Son Heung-min có lẽ là nạn nhân tiêu biểu nhất của vấn nạn miệt thị người châu Á diễn ra trong những ngày qua. Virus corona không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người dân châu Á, nó còn phơi bày khía cạnh xấu xí nhất của bóng đá Anh hay rộng hơn là bóng đá châu Âu: Nạn phân biệt chủng tộc.
Son Heung-min là nạn nhân tiêu biểu của phong trào miệt thị người châu Á vì virus corona. Ảnh: Getty. |
Từ Son Heung-min đến Takumi Minamino
Đội bóng chủ quản của Son Heung-min, Tottenham mấy ngày qua bỗng dưng trở thành tâm điểm vì đại dịch virus corona. Ngôi sao hàng đầu của họ, biểu tượng châu Á Son Heung-min nhận hàng loạt cuộc tấn công trên mạng xã hội.
Khi ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0 cho Tottenham trước Manchester City ở Ngoại hạng Anh, cầu thủ người Hàn Quốc bị nhiều CĐV tấn công trên mạng xã hội, tuyên bố anh là người Trung Quốc và có thể lây bệnh dịch virus corona cho người khác. Sốc hơn nữa khi có nhiều bình luận ác ý nhắm vào Son Heung-min đến từ chính những cổ động viên hâm mộ "Gà trống".
"Cút về nước đi, đồ gieo rắc bệnh tật ghê tởm", một cổ động viên bình luận vào trang cá nhân của Son Heung-min. Troll Fooball, một tài khoản nổi tiếng với hơn 1,1 triệu người theo dõi, còn có bài viết thể hiện thái độ miệt thị với ngôi sao người Hàn Quốc. "Khi bạn nhận ra Son là người Hàn Quốc, bạn nên tránh xa khi anh ta ho", tài khoản này viết.
Việc một cầu thủ nổi tiếng, tài năng và sức ảnh hưởng lớn như Son Heung-min không tránh khỏi miệt thị cho thấy thứ định kiến ghê gớm mà các cầu thủ châu Á phải chịu khi thi đấu ở châu Âu. Đại dịch virus corona chỉ là phương tiện giúp thứ định kiến đó bùng phát dữ dội hơn.
Bên cạnh Son Heung-min, Takumi Minamino cũng là một nạn nhân khác của vấn nạn này. Theo hãng thông tấn PA, có hàng trăm bài từ nhiều tài khoản khác nhau với những lời lẽ ác ý nhắm vào ngôi sao người Nhật. "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Minamino có thể lây cho đội hình Liverpool và các cầu thủ khác ở giải đấu", một CĐV bình luận.
"Đây là quãng thời gian đáng lo với cộng đồng người Trung Quốc ở Anh", Ged Grebby, một nhà hoạt động xã hội chia sẻ trên PA. Thực tế, không chỉ có các cầu thủ hay người Trung Quốc trở thành nạn nhân của nạn miệt thị chủng tộc vì virus corona ở Anh. Nhiều người phương Tây không thể phân biệt nổi đâu là người Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc.
Tiền vệ Dele Alli mới đây phải lên tiếng xin lỗi vì video miệt thị một người đàn ông châu Á ở sân bay Heathrow (Anh). Ảnh: Daily Mail. |
Scandal của Dele Alli
Không lâu sau khi Son Heung Min gặp nạn vì đại dịch virus corona, đến lượt người đồng đội ở Tottenham Dele Alli gây chú ý. Chỉ có điều, cầu thủ người Anh lần này không sắm vai nạn nhân.
Dele Alli được cho gửi một video miệt thị người châu Á khi đang trò chuyện cùng bạn bè trên mạng xã hội. Khi chứng kiến một người đàn ông nói giọng Trung Quốc ở sân bay Heathrow, Alli đeo khẩu trang và miệt thị người đàn ông nọ: "Corona kìa, hãy nghe ta nói đây".
"Bọn virus này phải nhanh lên nữa nếu muốn bắt được ta", tiền vệ người Anh nói tiếp, ám chỉ người đàn ông châu Á nói trên mang virus corona. Đoạn video được quay lại ở sân bay, trước khi tuyển thủ người Anh lên đường sang Dubai nghỉ đông.
Dele Alli sau đó gỡ đoạn video này, xin lỗi và "lấy làm hối tiếc" vì hành động nông nổi của mình. Tiền vệ người Anh thậm chí đăng lời xin lỗi lên mạng xã hội Weibo nổi tiếng của Trung Quốc. "Tôi đã nhận ra và ngay lập tức gỡ nó xuống. Thật đáng xấu hổ. Tôi đã làm chính bản thân và CLB thất vọng. Đó không phải điều đáng để đùa. Tôi gửi tất cả lời cầu nguyện của mình đến mọi người ở Trung Quốc", Alli viết.
