Thượng nguồn sông Hằng là một dòng trong suốt chảy từ dãy Himalaya. Tuy nhiên, trên hành trình qua các thành phố đang phát triển, các trung tâm công nghiệp, con sông linh thiêng từ nhiều năm nay phải hứng chịu ô nhiễm nặng nề. |
Được hàng tỷ tín đồ Hindu tôn thờ, là nơi cung cấp nước cho 400 triệu dân, "Đức Mẹ sông Hằng" đang "hấp hối", bất chấp hàng thập kỷ nỗ lực của chính phủ. |
Sông Hằng là một phần không thể tách rời của văn hóa Hindu cũng như cuộc đời mỗi tín đồ Ấn Độ giáo sùng đạo. Nhiều thế hệ người Ấn sinh sống, thực hiện mọi nghi lễ quanh con sông thiêng. |
Mỗi ngày, hàng nghìn người Ấn Độ ngâm mình và tắm gội cho các tượng thần trong dòng "nước thánh", với niềm tin nước thiêng sẽ rửa trôi mọi tội lỗi. Họ cũng uống nước sông và dùng nó để tưới tắm cây trồng. |
Dọc hai bờ sông Hằng, người dân tập yoga, khách hành hương tản bộ. Các gia đình hỏa táng thân nhân cạnh bờ biển, thả tro hoặc cả thi thể theo dòng nước, với hy vọng linh hồn họ sẽ tránh được bể khổ tái sinh luân hồi và sớm siêu thoát đến cõi vĩnh hằng. |
Khi sông Hằng mở rộng về phía nam, hướng về Vịnh Bengal, qua các thành phố và khu công nghiệp đang ngày một phát triển, dòng nước nguyên sơ chỉ còn là ký ức. Người ta khai thác đến kiệt quệ các tài nguyên và sục nước sông để phục vụ cho công nghiệp. |
Trải dài hơn 2.500 km qua những vùng đồng bằng đông dân cư phía bắc Ấn Độ, con sông bị "bức tử", không chỉ bởi chất thải công nghiệp, mà còn bởi thói quen sinh hoạt của người dân. Họ giờ đây cũng phải vật lộn hàng ngày với ô nhiễm, với rác rến chất chồng và những xác chết nổi lềnh bềnh. |
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã cam kết xây dựng nhiều nhà máy xử lý chất thải hơn và di chuyển trên 400 xưởng công nghiệp khỏi khu vực quanh sông, nhưng kế hoạch trị giá 3 tỷ đôla này vẫn đang bị trì hoãn. |
Có những đoạn sông nước chuyển sang màu đỏ quạch. Gần đó, người lao động chở hàng đống da trâu thuộc ngấm chất hóa học đổ vào gần bờ. Mọi chất bẩn bị đổ xuống lòng sông. |
Chỉ một phần tư số nước thải mỗi ngày chảy vào sông là được xử lý. Thành phố cổ kính Varanasi, một trong những địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hindu, là nơi con sông hứng chịu tình trạng tồi tệ nhất. |
Vùng nước chảy dưới chân cầu ở thành phố công nghiệp Kanpur trở nên xám đen. Chất thải công nghiệp và nước cống tạo thành đám bọt trôi nổi. |
Tại thành phố Kolkata với 14 triệu dân, người ta tắm giặt và đánh răng cạnh những đống rác cao ngất. Lò gạch và nhà máy nằm dọc theo bờ sông. Sông Hằng chết mòn vì ô nhiễm nhưng không ai, thậm chí cả những "đứa con" của nó, có thể làm được gì cho "Đức Mẹ" trong tương lai gần. |