Vietcombank vừa cập nhật biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân với điều chỉnh tăng ở cả hai hình thức gửi tại quầy và online. Đây là lần cập nhật biểu lãi suất đầu tiên của nhà băng này kể từ tháng 7/2021.
Trong lần cập nhật này, Vietcombank đã điều chỉnh tăng 0,1-0,2 điểm % ở hầu hết kỳ hạn gửi, áp dụng với cả tiền gửi tại quầy và gửi online.
Cụ thể, với hình thức gửi tại quầy, Vietcombank tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng thêm 0,1 điểm %, theo đó, các kỳ hạn 1-2 tháng được tăng lãi suất từ 3%/năm lên 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng từ 3,3%/năm lên 3,4%/năm.
Với kỳ hạn 6-9 tháng, Vietcombank giữ nguyên lãi suất huy động ở mức 4%/năm. Tuy nhiên, với kỳ hạn 12 tháng trở lên, ngân hàng tiếp tục tăng 0,1 điểm % lãi suất, đưa lãi tiền gửi kỳ hạn này lên 5,6%/năm và các kỳ hạn 24, 36, 48, 60 tháng lên 5,4%/năm.
Với hình thức gửi online, Vietcombank phổ biến điều chỉnh tăng 0,2 điểm % lãi suất ở hầu hết kỳ hạn. Trong đó, lãi tiền gửi kỳ hạn 1 tháng hiện ở mức 3,2%/năm; 3 tháng ở 3,6%/năm; 6-9 tháng nhận lãi suất 4,2%/năm.
VIETCOMBANK TĂNG LÃI SUẤT LẦN ĐẦU SAU GẦN 4 NĂM | ||||||||||
Nguồn: VCB; Tổng hợp | ||||||||||
Nhãn | Tháng 11/2018 | Tháng 3/2020 | Tháng 4 | Tháng 6 | Tháng 10 | Tháng 12 | Tháng 1/2021 | Tháng 7 | Tháng 7/2022 | |
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng | %/năm | 6.6 | 6.8 | 6.6 | 6.5 | 6 | 5.8 | 5.6 | 5.5 | 5.6 |
Đáng chú ý, ở kỳ hạn 12 tháng, nhà băng này chấp nhận đưa ra mức lãi suất 5,8%/năm cho các khách hàng cá nhân.
Với đợt tăng lãi suất kể trên, Vietcombank đã trở thành ngân hàng quốc doanh tiếp theo tăng lãi suất huy động sau khi BIDV và Agribank điều chỉnh trong tháng 6-7. Đợt điều chỉnh này cũng đưa lãi suất huy động của Vietcombank tăng lên mức tương đương 3 ngân hàng quốc doanh còn lại.
Xét trên biểu đồ hàng tháng, đây là lần đầu tiên Vietcombank tăng lãi suất huy động khách hàng cá nhân kỳ hạn 12 tháng kể từ cuối năm 2018 đến nay. Lần gần nhất nhà băng này điểu chỉnh tăng biểu lãi suất huy động đã diễn ra từ tháng 12/2018, khi nâng lãi suất huy động cá nhân từ 6,6%/năm lên 6,8%/năm.
Từ đó đến nay, lãi suất tiền gửi tại nhà băng này đã liên tục sụt giảm, lần lượt xuống 6,5%/năm vào tháng 6/2020; 6%/năm vào tháng 10/2020; rồi xuống 5,8%/năm từ tháng 12/2020 và giảm về mức 5,5%/năm từ tháng 7/2021.
Cũng trong tháng 7 này, cả Agribank, ACB và TPBank đều đã tăng biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân.
Trong đó, Agribank tăng 0,1 điểm % lãi suất ở các kỳ hạn 12 tháng trở lên, đưa lãi tiền gửi tối đa của ngân hàng lên mức 5,6%/năm.
Vietcombank là ngân hàng quốc doanh tiếp theo tăng lãi suất huy động sau khi BIDV tăng vào tháng 6 và Agribank điều chỉnh tăng từ đầu tháng 7. Ảnh: T.L. |
Trong khi đó, ACB tăng kịch trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, phổ biến ở mức 4%/năm. So với tháng trước, lãi suất các kỳ hạn này đã tăng 0,6-0,9 điểm %/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng, nhà băng này cũng tăng tương ứng 0,8-1,2 điểm %, hiện dao động quanh mức 5,3-5,8%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, ACB chấp nhận chi trả mức lãi suất 5,7-6%/năm tùy hạn mức, cao hơn nhiều so với mức 5,1%/năm áp dụng cố định trước đó.
Tương tự, TPBank trong tháng 7 cũng tăng 0,2 điểm % lãi suất tiền gửi ở hầu hết kỳ hạn, áp dụng với cả hình thức gửi tại quầy và online. Hiện lãi suất tối đa nhà băng này đưa ra với các khoản tiền gửi của cá nhân là 6,2%/năm.
Thực tế, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tư nhân đã tăng xấp xỉ 1-1,5 điểm % từ cuối năm 2021 đến nay. Tuy nhiên, với nhóm ngân hàng quốc doanh, các nhà băng mới rục rịch tăng từ tháng 6 và mức tăng chủ yếu ở mức 0,1 điểm %.
Trong báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán SSI dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhanh hơn vào nửa cuối năm, kéo theo lãi suất cho vay tăng.
Các chuyên gia tại đây dự báo lãi suất huy động sẽ tăng thêm 0,5-0,7 điểm % sau khi Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.