Bình luận
Quyết tâm thay đổi của Solsa là rất rõ khi ông tiếp tục sử dụng hệ thống phòng ngự 3 trung vệ. Và ý tưởng của Solsa cũng bộc lộ đầy đủ khi ông dùng Rashford thay Cavani cũng như Pogba thay cho Fred. Không giống như 3-4-1-2 trước Tottenham, Solsa để Man Utd chơi 3-4-2-1 có thể hoán đổi thành 3-4-3 trong tấn công trước Atalanta. Và ý tưởng ấy đã vận hành như thế nào trên đất Italy?
Solsa chưa kiên định với lối chơi
Nếu trước Tottenham, Fernandes chơi hộ công ngay sau lưng cặp tiền đạo Ronaldo - Cavani và anh phát huy tốt vai trò của mình thì ở Atalanta, Fernandes phải san sẻ không gian với Rashford. Chính điều đó khiến Fernandes không thể bùng nổ như anh đã từng trước Tottenham.
Tất nhiên, cách chơi của Tottenham và Atalanta là khác nhau nhưng rõ ràng, khi không độc chiếm không gian sau lưng tiền đạo, Fernandes không thể ở đỉnh cao của chính mình.
Pogba được trao cơ hội. Ảnh: Reuters. |
Thực chất, việc Solsa đưa Pogba vào thay chỗ của Fred trong hệ thống 2 tiền vệ trung tâm là quyết định hướng tới ý tưởng tổ chức tấn công khác hẳn trận gặp Tottenham. Nếu trước Tottenham, Fred và McTominay quán xuyến toàn bộ trung tuyến và Fernandes hoạt động đa số ở trục dọc sau lưng cặp tiền đạo để làm cầu nối thì trước Atalanta, Man Utd vận hành khác.
Solsa muốn Pogba là cá nhân có thể dâng cao hơn McTominay để khi đó Fernandes cùng Rashford được chơi như 2 tiền đạo đối tác của CR7 trong sơ đồ 3-4-3.
Chính cách chơi này khiến Fernandes mất đi nhiều không gian sáng tạo của mình. Và chỉ khi anh lọt vào đúng không gian ưa thích của mình là trung lộ, ngay phía sau lưng của CR7, anh mới trở nên sinh động hơn hẳn. Pha gỡ hòa của Man Utd ở cuối hiệp 1 là minh chứng rõ rệt nhất. Đó chính là lúc Fernandes trở về với đúng không gian ưa thích và anh đột phá như một mũi nhọn ngầm để rồi kiến tạo cho CR7 bằng pha đánh gót rất điệu nghệ.
Trước Atalanta, Man Utd chơi vất vả hơn trước Tottenham rất nhiều nhưng cũng phải thừa nhận với hệ thống 3 trung vệ, họ chơi sáng nước hơn là lối 4-2-3-1 quen thuộc của Solsa. Dù bị Atalanta làm khó; dù vẫn còn những sơ hở sau lưng 2 biên thủ, mà chủ yếu là bên của Wan-Bissaka, Man Utd vẫn giữ được sự chặt chẽ tương đối. Lý do vài xộc xệch của họ có lẽ nằm ở chỗ các cầu thủ Man Utd vẫn cần thêm thời gian để nhuần nhuyễn hệ thống phòng ngự 3 trung vệ này.
Nhưng chính quyết định thay người của Solsa sau khi Varane chấn thương đã làm Man Utd mất đi cái chặt chẽ tương đối kể trên. Không còn Varane, Solsa vội vã quay trở lại với hệ thống phòng thủ 4 người và việc tổ chức lên bóng của họ cũng như dàn trận phản công của họ lập tức bị ảnh hưởng rất nhiều.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Solsa không dám kiên định với hệ thống phòng ngự 3 người? Đồng ý là Man Utd vẫn có kết quả hòa rất tích cực trên sân khách nhưng ai dám chắc nếu giữ nguyên hệ thống phòng thủ 3 trung vệ, Man Utd sẽ chỉ có thua mà thôi? Và cơ bản, chúng ta đừng vội nghĩ Man Utd không có nhân tố để tiếp tục chơi 3 trung vệ ở 52 phút còn lại của trận cầu.
Solsa có tiếp tục dấn thân với sơ đồ mới?
Cách đây đúng 1 năm, trên sân Parc des Princes, Man Utd đã thắng PSG một trận bùng nổ và lẫy lừng nhờ vào hệ thống 3 trung vệ với bộ 3 Luke Shaw - Lindelof - Tuanzebe chơi ngay trước mặt thủ thành De Gea.
Người thế chỗ Luke Shaw ở vị trí biên thủ trái chính là Telles. Và Telles có mặt ở Bergamo đêm 2/11 vừa rồi, trên băng ghế dự bị. Tại sao Solsa lại ngập ngừng với sơ đồ mới mà chính ông là người lựa chọn đến vậy khi Telles cho thấy anh hoàn toàn có thể lấp chỗ trống của Luke Shaw một cách an tâm như anh từng làm trước Villareal?
Bây giờ, trước mắt Solsa là derby thành Manchester cuối tuần này, với khả năng rất cao là ông không có cả Varane lẫn Lindelof. Nhưng nếu nhìn vào cách mà Bailly đã chơi trước Atalanta, chúng ta có thể an tâm nếu vận hành trong hệ thống 3 trung vệ, cầu thủ người Bờ Biển Ngà này sẽ phát huy được thế mạnh tranh chấp, kèm người của mình.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Solsa có tiếp tục dấn thân với sơ đồ mới này hay không, và có tiếp tục phát huy sở trường phản công hay không mà thôi? Chỉ sợ ông lại loay hoay trong tính toán của mình và đưa Man Utd trở lại với hình thái cũ và lại trông chờ vào các ngôi sao cứu tinh đúng theo kiểu may nhờ rủi chịu.
Ronaldo không thể mãi cứu Man Utd. Ảnh: Reuters. |
Một năm trước, sau trận thua 1-6 trước Tottenham, Man Utd hồi phục nhờ vào việc chuyển đổi sang hệ thống 3 trung vệ ở Paris. Nhưng sau đó là gì? Solsa không tiếp tục với sơ đồ đã cho tác dụng ấy nữa và kết cục là Man Utd bay khỏi Champions League ngay sau vòng bảng.
Trước ý tưởng mới, thử nghiệm mới, người ta chỉ từ bỏ khi ngay từ đầu nó bộc lộ luôn những thất bại tai hại mà thôi. Còn lại, dù chưa cho kết quả tốt nhất đi nữa, người thử nghiệm rất cần kiên định và nhẫn nại chỉnh sửa. Là một chiến lược gia tầm cỡ như Pep Guardiola, loay hoay tính toán quá kỹ còn nhiều lúc hỏng chuyện huống hồ gì một cá nhân chưa thành công trong làng huấn luyện như Solsa.
Muốn cải cách, dứt khoát không thể rụt rè, không thể ngập ngừng, Solsa cần kiên định nếu ông muốn chiếc ghế của mình được xây bằng sự nể phục từ khách quan. Còn nếu ông vẫn vững tin Ronaldo sẽ tiếp tục cứu được mình, thì có lẽ niềm tin ấy cũng khó có thể lâu bền.
Tuổi 36 của Ronaldo sẽ có những hạn chế rất lớn của nó trong khi mùa giải khắc nghiệt còn kéo dài. Mà nói thật, cứu mãi rồi cũng nản lòng thôi bởi tham vọng của danh thủ như CR7 là chinh phục chứ không phải chỉ đi “cứu thầy”.