

theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm