Ở một bên của bức tường kính, ba đứa trẻ mới biết đi tại một trường mẫu giáo đang chơi đất nặn. Ở bên kia, ba bà lão trong viện dưỡng lão gõ vào ô kính để thu hút sự chú ý của chúng, theo New York Times.
“Chúng ta hãy chào các bà nào”, giáo viên của đám trẻ nói trước khi dẫn chúng qua cánh cửa nối hai phòng.
Những đứa trẻ dừng lại để chơi đùa với chiếc kính lúp của một bà lão. Sau đó, chúng đi thang máy lên tầng trên, nơi nhiều người già trong viện dưỡng lão sẽ đọc cho chúng nghe những cuốn truyện tranh.
“Đó là một điều lạ thường. Mọi người nghĩ chúng tôi đến từ hai thế giới khác nhau, nhưng điều đó không đúng. Chúng tôi đang ở trong cùng một thế giới”, ông Giacomo Scaramuzza, 100 tuổi, sống tại viện dưỡng lão, cho biết.
Piacenza’s Elderly and Children Together, một dự án thử nghiệm ở một khu vực nổi tiếng nhất Italy về giáo dục trẻ em và chăm sóc người già, đã tìm cách kết nối hai đối tượng dễ bị tổn thương này. Tuy nhiên, nó cũng đặt hai thách thức hiện hữu của Italy dưới một mái nhà.
"Sóng thần màu bạc"
Dân số Italy đang già đi và suy giảm với tốc độ nhanh nhất ở phương Tây, khiến nước này dẫn đầu xu hướng nhân khẩu học toàn cầu mà các chuyên gia gọi là “sóng thần màu bạc”.
Không những vậy, đất nước này cũng đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh giảm mạnh và thuộc hàng thấp nhất ở châu Âu. Thủ tướng Giorgia Meloni đã nói rằng Italy "sẽ biến mất" trừ khi đất nước này thay đổi.
Viện Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) cho biết dân số nước này sẽ giảm gần 1/5 trong vòng 5 thập kỷ tới do tỷ lệ sinh liên tục giảm, Reuters đưa tin. ISTAT thừa nhận rằng các dự báo nhân khẩu học dài hạn có "rõ ràng là không chắc chắn", nhưng khẳng định "gần như chắc chắn" rằng dân số Italy sẽ giảm.
Các chuyên gia cho rằng tương lai của đất nước phụ thuộc vào việc tăng tỷ lệ sinh, Euronews đưa tin.
Dự án người già và trẻ em ở cùng với nhau ở Piacenza, Italy. Ảnh: New York Times. |
Trong tháng này, chính phủ của bà Meloni đã thông qua một luật mới dành cho người cao tuổi. Bà kỳ vọng nó sẽ đặt nền tảng cho những cuộc cải tổ về y tế và xã hội đối với dân số già đang bùng nổ ở Italy.
“Chăm sóc người già là chăm sóc cho tất cả chúng ta”, bà nói.
Các chuyên gia cho rằng cuộc cải tổ này về cơ bản đã chấp nhận gần như toàn bộ biện pháp từng được thông qua vào giai đoạn cuối của chính quyền cựu Thủ tướng Mario Draghi.
Điều quan trọng là nó đã đi theo sự dẫn dắt của ông Draghi trong việc đưa luật này vào chương trình quỹ phục hồi của Liên minh châu Âu, đảm bảo rằng nó sẽ được ban hành.
Luật mới sẽ mang đến nhiều lợi ích, bao gồm khắc phục một hệ thống hỗn độn, hợp lý hóa các dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe của chính phủ,... Một sự đổi mới quan trọng sẽ phụ thuộc vào tài trợ của chính phủ bà Meloni, ông nhận định.
“Khuyết điểm chính là không có tiền”, Cristiano Gori, lãnh đạo tổ chức Hiệp ước về phúc lợi mới cho người phụ thuộc, nhận định. Hy vọng là chính phủ của bà Meloni sẽ ưu tiên cho chương trình này và tài trợ cho nó, ông nói.
