Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sống ở trời Tây, thèm hương vị nước mắm quê nhà

Tôi thưởng thức bao món ăn Pháp, Anh, Trung Quốc, đó đều là đặc sản của các nơi, nhưng tất cả vẫn không làm tôi thỏa mãn cơn thèm vị nước mắm trong thức ăn quê nhà.

Pháp giống Việt Nam ở chỗ có rất nhiều quán ăn đơn giản nhưng không kém phần ngon so với những quán sang trọng đắt tiền, thậm chí ngon hơn.

Ở Paris có Bistros, ở Lyons có bouchons, và gần như trên khắp nước Pháp đâu cũng có những nhà hàng relais routiers giản dị trải khăn kẻ ca rô.

Nhắc tới Pháp, tôi đoán có lẽ người Pháp dễ thích nghi với món Việt nhất. Pháp thường dùng nhiều tỏi để phi dầu mỡ, cũng có những món như ốc hoặc thịt ếch mà châu Âu chỉ có Pháp hay ăn, không nước nào dám đụng tới.

Tôi chỉ mới được ăn thịt ếch nướng muối ớt một lần tại sinh nhật một người bạn ở Sài Gòn, mơ ước một lần ăn canh ếch nấu lá lốt như trong truyện Hành trình ngày thơ ấu.

Về Việt Nam tôi cố ý tìm nhưng hình như món này chỉ có trong bữa cơm gia đình ở quê như trong truyện trên có viết: “Ở làng này, người ta thích ăn canh cua, canh lươn và canh ếch. Canh cua cho rau răm, hành, còn canh ếch cho măng mụt tước nhỏ và ớt chỉ thiên. Món nấu ở làng quê đơn giản vì người ta còn vội làm nhiều việc khác. Nhưng nhất thiết phải tươi và nóng. Bưng nồi canh ra, mở vung là hơi phà lên mù mịt, mùi lá thơm bốc lừng nhà, thế mới đạt tiêu chuẩn”, rồi: “Mùi canh ếch bốc lên ngào ngạt. Những miếng thịt ếch còn tươi rói nên vừa trắng vừa ngọt. Tuy không có mì chính, chỉ nêm tương ăn cũng tuyệt vời. Chỉ có một điều đáng tiếc là canh rất cay, tôi ăn ớt chưa quen nên ho sặc sụa”.

Nhưng thôi, nói tới đây lại thèm.

Thông thường khi đi du lịch ở đâu tôi chỉ ăn thức ăn bản xứ, nhưng vì chuyến đi Paris năm đó tôi có đi gặp bạn ở Place d’Italie gần quận 13 nơi nhiều người Việt ở, lại có anh bạn Daniel đi theo chưa từng dùng món ăn Việt ở quán, nên tôi quyết định phá lệ một lần.

Chúng tôi ghé vào một quán ăn nhỏ, tôi nhớ mang máng hình như trên đường Tolbiac. Khi vào mới biết quán mở những bản nhạc Việt rên rỉ khóc than, phổ biến vào khoảng thập niên 1980, mặc dù thời điểm đó đã qua thế kỷ 21 được mấy năm.

Anh bạn kêu một dĩa bánh cuốn chả lụa, còn tôi nhìn quanh quất trên tường thấy ghi: “Đặc sản: Bò bún”. Chắc mẩm đây là bún bò, tôi hỏi chủ quán, một người đàn ông mặt mày nhăn nhó như thể bị vợ ép buộc phải chạy bàn: “Phở ngon hơn hay món kia” - chỉ lên tường - “ngon hơn vậy chú?”.

Ông nhún vai, mặt vẫn nhăn nhó: “Phở là phở mà bò bún là bò bún, sao tui biết?”. Tôi gọi đại món “bò bún”, lúc bưng ra bàn mới biết đây là bún thịt nướng. Có lẽ đó là tô bún thịt nướng dở nhất tôi từng được ăn. Được mấy đũa tôi bỏ ngang, đòi ăn thử món bánh cuốn của Daniel, cũng dở không kém.

Tôi ngán ngẩm đưa cả tô bún cho anh bạn, sau đó ra quán cà phê mua bánh croissant rìa giòn ăn với café au lait bốc hơi thơm nóng sực tay.

Daniel ăn cả hai món một cách ngon lành, tôi đoán chỉ vì anh chưa bao giờ ăn món này một cách “chính thống”, nên không biết món ăn Việt mình đang ăn được nấu tệ đến chừng nào.

Miếng chả lụa trắng bệch, bở như miếng bột, không có mùi vị gì, chỉ làm tôi nhớ quá chừng khúc chả lụa Thành Diên Khánh gói lá chuối buộc thanh lạt. Khi luộc xong lá còn xanh rờn, dùng dao xắt thấy miếng chả hiện ra trắng hồng mỡ màng ngon mắt, cắn ngập một miếng nghe mùi thịt heo nạc pha lẫn nước mắm thơm tho. Thỉnh thoảng răng cắn vào tiêu đen còn nguyên hột lan trên lưỡi cảm giác cay nồng dễ chịu.

[…]

Lần duy nhất sau đó tôi có dẫn bạn vào một nhà hàng Việt ở Southampton (Anh) đúng dịp sinh nhật để ăn gỏi, chạo tôm nướng mía và bò né. Nơi đây làm việc lịch sự hơn quán tôi lỡ vào ở quận 13 Paris gấp nhiều lần, nhưng khi trò chuyện mới biết chủ nhà hàng là người Anh gốc Hoa gốc Việt (nghĩa là Hoa kiều Anh lúc trước có sống ở Chợ Lớn).

Vì thế món ăn cũng mang hơi hướm món Hoa hơn Việt, không đủ làm tôi thỏa mãn cơn thèm vị nước mắm trong thức ăn quê nhà.

Ngô Thị Giáng Uyên / NXB Trẻ

SÁCH HAY