Vì sao cũng với những “nguyên liệu” từ cuộc sống tương tự như mỗi người chúng ta nhưng những tỷ phú đã biết cách xử lý, tận dụng để biến nó thành công cụ kiếm tiền.
Âm thanh đồng tiền nằm ở đâu?
Nhìn chung, công thức thành công của những tỷ phú đều xoay quanh việc “biết suy nghĩ” và bắt tay biến giấc mơ thành hiện thực. Suy nghĩ tích cực, đột phá, nhìn xa và tập trung tối đa, kiên trì hoàn thành những gì đã vạch ra đều là kim chỉ nam của các tỷ phú. Và dĩ nhiên, cũng cần có cả may mắn để có thành công rực rỡ.
Tạp chí Forbes từng in đậm dòng tít, đánh thẳng vào tâm lý người đọc: “Muốn biết âm thanh đồng tiền, đến sàn giao dịch phố Walls. Muốn làm giàu, hãy nghĩ như tỷ phú”.
Nhiều người từng chất vấn, làm thế nào để sống như một tỷ phú khi hoàn toàn trắng tay, không sở hữu bất kì giá trị vật chất nào. Và luôn có chung câu trả lời: “Chúng tôi cũng muốn đọc sách đấy, cũng muốn mở rộng mối quan hệ. Nhưng hơn hết, tôi không đủ thời gian để làm điều đó, tôi cần phải mưu sinh và đảm bảo cuộc sống hằng ngày.”
Theo cuộc nghiên cứu của Eric Schiffer, chuyên gia tham vấn danh sách 500 CEO của Fortune, top 400 tỷ phú thế giới của Forbes cho biết, khi bắt đầu vào việc, phần lớn chúng ta háo hức và có nhiều động lực để thực hiện, nhưng khi lâm trận, bản thân khó lòng vượt qua những cám dỗ hay các tiêu cực trong cuộc sống bởi những thói quen xấu hằng ngày: như lười biếng, nhát việc, chán nản khi gặp sự cố…
Thay đổi cả cuộc đời chỉ bằng suy nghĩ
Nhiều cuộc nghiên cứu khoa học trên thế giới được trích đăng trên thời báo New York và các tạp chí kinh tế như Business Insider cũng cho rằng, cách hay nhất và dễ dàng nhất để đạt được một cuộc sống thành công, chính là tập thói quen tốt và tránh xa các thói quen xấu khi còn rất trẻ.
Thói quen quan trọng nhất có lẽ là suy nghĩ tích cực, theo như kết luận nghiên cứu mang tên “Luật hấp dẫn” của bà Rhonda Byrne cùng nhóm đồng sự. Công trình của bà bắt đầu bằng câu “Để tôi kể bạn nghe, những câu chuyện khá điên rồ về việc thay đổi cả cuộc đời chỉ bằng suy nghĩ”.
Nói một cách đơn giản, theo Luật Hấp Dẫn, chúng ta sẽ hấp dẫn tất cả những gì chúng ta tập trung nghĩ về nó. Và bất cứ việc gì dành công sức vào đều quay trở lại với chúng ta.
Vì thế, nếu tập trung vào những điều tốt đẹp và tích cực, tự nhiên chúng ta sẽ thu hút được thêm thật nhiều những điều tốt đẹp và tích cực vào cuộc sống. Một khi suy nghĩ tích cực, não bộ khỏe mạnh sẽ giúp tăng cao khả năng tập trung giải quyết công việc. Còn nếu chỉ quan tâm đến những điều thiếu thốn và tiêu cực, nó sẽ là những thứ được “hút” vào cuộc sống của chính chúng ta.
Suy nghĩ tích cực và học cách cư xử càng mềm mỏng càng tốt trước vấn đề khó khăn là điều cần thiết. Bởi cách nhìn, thái độ xử lý vấn đề là điều kiện tiên quyết, nhân tố quan trọng trong phần lớn phẩm chất của những người thành công, giàu có trên thế giới.
Khi phỏng vấn các tỷ phú trên thế giới, Forbes đã tiết lộ rằng hầu hết các tỷ phú đều có thói quen nghị lực và khả năng tập trung cao độ để giải quyết vấn đề.
Với Mark Zuckerberg và Warren Buffett, để giữ sức tập trung của trí não, trước hết phải giữ sức khỏe thật tốt. Với Giám đốc điều hành Howard Schultz của Starbucks, đó là dùng nghị lực để điều chỉnh cảm xúc và tổ chức kỷ luật để có tinh thần hăng hái trong cung cách phục vụ khách hàng với mỗi ly café 4 USD.
