Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đời công nhân trong vòng xoáy tình, tiền - kỳ cuối

Mong thắng đậm để đổi đời, nhiều lao động nghèo lao vào vòng xoáy cờ bạc để rồi đánh mất tất cả tiền bạc, nhân phẩm và hạnh phúc của chính mình.

Đời nữ công nhân trong vòng xoáy tình, tiền

Nhẹ dạ cả tin, thiếu kinh nghiệm sống, thừa nhiệt huyết yêu nên nhiều nữ công nhân không chỉ trót trao thân nhầm cho những kẻ sở khanh mà còn bị bạn trai lừa sạch tiền, tài sản.

“Nướng" tiền lương vào sòng bài, bắn cá

Giờ tan ca, nhất là buổi trưa và cuối ngày, dưới những lùm cây hai bên vỉa hè hoặc tại một số quán cà phê quanh Khu công nghiệp (KCN) Bình Chiểu, Khu chế xuất (KCX) Linh Trung I, II... “nóng” lên bởi các nam công nhân túm tụm sát phạt trong các sới bài tự tạo và bắn cá.

“Nướng” tiền lương vào bài bạc.

Buổi trưa, tại bãi đất trống đối diện Công ty Chutex trong KCN Sóng Thần, chúng tôi thường thấy ba, 4 nhóm công nhân chụm đầu quanh các tấm bìa các-tông chơi bài phỏm, xì lát. Quan sát một nhóm, chúng tôi phát hiện một nam công nhân tầm 25 tuổi cầm bộ bài sóc lia lịa rồi chia thành 6 phần. Chia xong, anh ta hô: “Đặt đi”. Các tay bài liền rút tiền ra đặt.

6 người cầm bài “nặn” từng con. Các lá bài từ từ xòe ra, kèm theo những vẻ mặt buồn vui lẫn lộn. Kẻ “đỏ” bài thì hớn hở: “Tối nay có tiền nhậu và bắt vài độ banh rồi”, kẻ bài “đen” mặt mày cau có: “Mẹ nó, chưa tới một tuần mà “nướng” mất “2 chai” (hai triệu đồng), đi đứt nửa tháng lương”.

Một vài người rút lui, lập tức có những người khác thế chỗ. Những tờ tiền từ 10.000- 100.000 đồng được nâng lên hạ xuống, gom gom, đếm đếm liên tục.

Đến KCX Linh Trung I, chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp vài nhóm công nhân “gầy” sòng ở các bãi cỏ và vỉa hè hai bên đường. “Mấy tháng nay gần như ngày nào cũng có vài chục công nhân tụ tập sát phạt nhau từ trưa đến tối”, anh Duy, làm việc  tại Công ty Samsung nói.

Vào các trưa 20, 21, 22/1, chưa đến 12h chúng tôi đã thấy có hai sòng bài được lập. Trong khi gần chục công nhân túm tụm sát phạt nhau hăng máu thì một nam công nhân ngồi kế bên, một tay cầm giấy bút ghi điểm, tay còn lại bốc điện thoại gọi cho ai đó bảo “ghi dùm hai con 34, 55, năm “xị” (ghi hai con số đề 34 và 55, giá 500.000 đồng) rồi quay lại ghi điểm cho chiến hữu. Cùng với tiếng bài sát phạt nhau chan chát là tiếng văng tục, chửi thề vang lên ầm ĩ.

Từ lâu, không ít quán cà phê nằm xung quanh KCN Đồng An, Bình Chiểu... cũng trở thành một địa điểm lý tưởng để nhiều nhóm công nhân đánh bài ăn tiền, chơi cá ngựa... Chiều 21/1, có mặt tại một quán trước KCX Linh Trung II, chúng tôi chứng kiến có khoảng vài chục công nhân đang tụ tập quanh hai bàn nhựa đánh phỏm, tiến lên.

Khác với những điểm “chồm hổm” trong các KCN, việc đánh bài ăn tiền trong nhiều quán cà phê diễn ra khá kín đáo. Mỗi chầu đánh họ thường ghi điểm hoặc nhẩm tính kẻ thắng, người thua, sau chầu mới trả tiền. “Chung “tiền tươi” tại bàn dễ bị công an tóm”, Trọng một tay nghiện bài lý giải.

