Năm 2002, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy Khu di tích lịch sử Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân). Theo đó, diện tích khu di tích được mở rộng từ 141 ha lên 200 ha. |
Để thực hiện, tỉnh Thanh Hóa giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di chuyển 1 khu chợ và 31 hộ dân thôn Phúc Lâm sống ở khu vực phía Đông khu di tích ra khỏi vùng quy hoạch. Thế nhưng, từ đó đến nay, việc di dời dừng giữa chừng. |
17 năm qua, người dân sống trong khổ cực khi không được sửa chữa, xây mới nhà cửa. Hệ thống điện, nước sạch cũng không được đầu tư. |
Do nhiều năm không được sửa chữa, ngôi nhà của bà Đỗ Thị Minh (62 tuổi) đã bị sụp đổ một phần. Gia đình bà phải dùng cây để chống đỡ. Do căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào nên gia đình bà không dám ở. Nơi này chỉ dùng để chứa đồ đạc. |
Trao đổi với Zing.vn, bà Minh nói: “Nhà tôi bị sập hơn một bên mái mà không dám sửa chữa, cũng sợ vì nhà đã nằm trong vùng quy hoạch sửa xong sau này nếu có quyết định chuyển đi nhà mới sửa liệu có được đền bù hay không. Sống ngay bên cạnh khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt mà chúng tôi hình như bị lãng quên". |
Do chờ đợi quá lâu, một số hộ dân phải bỏ xứ đi làm ăn hoặc thuê nhà ở nơi khác để ở tạm. |
"Chúng tôi có nhà mà không dám về", một người dân xót xa nói. |
Ngôi nhà của bà Hoàng Thị Nhiên (50 tuổi, là một trong 31 hộ dân) cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng không thể ở được. Để bảo đảm an toàn, gia định bà phải đi thuê nhà ở cách đó 1 km từ năm 2012. |
"Đi thuê nhà được 4 năm, con trai đầu năm nay đã 30 tuổi, còn phải xây dựng gia đình, không thể sống trong cảnh đi thuê nhà mãi được. Tới năm 2017, gia đình tôi vay mượn mua đất nơi khác xây nhà ở. Còn ngôi nhà cũ này đang đóng cửa để không, chờ quyết định di rời của nhà nước", bà Nhiên nói. |
Ngay bên cạnh nhà bà Nhiên là nhà chị Nguyễn Thị Huệ (40 tuổi). Năm 2017, gia đình chị Huệ đã bỏ 200 triệu để sửa chữa, xây lại nhà mới. "Nhà sập rồi bắt buộc phải làm lại để có cái ở, chứ nhà sập chết người ai chịu. Trước mắt, gia đình tôi phải làm như vậy, còn tương lai thì chưa biết sao", chị Huệ chia sẻ. |
Ông Nguyễn Đình Tớn (73 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lam) là một hộ dân trong số 31 hộ dân, cho biết năm 2004, UBND huyện Thọ Xuân cùng các ngành đã kiểm kê tài sản, áp giá đền bù, đồng thời xây dựng mặt bằng tái định cư cách đó khoảng 700 m. Trong quá trình thực hiện kiểm kê để di dời, người dân hoàn toàn đồng tình. "Mặt bằng tái định cư đã được xây dựng nhiều năm nay phải để không, mà chúng tôi cứ phải sống trong cảnh bấp bênh thế này thì khổ lắm", ông Tới nói. |
Khu di tích Lam Kinh. Ảnh: Google Maps. |