Chịu đựng tiếng ồn của công trường xây dựng bên cạnh khoảng gần 2 tháng, Thu Thảo (29 tuổi, cư dân chung cư ở phường An Phú, TP Thủ Đức) đang dự định chuyển nhà.
Làm việc cho một công ty quốc tế, Thảo thường sinh hoạt trái giờ giấc, tuy nhiên dù ngày hay đêm cô bạn cũng bị làm phiền bởi tiếng ồn phát ra từ công trường ngay cạnh. Có những hôm, các cuộc họp của Thu Thảo bị làm phiền liên tục bởi tiếng động cơ, tiếng máy khoan cắt dù vào buối tối muộn.
Thời hạn hợp đồng thuê nhà của cô còn đến hơn một năm nhưng Thảo đã bắt đầu tìm chỗ mới để chuyển đi. Cô không lường trước tiếng ồn sẽ ảnh hưởng mạnh đến chất lượng cuộc sống như hiện tại.
“Mình nghe anh chị trong group chung cư nói công trường này phải xây tầm 2-3 năm nữa. Hoảng quá, chuyển nhà luôn chứ sao chịu nổi”, Thu Thảo nói.
Rất nhiều trường hợp cư dân sống ngay cạnh khu vực ô nhiễm tiếng ồn đã phải tìm cách chuyển đi, một số người khác chấp nhận chịu đựng và khắc phục bằng nhiều biện pháp.
Không như kỳ vọng
Vợ chồng chị Hoàng Tuyết (cư dân một chung cư tại TP Thủ Đức) vừa chuyển nhà vào tuần trước và chấp nhận mất tiền đặt cọc.
Vừa thuê được 3 tháng, cả gia đình bị Tuyết bị tấn công bởi tiếng ồn bao quanh. Tiếng công trường hoạt động ngày đêm, tiếng karaoke từ hàng xóm khiến con trai 7 tháng tuổi của chị Tuyết không ngủ được.
“Vừa dỗ được con ngủ vài phút thì tiếng khoan đục làm con giật mình khóc lớn. Con mất giấc nên vợ chồng con cũng mất giấc liên tục, sức khỏe sa sút”, chị Tuyết bày tỏ.
Dự định thuê căn hộ tầng cao để có không gian thoáng đãng cho con nghỉ ngơi đã không được như kỳ vọng. Vợ chồng chị Tuyết đang chần chừ trước quyết định có nên mua một căn hộ để sinh sống lâu dài.
Tiếng ồn từ các công trình xây dựng lân cận là ám ảnh của không ít dân chung cư. Ảnh: Korea Herald. |
“Nếu quyết định mua, 2 vợ chồng sẽ phải khảo sát rất kỹ xem nơi đây có ồn không”, chị Tuyết nói.
Người phụ nữ này không phải là trường hợp hiếm hoi gặp khó khăn trong sinh hoạt vì ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều cư dân ở các chung cư trên địa bàn TP.HCM không phải chịu tiếng ồn từ công trường thì cũng từ các hàng quán mở muộn, đường sá…
Gia đình anh Công Quốc (chung cư Sunrise City, quận 7) chia sẻ khi quyết tâm mua chung cư, anh đã phải tham khảo hơn chục chung cư lớn nhỏ để tìm được nơi phù hợp vì nhà anh có cả người lớn tuổi và trẻ nhỏ.
Trước đó, người đàn ông này ở tại một căn chung cư trên đường Bến Vân Đồn (quận 4) tuy nhiên căn hộ này nằm hướng ra mặt đường, lại ở tầng thấp nên tiếng vọng từ đường sá lên nhà khá lớn. Thường ngày, hàng quán bật nhạc to ở nhà anh vẫn nghe thấy ngay cả khi đóng cửa sổ.
Anh Quốc chia sẻ anh đã hai lần thay kính cách âm nhằm giảm bớt tình trạng ô nhiễm tiếng ồn vào buổi tối để giấc ngủ được trọn vẹn hơn. Tuy nhiên, việc thay kính khá tốn công mà hiệu quả cũng không được theo ý anh.