Trong lúc một số người cười khoái chí thì một nam công nhân cởi áo vắt vai mình trần trùng trục đang thua bài làu bàu: “Mẹ nó, dạo này bị sao “quả tạ” chiếu hay sao mà đen quá! Mới gần một tuần mà bay mất bốn “chai”. Đứa nào còn tiền, tao mượn một “chai”, lát thua tao cầm xe trả”.

Đối diện anh ta, một nam công nhân khác khá trẻ, nói giọng Nghệ An nhếch mép: “Hôm qua giờ tao cũng “nướng” mất con iPhone 4 cho mấy “nàng tiên cá” rồi”. Sau gần chục “tua” đi phỏm, gã mình trần nhổm dậy lao vút chiếc xe máy đến tiệm cầm đồ.

Cách đó không xa, quán cà phê S.M cũng là điểm lui tới thường xuyên của các tín đồ 52 lá. Mặc dù trước cổng ra vào của quán này ghi tấm biển “vui lòng không đánh bài”, nhưng trong quán một vài nhóm công nhân lập sòng “chặt hẻo”. Mỗi ván thua nhất 100.000 đồng, thua nhì 50.000 đồng.

Anh Duy, bán hàng rong cho biết: “Ngày nào cũng có ít nhất một vài nhóm công nhân tụ tập đánh bài ăn tiền. Sau mỗi cuộc chơi có người mất vài triệu đồng, có khi còn cắm cả điện thoại, xe máy, lúc về phải cuốc bộ, đón xe ôm là chuyện thường”. Bên trong quán này còn có một bàn chơi bắn cá ăn tiền. Thử vào chơi, trong vòng vài tiếng đồng hồ chúng tôi bay mất gần triệu bạc.

Cơn lốc lô đề, bida độ

Không chỉ bài bạc, nhiều công nhân còn bị cuốn vào vòng xoáy lô đề và các trò đỏ đen khác. Nắm được giấc mơ đổi đời của công nhân, các thầu đề lập đường dây đến tận phòng trọ.

Hết tiền, công nhân  lại tìm đến tiệm cầm đồ để rồi nợ nần chồng chất.

Chúng tôi được Dũng, một công nhân tại KCN Sóng Thần thường xuyên chơi đề qua tin nhắn cho hay: “Chỉ cần nhắn tin, gọi điện cho thầu đề thì muốn chơi loại gì cũng có. Từ bao lô, xỉu chủ, đầu, đuôi, xiên... đều có tất”.

Nhờ Dũng ghi cho vài con số theo ý muốn, 3 phút sau điện thoại chúng tôi liền có tin nhắn trả lời: “ok”. Dũng cho biết thêm: “Bây giờ hình thức chơi đề quá dễ, người ghi đề ở chỗ trọ em quen mặt nhau hết. Ghi trước, đưa tiền sau cũng được”. Ngồi cạnh chúng tôi, một nhóm công nhân luận bàn chuyện đề đóm khá sôi nổi. “Thứ năm tuần trước, đài Tiền Giang về con 54, hôm sau về tiếp đuôi 4, nhưng là 64. Mày thấy chưa, hôm qua tao bảo đánh con 78 mà không chịu nghe. Chiếu hàng dọc, hôm nay nhất định về đuôi 7, lâu lắm rồi con 77 chưa ra, kiểu gì cũng chết...”, một nam công nhân lên giọng.

Thực tế, phần đông dân chơi đề đều rơi vào tình trạng nợ nần, túng quẫn. Mới 20 tuổi, cha mẹ Hùng (quê Hà Tĩnh, hiện làm công nhân tại KCN Đồng An) “bắt” anh ta lấy vợ sớm những mong con trai từ bỏ lô đề. Trước đó, cũng vì ham số đề mà cha mẹ Hùng phải trầy trật vay mượn khắp nơi chuộc sổ đỏ về vì gã lỡ cắm cho tiệm cầm đồ lấy 50 triệu đồng bao lô.