Tuy nhiên, hàng loạt các công trình nghiên cứu khác về triệu phú với mục tiêu tìm kiếm những kỹ năng cần có để gặt hái thành công ở các tuần báo kinh tế hay các nghiên cứu chuyên lập của các nhà kinh tế học cũng chỉ ra một luận điểm khá thú vị.
Suy nghĩ tích cực, tập trung cao độ chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải biết suy nghĩ đột phá, nhìn xa, nghĩ lớn. Với những điều rất bình thường nhưng nếu biết cách “nâng tầm”, bạn hoàn toàn có thể trở thành triệu phú, tỷ phú.
Đó là trong “bãi tha ma” của những người thất bại, có cả những người có các đặc điểm rất tích cực như: can đảm, dám chấp nhận rủi ro, lạc quan… những phẩm chất thường thấy ở nhóm các nhà tỷ phú. Chỉ điều khác biệt ở kỹ năng, chọn đúng thời điểm và tác nhân may mắn.
Trở nên tỷ phú từ... phân chó
Matthew Osborn và Matt Red Boswell đã trở thành triệu phú nhờ dịch vụ hốt “phân chó”. Hay Regis và Kelly cũng giàu có nhờ sản xuất những sản phẩm dành cho thú cưng như mắt kính, áo…
Truyền thống hơn, Fraser Doherty, bỏ học năm 16 tuổi để làm giàu nhờ website bán mứt theo công thức gia truyền. Hiện nay tài sản của Doherty vào khoảng 2 triệu USD. Tương tự, người sáng lập trang Excused Absence Network chỉ khởi nghiệp với 300 USD và một laptop tại thị trấn nhỏ ở Oklahoma nhưng đã trở nên giàu có nhờ dịch vụ viết thư cáo bệnh.
Còn Ken Ahroni thu nhập mỗi năm 2,5 triệu USD nhờ sản xuất xương may mắn bằng plastic để gắn vào gà tây. Theo phong tục, ai tìm thấy xương may mắn trong gà tây sẽ rất hên nhưng thực tế, mỗi con gà Tây chỉ có một xương may mắn. Đánh vào tâm lý này, Ahroni đã sản xuất ra xương bằng plastic để ai cũng có thể tìm thấy “may mắn” của mình mỗi khi ăn gà Tây.
Và quan trọng nhất, khi đã có suy nghĩ đúng đắn, điều tiếp theo là phải biến giấc mơ đó thành hiện thực bằng một đam mê cháy bóng. tỷ phú Micky Jagtiani chia sẻ: “Hãy tràn đầy đam mê bước vào lĩnh vực bạn quan tâm bởi chỉ khi đó, bạn mới làm được hết công suất. Đam mê và lao động cật lực là chìa khóa thành công”.
Trong khi đó, MA Yusuffali chọn cách tin tưởng vào đội ngũ của mình: “Tôi tin vào việc phân bổ quyền lực cho những người của mình. Phương châm là mỗi nhân viên đều là ông chủ của công ty”. Yusuffali chia sẻ giấc mơ của mình và thuyết phục những người khác tin vào nó để cùng ông hiện thực hóa.
Mark Zuckerberg cũng đi theo chính sách tương tự khi dành hơn 25% thời gian làm việc để chọn ra những người tin cậy, đưa vào các vị trí quan trọng. Và một trong những người làm công cho Zuckerberg cũng đã trở thành tỷ phú.
Hãy nhìn vào công ty Intellectual Ventures của Nathan Myhrvold với sản phẩm là những ý tưởng sáng tạo. Giám đốc điều hành Myhrvold, từng là lãnh đạo bộ phận nghiên cứu của Microsoft, đã tập hợp những tài năng từ các lĩnh vực khác nhau như điện tử, thần kinh học, hoá học… để tiếp thu toàn bộ ý kiến trong các lĩnh vực nhằm tạo ra những sản phẩm đầy sức sáng tạo, thay đổi cả thế giới.
Keith Ferrazzi, CEO công ty Ferrazzi Greenlight - chuyên tư vấn cho những công ty hàng đầu thế giới về cách đẩy mạnh phát triển mối quan hệ trong kinh doanh - cho biết: “Thói quen tạo ra mạng lưới cộng đồng là điều tiên quyết đem đến thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống.”