Theo Financial Times, các chuyên gia cảnh báo những người thuộc tầng lớp nghèo nhất Ấn Độ sẽ hứng chịu hậu quả kinh tế nặng nề nhất vì làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19. “Sóng thần” là cách một số bác sĩ tại New Delhi mô tả về đợt tấn công mới của loại virus có nguồn gốc từ Vũ Hán (Trung Quốc).
Thống kê của chính phủ cho thấy số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ đã vượt mốc 15 triệu, cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Hôm 19/4, số ca mắc vượt 270.000, một kỷ lục ngày. Ngày 20/4, khoảng 1.781 người thiệt mạng, cũng là một kỷ lục.
Trước làn sóng thứ hai, nền kinh tế Ấn Độ gắng gượng phục hồi sau 3 quý “thảm họa” đầu năm 2020. Nhà kinh tế Rahul Bajoria của Barclays India cho biết tăng trưởng GDP đạt 0,4% trong quý cuối năm 2020. Bên cạnh nhiều biện pháp kích thích của chính phủ, các nhóm thu nhập cao tăng mạnh chi tiêu vào một số loại hàng hóa dịch vụ khác khi không thể đi du lịch.
Số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ lập kỷ lục 270.000 người/ngày hồi đầu tuần. Ảnh: NYT. |
Tác động của làn sóng thứ hai chưa được thể hiện ở các con số kinh tế. Đến nay, chính phủ Ấn Độ vẫn chưa phong tỏa toàn quốc. Các doanh nghiệp vẫn được phép hoạt động. Tuy nhiên, việc hoạt động kinh tế vẫn tiếp diễn có thể khiến dịch lây lan mạnh hơn.
Hồi đầu năm, IMF dự báo tăng trưởng GDP Ấn Độ năm nay sẽ đạt 12,5%. Nhưng, mới đây tổ chức này cảnh báo nền kinh tế Ấn Độ đối mặt với nguy cơ lao dốc vì làn sóng dịch thứ hai. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là tiêu dùng (siêu thị, spa), du lịch, hàng không…
Hôm 17/4, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ấn Độ cho biết khoảng 182.000 hành khách di chuyển bằng máy bay trong ngày, sụt giảm rất mạnh so với mức trung bình 313.000 người/ngày hồi cuối tháng 2.
Tác động của làn sóng thứ hai cũng sẽ tràn tới ngành kinh tế “phi chính thức”. Tiểu thương kinh doanh sạp thực phẩm và đồ uống, các cửa hàng tạp hóa nhỏ sẽ là đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên nếu số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng vọt. Phần lớn lao động Ấn Độ làm việc trong khu vực phi chính thức, do đó làn sóng thứ hai có thể đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh đói nghèo.
Làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 đe dọa tầng lớp nghèo nhất ở Ấn Độ. Ảnh: NYT. |
Nguồn thu thuế của chính phủ Ấn Độ cũng sẽ bị tổn thất nặng nề. Hàng không, du lịch, nhiên liệu, thuốc lá và rượu là những ngành chịu thuế cao nhất tại nước này. Việc chính phủ hụt nguồn thu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chương trình tiêm chủng toàn quốc.
Các chuyên gia cho biết chiến lược duy nhất hiện tại của Ấn Độ để giải cứu nền kinh tế là triển khai nhanh chương trình tiêm chủng vaccine. Nước này đang tiêm chủng vaccine của AstraZeneca và Bharat Biotech. Dự kiến Ấn Độ sẽ hoàn tất tiêm chủng 300 triệu người vào cuối tháng 8 và 500 triệu người vào tháng 12.
Thống kê của Barclays cho thấy tính đến giữa tháng 4, trung bình mỗi ngày Ấn Độ tiêm chủng 3,6 triệu liều. Trong tuần lễ kết thúc vào ngày 10/4, nước này tiêm chủng 26 triệu liều.
Để giải quyết tình trạng thiếu vaccine, New Delhi cho biết sẽ đẩy nhanh tốc độ thông qua sử dụng một số loại vaccine đã được các quốc gia phương Tây chấp nhận. Do đó, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ nhập khẩu vaccine của Pfizer-BioNTech, Johnson & Johnson, Novavax và Moderna.
Chuyên gia Rahul Bajoria cho rằng vẫn còn hi vọng với nền kinh tế Ấn Độ. Tuy nhiên, đây sẽ là một cuộc đua cực kỳ căng thẳng, và nước này còn phải chống lại những chủng mới nguy hiểm của virus corona.