Cưới vợ xong, hai vợ chồng vào Bình Dương làm công nhân. Tưởng Hùng chí thú làm ăn, nhưng ngựa quen đường cũ, làm được đồng nào Hùng “nướng” sạch vào lô đề đồng đó. Cay cú, Hùng nuôi hy vọng gỡ gạc những gì đã mất nên đánh liều mang cầm cố chiếc xe máy của vợ để “xuống xác” con số mà Hùng “nuôi” suốt năm trời, nhưng thua vẫn hoàn thua.

Sau 4 năm lăn lộn làm công nhân, tài sản của Hùng là món nợ 30 triệu đồng và những lời hăm dọa của chủ nợ đòi cho giang hồ “xử”. Vợ Hùng nhiều lần khuyên ngăn, thậm chí đòi ly dị, anh ta hứa sẽ bỏ, và rồi chỉ được năm bữa nửa tháng lại chứng nào tật nấy.

Phong, một tay có “thâm niên” chục năm ghiền đề và đá gà độ cho hay: “Mới chơi đánh đâu trúng đó. Nghĩ có thêm đồng ra đồng vào cho vợ chạy chợ cũng vui, nhưng về sau càng đánh thì chỉ có thua đến te tua”.

Ngoài bài bạc, đề đóm, các điểm chơi bida cũng là nơi để các cơ thủ công nhân thể hiện đẳng cấp cá cược. Theo chân nhóm cơ thủ, chúng tôi được Thanh, một công nhân ghiền bi da độ dẫn đến một tiệm gần chợ Lâm Viên (phường Bình Hòa, TX Thuận An) “tham quan” cách anh ta giải khuây mỗi ngày.

Ngay từ sáng sớm, quán này đã đông kịt người. Là khách quen, bà chủ xếp cho Thanh một bàn bi da loại phăng. Hai “chiến hữu” của Thanh cũng xuất hiện. Cả ba thỏa thuận điểm thắng mỗi ván là 100, người về đầu sẽ ăn cả số tiền 500.000 đồng.

Hầu như ngày nào tao cũng làm vài ván. Chơi tiền quen rồi, đánh cho vui không thích. Cứ tới quán thách đấu là có “kèo” liền. Ngày hên thì lời năm bảy trăm, một triệu, nhưng cũng có lúc thua cháy túi”, Thanh cho biết.

Các bàn bên cạnh, nhiều nam công nhân khác cũng đang thách nhau chấp bi ăn tiền. Chỉ tay về một thanh niên chừng 22 tuổi, Thanh cho biết người đó tên Huy đã bán cả xe máy lẫn sợi dây chuyền năm chỉ để chơi. Ban đầu ăn được nhiều tiền, nhưng rồi gặp “cao thủ” thua lại, quyết gỡ tiền nên dần dần “bể sô”.

Quay cuồng hàng đêm

Không dừng lại ở đó, khi giải vô địch bóng đá các nước châu Âu, giao hữu quốc tế hay mùa Euro, World Cup... công nhân cũng quay cuồng hàng đêm tham gia cá độ.

Tùng là công nhân may ở KCN Đồng An ôm đầu gục xuống bàn khi các cầu thủ của Atletico nâng tỷ số lên 2-0 trong trận derby thành Madrid trước Real trong khuôn khổ lượt đi vòng 1/8 Cúp nhà Vua Tây Ban Nha vào rạng sáng 8/1. Tùng bắt kèo trên và đã thua nửa tiền.

Chỉ trên đoạn đường ngắn, tiệm cầm đồ mọc lên như nấm phục vụ việc cầm cố của công nhân.

Cạnh Tùng, vài nam công nhân khác liên tục chửi thề, nhưng cũng có vài người cười khẩy. Mặt Tùng méo xệch: “Xui gì mà xui dữ. Bắt tài nó ra xỉu, bắt trên nó ra dưới. Mấy tuần nay thua gần chục chai rồi”. Trận đấu kết thúc cũng đặt dấu chấm hết cho con xe mới cầm lúc chiều của Tùng. Sau một đêm thua toàn bộ cửa dưới, Tùng ngồi trên “đống lửa” vì chưa biết lấy đâu ra tiền nhà trọ ba tháng và món nợ 15 triệu đồng vay “nóng” tín dụng đen. Tùng bị chủ nợ truy tìm đòi thanh toán.

