Một ngày đầu tháng 4, phóng viên báo Người Lao Động nhận được cuộc gọi của bạn đọc tên Nam cầu cứu về việc liên quan đến tính mạng bản thân và gia đình. Ông Nam cho biết ở khu vực hồ Con Rùa đang có một băng nhóm cho vay nặng lãi mà chính ông là con nợ đang bị chúng truy tìm gắt gao.
Khiếp sợ Dũng “nhóc” và Mai “chảnh”
Sau đó, phóng viên đã tiếp xúc với người đàn ông này để tìm hiểu sự việc. Với dáng vẻ bần thần, hoang mang, ông Nam mở đầu câu chuyện bằng 2 từ “khiếp sợ”.
Vốn hành nghề giữ xe ở quận 3, ông Nam chẳng lạ gì những hoạt động “ngầm” tại hồ Con Rùa. Theo ông, vì từ khu vực hồ Con Rùa đến nhà thờ Đức Bà là nơi tập trung nhiều du khách nên “dịch vụ” buôn bán vỉa hè, hàng rong… cũng ăn theo khá tấp nập. Đa phần những người buôn bán với hình thức này là dân từ nơi khác đến, làm hôm nay chẳng biết ngày mai nên luôn rơi vào cảnh túng thiếu và cần đồng vốn để xoay xở.
Các chân rết (ngồi trên ghế) trong băng nhóm cho vay nặng lãi tại hồ Con Rùa (trích từ video clip). |
Có cầu ắt có cung, một đường dây cho vay với lãi suất cao đã xuất hiện tại hồ Con Rùa. Đứng đằng sau đường dây này là những tay anh chị “có số má”, hoạt động bài bản chứ không đơn thuần là cho vay tự phát.
“Cứ nghe ở đâu có người cần tiền thì chúng tới gạ gẫm cho vay với lãi suất cắt cổ. Nhiều người đang trong lúc bí đường, tự dưng có phao cứu sinh nên nhắm mắt đưa chân mà không lường được hệ lụy sau đó” - ông Nam nói.
Hai cái tên được các con nợ quen mặt nhất ở khu vực này là Dũng “nhóc” và Mai “chảnh”. Theo ông Nam, đây là 2 người cho vay nặng lãi khét tiếng ở hồ Con Rùa, núp bóng buôn bán hàng rong để dễ bề hoạt động. Bất kỳ người nào có một chân buôn bán, lao động tại khu vực này và cung cấp được thông tin cá nhân như địa chỉ, sổ hộ khẩu hoặc CMND thì sẽ dễ dàng được Mai “chảnh”, Dũng “nhóc” cho vay tiền. Tuy nhiên, các con nợ cũng đừng nên nghĩ tới chuyện chậm trả lãi hoặc tính đường tẩu thoát vì cái kết chắc chắn sẽ chẳng mấy bình yên!
Sa lầy vào hố sâu nợ nần
Theo điều tra của phóng viên, những gì mà ông Nam cung cấp hoàn toàn có cơ sở. Trong quá trình thu thập thông tin về hoạt động cho vay nặng lãi tại hồ Con Rùa, chúng tôi đã được nghe nhiều bi kịch của một số con nợ khi vay tiền băng nhóm này.
Cụ thể, “luật” mà băng nhóm này đưa ra với các con nợ có nhu cầu vay “nóng” là lãi suất được tính theo mức 30%-60%/tháng (tùy đối tượng). Câu chuyện sa lầy vào hố sâu nợ nần đầu tiên phải kể đến là trường hợp của bà Hoa (51 tuổi), bán bún riêu trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3). Theo người trong cuộc, năm 2014, vì túng thiếu nên bà Hoa mượn Mai “chảnh” 35 triệu đồng. Khi đó, lãi suất mà Mai “chảnh” tính với bà Hoa là 30%. Đứng trước món nợ kèm theo lãi suất lớn như thế, bà Hoa phải cật lực xoay xở đủ mọi nơi để kiếm tiền trả nợ cho Mai “chảnh”. “Tính sơ sơ thì trong 2 năm, tôi phải trả hơn trăm triệu đồng tiền lãi” - bà Hoa rầu rĩ.
Điều tương tự cũng xảy đến với bà Mai (44 tuổi), bán cà phê “cóc” trên đường Phạm Ngọc Thạch. Đầu năm 2015, bà H. mượn của Mai “chảnh” một số tiền để làm vốn bán cà phê. Số tiền bà Mai mượn được Mai “chảnh” đưa nhiều lần cho đến khi đủ 21 triệu đồng. Lãi suất mà Mai “chảnh” tính với bà Mai cũng là 30% (tức 210.000 đồng/ngày). Phải đến 8 tháng sau, bà Mai mới thanh toán được món nợ khi lãi suất tính theo cấp số nhân đã lên đến hơn 50 triệu đồng.
Bi kịch nhất là trường hợp của ông Hoàng mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Do bị tai nạn phải cần tiền chạy chữa nên ông Hoàng vay của Dũng “nhóc” tổng cộng 2 lần là 40 triệu đồng (trong đó chỉ có 20 triệu đồng được ghi giấy nợ), kéo dài từ đầu năm 2014 đến tháng 4/2015, với lãi suất 60%! Ông Hoàng cho biết đã nộp sổ hộ khẩu gia đình cho Dũng “nhóc” để làm tin và phải đóng lãi liên tục cho đối tượng này một thời gian khá dài.
“Có những hôm không kiếm ra tiền, tôi xin khất thì Dũng “nhóc” cộng vào một khoản nợ mới rồi tính lãi tiếp theo (tức lãi mẹ đẻ lãi con). Một ngày, tôi phải đóng cho Dũng “nhóc” 800.000 đồng trong khi chỉ kiếm được 400.000 đồng là cao nhất. Chẳng biết lời lãi kiểu gì mà đến nay, Dũng “nhóc” yêu cầu tôi phải ký giấy nợ cho anh ta tổng cộng 135 triệu đồng” - ông Hoàng lo lắng.
* Tên nạn nhân đã được thay đổi.
Không dám tố cáo
Trước món nợ bị “chắp cánh” lên con số ngất ngưởng, ông Hoàng không còn cách nào khác là phải bỏ công việc, lánh mặt một thời gian để tạm yên thân.
Cũng như ông Hoàng, những con nợ khác của băng nhóm này đều chọn cách âm thầm chịu đựng thanh toán những khoản lãi suất trên trời thay vì phản kháng hay nhờ sự can thiệp của luật pháp bởi sự hung hãn của chúng.