Tuy nhiên, điều đó không ngăn nổi sự phẫn nộ của nhiều CĐV yêu bóng đá chân chính. Scandal của Dele Alli có thể chỉ là hành vi nông nổi của một cầu thủ "lắm tài nhiều tật". Thế nhưng, nó cũng có thể là minh chứng cho thấy vấn nạn phân biệt chủng tộc trong bóng đá Anh không dễ gì được dẹp bỏ trong một sớm một chiều.
Theo Guardian, ở mùa giải trước, có 152 vụ liên quan đến phân biệt chủng tộc được thông báo đến cảnh sát Anh và xứ Wales, tăng nhiều so với con số 97 vụ ở mùa 2017/18.
Bên cạnh Son, Minamino là một ngôi sao khác phải chịu bình luận ác ý giữa tâm bão virus corona. Ảnh: Getty. |
Những giọt nước mắt của Francesco Lin
Không chỉ ở Anh, đại dịch virus corona còn trở thành công cụ cho vấn nạn phân biệt chủng tộc bùng phát ở nhiều quốc gia châu Âu khác.
Tháng 1 vừa qua, trong trận đấu khai mạc giải mùa xuân của lứa tuổi 2006 tại Milan (Italy) giữa 2 CLB Idrostar và Ausonia, Francesco Lin, cầu thủ 13 tuổi gốc Trung Quốc của Idrostar, rời sân trong nước mắt vào cuối hiệp 2.
“Tao hy vọng mày cũng dính virus”, Lin kể lại lời một cầu thủ đối phương nói với anh. Thậm chí, sau khi Lin rời khỏi sân trong nước mắt, trọng tài không hề cho dừng trận đấu, HLV của CLB Ausonia cũng không gọi các cầu thủ của mình lại.
Wuhan Zall, đội bóng nằm ở tâm dịch tại tỉnh Hồ Bắc đi tập huấn nước ngoài từ ngày 2/1 và tình trạng sức khỏe của họ luôn được bảo đảm. Thế nhưng, kế hoạch tập huấn tại Tây Ban Nha của đội đang chơi ở Chinese Super League bị hủy hoại vì không có CLB nào đá giao hữu với họ.
HLV trưởng Wuhan Zall, ông Jose Gonzalez, cũng bày tỏ sự bức xúc trước nhiều quyết định vô lý của chính quyền thành phố Marbella, nơi ông các cầu thủ tập huấn. Ở vòng loại Olympic 2020 khu vực châu Á, tuyển nữ Trung Quốc bị cách ly khi tới Australia, bị buộc phải tập luyện trong hàng lang khách sạn ở Brisbane.
AC Milan gửi tặng Francesco Lin chiếc áo đấu có in số và tên với lời nhắn: "Lin là một trong số chúng ta, hãy chiến đấu chống lại nạn phân biệt chủng tộc". Ảnh: AC Milan. |
Những hành động đẹp
Các nhà làm bóng đá châu Âu đang nỗ lực chống lại tình trạng phân biệt chủng tộc, đặc biệt diễn ra với người châu Á trong bối cảnh dịch virus corona lan rộng.
Truyền thông Anh đưa tin LĐBĐ Anh (FA) đã gửi thư cho Alli về những phát ngôn của cầu thủ này trong đoạn video trên. Tiền vệ tuyển Anh đối mặt với án phạt nặng vì hành vi được cho là phân biệt chủng tộc.
FA thường quyết liệt với vấn nạn phân biệt chủng tộc ở xứ sương mù. Tháng 11/2019, tiền vệ Bernardo Silva bị treo giò một trận và nộp phạt 50.000 bảng chỉ vì một bài đăng trên mạng xã hội. Cầu thủ này đã so sánh đồng đội Benjamin Mendy với nhân vật được in trên bao bì của một loại chocolate.
Án phạt của FA sau đó bị nhiều thành viên Man City phản ứng dữ dội vì thực tế, Bernardo Silva chỉ đang trêu đùa người đồng đội thân thiết, chứ không có ý phân biệt chủng tộc gì cả.
Đầu tháng 2 vừa qua, George Reynold, một CĐV Brighton, bị kết án tù 8 tuần vì hành vi xúc phạm Son Heung-min trong trận đấu giữa Brighton và Tottenham diễn ra vào tháng 10/2019. Vào tháng 12, một CĐV của Chelsea cũng bị cảnh sát bắt vì hành vi phân biệt chủng tộc với Son.
Ở Serie A, CLB AC Milan gửi tặng Francesco Lin chiếc áo đấu của CLB có in số và tên của cậu bé với lời nhắn: "Lin là một trong số chúng ta, hãy chiến đấu chống lại nạn phân biệt chủng tộc".
Lời nhắn của AC Milan với Francesco Lin là thông điệp đầy biểu tượng cho cuộc chiến chống nạn phân biệt chủng tộc ở bóng đá châu Âu. Môn thể thao vua không bao giờ có thể bị phá hủy bởi những kẻ có ý đồ xấu.