Ngồi cạnh Tùng là một nam công nhân khác tên Khánh cũng đứng ngồi không yên. Tiếng còi kết thúc trận, Khánh thất thểu huých cùi chỏ vào người bạn bên cạnh giục: “Mày chở tao ra cắm cái điện thoại. Không có tiền đưa, lát nữa kiểu gì tụi nó chả cho người “luộc” tao. Nhanh lên”.

Sau 4 năm vào TP HCM làm công nhân, Khánh tự biến mình thành con nợ với người thân lẫn bạn bè và bọn cho vay nặng lãi chỉ vì “em lỡ cuồng quay theo trái bóng”. Khánh thều thào: “Ban đầu thấy những công nhân khác bắt độ, em chỉ đứng xem cho vui. Thấy “quê” với đám bạn, em tập tành bắt thử mỗi trận năm bảy chục, một trăm, mãi rồi máu ăn thua thấm dần vào người lúc nào không hay”.

Những ngày theo chân dân cá độ bóng đá tại các KCN, chúng tôi gặp nhiều công nhân ban ngày đi làm, ban đêm có mặt ở nhiều quán cà phê tham gia cá cược. Lúc thắng họ hớn hở cho rằng cá độ cũng là cách kiếm thêm tiền, nhưng lúc thua, họ đổ lỗi “tại xui” và rồi “thua keo này bày keo khác”. Cứ vậy, số tiền lương còm cõi họ vất vả kiếm được đều bị “đốt” theo quả bóng.

Trong căn nhà trọ nóng nực, chị Huệ (quê Hà Tĩnh) nước mắt ngắn dài: “Vợ chồng tui rời quê vào làm công nhân cho một công ty gỗ. “Vốn liếng” duy nhất là sức khỏe, vợ chồng lao vào làm việc với hy vọng có tiền lo cho con cái, nào ngờ chồng tui lại đem tiền “nướng” hết vào trái bóng. Nhiều đêm thua bạc, ông ấy về nhà la ầm ĩ khiến tôi rất xấu hổ với những người xung quanh”.

Vợ bầu bì không làm ra tiền, chồng thua bạc triền miên khiến cuộc sống gia đình chị cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Vì chồng thua bạc, ba cái Tết rồi chị không được về quê thăm con, và Tết năm nay cũng vậy.

Mong thắng đậm để đổi đời, nhiều lao động nghèo lao vào vòng xoáy cờ bạc để rồi đánh mất tất cả tiền bạc, nhân phẩm và hạnh phúc của chính mình.

Chiều 29/1, ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn các KCX, KCN trên địa bàn TPHCM cho biết, năm 2015, Ban thường vụ Công đoàn các KCX, KCN thành phố tiếp tục nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ cho công nhân lao động, ưu tiên nữ.

Bên cạnh đó là các hoạt động tăng cường hơn nữa công tác giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho chị em kết hợp với giáo dục chính trị, pháp luật như: Luật Lao động, Hôn nhân gia đình, Bình đẳng giới... Mở các lớp kỹ năng mềm cho nữ công nhân nhằm trang bị những kỹ năng ứng xử trong cuộc sống như: kỹ năng làm việc nhóm, lớp chuyên đề về những lợi ích và rủi ro từ internet, mạng xã hội, kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh thai... 

"Ban kiến nghị thành phố có chính sách cụ thể về xây dựng nhà văn hóa lao động tại các KCX, KCN thành phố từ nay đến năm 2030. Trước mắt, tập trung vào các KCX, KCN giáp ranh như Linh Trung I, Linh Trung II, Bình Chiểu...", ông Đô nói.

Đời 'mòn' của các thôn nữ bỏ làng đi làm công nhân

Bỏ mặc hơn 3 mẫu ruộng và đàn trâu cho cha mẹ và hai em, Khanh chân ướt, chân ráo ra Hà Nội từ lúc 18 tuổi làm công nhân.

http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=702&id=533190

Theo H.Văn - B.Anh/Công an TP HCM

Bạn có thể quan tâm