Tuy nhiên, nếu không có nhiều thanh niên tham gia lực lượng lao động, trả tiền cho các hệ thống lương hưu và phúc lợi, toàn bộ hệ thống sẽ gặp nguy hiểm.
Bà Meloni là nữ thủ tướng đầu tiên của Italy. Trong suốt sự nghiệp của mình, bà đã ưu tiên nâng cao tỷ lệ sinh của đất nước và giúp đỡ các bà mẹ đang đi làm.
Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng việc bà phản đối nhập cư đã làm tổn hại đến sự gia tăng dân số. Bên cạnh đó, chính phủ của bà Meloni đã trì hoãn chương trình xây dựng các trường mẫu giáo mới - vốn được tài trợ bởi quỹ phục hồi của Liên minh châu Âu.
Thảm họa nhân khẩu học
Alessandro Rosina, nhà nhân khẩu học hàng đầu Italy, cho biết nếu nước này không nghiêm túc trong việc khuyến khích các gia đình trẻ và phụ nữ sinh con, họ "sẽ vẫn và mãi mãi là một quốc gia già đi”.
Sự kết hợp của tỷ lệ việc làm thấp đối với phụ nữ, chảy máu chất xám, ít người nhập cư, tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ tăng đột biến đã dẫn đến một thảm họa nhân khẩu học, ông nhận định.
Một số khu vực của Italy hy vọng sẽ trì hoãn "quả bom hẹn giờ" nhân khẩu học bằng cách kéo dài thời gian mà người cao tuổi có thể làm việc và không làm cạn kiệt tài chính của xã hội.
Trung tâm ở Piacenza đã tìm cách tiếp thêm sinh lực cho họ bằng nguồn trẻ em quý giá. Trước khi Covid-19 khiến viện dưỡng lão bị phong tỏa, những đứa trẻ trong trung tâm đã ăn và thậm chí nấu cùng với những người lớn tuổi.
Mọi thứ đang dần quay trở lại. Trẻ em đang chơi đùa cùng với những người cao tuổi tại trung tâm.
Ông Giacomo Scaramuzza chơi với trẻ em tại viện dưỡng lão. Ảnh: New York Times. |
“Những mối quan hệ quan trọng nhất được sinh ra một cách tình cờ, khi đứa trẻ muốn lên phòng của người già, nhảy lên đùi họ và đọc sách”, Francesca Cavozzi, 41 tuổi, điều phối viên của dự án, cho biết.
Bà cho biết cả hai nhóm tuổi này đều có dáng đi đôi khi không vững và sở thích uống nước trái cây, ở trong một không gian chung là “bước đầu tiên” để khiến những người cao tuổi ở Italy cảm thấy gắn bó và hữu ích. Tuy nhiên, một số bày tỏ sự hoài nghi rằng bọn trẻ sẽ thích điều đó.
Vào tháng 11/2022, bà Meloni đã khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con và các doanh nghiệp thuê phụ nữ. Sau đó, bà tuyên bố tăng 50% số tiền thưởng mà cha mẹ nhận được một năm sau khi sinh con và tăng 50% trợ cấp trong 3 năm dành cho các gia đình có nhiều hơn ba con.
“Chúng ta tiếp tục nhìn vào ngày hôm nay, mà không nhận ra rằng chúng ta sẽ không có ngày mai”, bà nói.
Tuy nhiên, bất chấp hàng tỷ euro Liên minh châu Âu đã hỗ trợ các trường mẫu giáo, Italy đã trì hoãn ngày khai giảng của 1.857 nhà trẻ và 333 trường mẫu giáo.
Nếu Italy không bắt đầu xây dựng trước thời hạn muộn nhất là tháng 6, họ có nguy cơ mất khoản tiền đó.
Ông Scaramuzza cho biết ông hy vọng một số nhà trẻ mới cũng sẽ nằm trên cùng không gian với các viện dưỡng lão. “Không có con cháu ư. Ở đây, tôi có rất nhiều cháu”, ông nói.
Những cuốn sách hay về châu Âu
Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".
Độc giả có thể xem thêm tại đây.