Sau đó, nhà anh Quốc quyết định chuyển sang quận 7, chọn căn hộ ở tòa nhà phía trong không giáp với đường lớn để có được sự yên tĩnh.
“Nhà có người lớn tuổi, các cụ thích chỗ yên tĩnh nhưng giờ ở thành phố kiếm được chỗ yên tĩnh cũng không dễ. Tôi chấp nhận chọn căn hộ có tầm nhìn không đẹp để đảm bảo hạn chế ồn”, anh Quốc nói.
Những giải pháp tạm thời
Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn không phải mới xuất hiện, không chỉ tiếng ồn ngắn hạn như hát karaoke, sinh hoạt của hàng xóm mà tiếng ồn dài hạn như công trường, hàng quán, xe cộ cũng khiến nhiều người “đau đầu”.
Tần suất các bài viết than thở về tiếng ồn trong nhiều hội nhóm chung cư hay các nhóm chat xuất hiện khá nhiều. Theo quan sát của phóng viên trong các group và nhóm chat chung cư, mỗi tuần sẽ có đến khoảng 3-4 bài viết than phiền hay hỏi cách chống ồn từ xung quanh.
Tiếng ồn từ phương tiện giao thông là điều không tránh khỏi khi sống tại đô thị lớn như TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thậm chí, vì quá ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhiều gia đình không chịu nổi phải lựa chọn chuyển nhà như là giải pháp “chữa cháy”.
Không ít trường hợp chia sẻ quyết định chọn mua hay thuê nhà của họ thường quên mất việc kiểm tra xem mức độ tiếng ồn khu vực mình ở cho đến khi dọn vào thì mới nhận ra.
“Hàng xóm hát hò thì mình báo bảo vệ, báo ban quản lý chứ công trường xây dựng không biết báo ai, mà cũng không bắt người ta ngưng được. Nên thôi, chuyển nhà là phương án hợp lý”, Thu Thảo nói thêm.
Thảo cho biết hàng xóm của mình cũng chia sẻ sự khó khăn khi phải chịu đựng tiếng ồn, nhưng họ là chủ sở hữu chứ không phải người thuê nhà như Thu Thảo nên việc chuyển đi là phương án khó thực hiện.
Trong khi đó, việc lắp kính cách âm, các tấm tiêu âm được nhiều cư dân chia sẻ với nhau như cách hạn chế phần nào tiếng ồn từ khu vực xung quanh.
Trao đổi với Zing, anh Nguyễn Tín, chủ một đơn vị làm kính cách âm tại quận 5 cho biết tùy theo tiếng ồn mà anh sẽ tư vấn cho chủ nhà loại kính phù hợp. Thông thường nhất, các căn hộ chung cư thường làm cả kính cách ấm và cách nhiệt. Giá tiền sẽ phụ thuộc vào độ dày của kính, giá dao động từ 650.000-800.000/m2.
Cũng theo anh Tín, thông thường kính cách âm có thể hạn chế được tạp âm từ đường phố vọng lên như tiếng xe cộ, hàng quán... Tuy nhiên với việc công trình lớn xây dựng thì kính cách âm chỉ hỗ trợ được phần nào.
“Loại mà đơn vị tôi làm nhiều nhất là cách âm và cách nhiệt. Nhưng chỗ gần công trường lớn thì tiếng máy móc chỉ có thể hạn chế phần nào thôi”, anh Tín cho biết.
Ngoài ra, nhiều gia đình có con nhỏ, các bậc phụ huynh cũng chia sẻ việc cho con sử dụng các nút tai chống ồn khi ngủ, việc này sẽ giúp phần nào hạn chế trẻ bị làm phiền trong khi ngủ.
Nút tai chống ồn cũng là một trong những biện pháp được WHO khuyến khích người dân tại các đô thị sử dụng nhằm giảm thiểu tối đa những tổn thương cho thính lực và áp lực tâm lý.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.