Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Solskjaer quá hiền, còn Ronaldo là gánh nặng

Ole Gunnar Solskjaer có thể ổn định được phòng thay đồ của MU. Nhưng để giúp CLB nâng tầm, ông còn những hạn chế nhất định.

Phân tích

MU Liverpool vong 9 Ngoai hang Anh anh 1

Solskjaer đến Old Trafford làm việc với tư cách HLV vào tháng 12/2018. Mọi người nghĩ rằng ông sẽ làm ổn định con tàu đang tròng trành, trong khi ban lãnh đạo tìm kiếm thuyền trưởng có năng lực cao, đưa đội bóng lên một nấc thang mới.

Dự kiến ban đầu với Solsa là 6 tháng. Nhưng bây giờ đã gần 3 năm, với khoảng 400 triệu bảng chi vào thị trường chuyển nhượng. Vậy Solsa có làm tốt không?

Câu trả lời là có, thậm chí khá ngoạn mục. Ông giúp MU trở lại Champions League, từng bước cải thiện vị trí, và mùa vừa qua là á quân Premier League.

Solsa đưa đội bóng đến một không khí thanh bình, nơi bản thân được các cầu thủ, nhân viên và các CĐV quý mến. Chiến lược gia người Na Uy giúp các cầu thủ chơi tốt hơn. Nhưng ông không có khả năng đưa họ cũng như CLB đến chỗ tốt nhất.

Để đưa một đội bóng từ trung bình lên khá, hoặc từ khá lên tốt, cần HLV được lòng người và cần mẫn. Solsa làm được. Nhưng để đưa một đội từ tốt lên vĩ đại, đòi hỏi ở người HLV nhiều hơn thế. Solsa thiếu kỹ năng và sự tưởng tượng để làm điều đó.

Ông có thể làm tốt với đội bóng nhỏ hoặc với CLB lớn trong giai đoạn ngắn, như dự định ban đầu của MU, là 6 tháng. Hoặc thuyền trưởng này có thể gắn bó với CLB tầm 18 tháng, nhưng không thể lâu hơn.

Solsa có phải hiền tài không? Đầu tiên, ông rất hiền. Nhưng để xét về tài năng, chiến lược gia này còn thiếu rất nhiều hoặc chỉ ở mức độ nhất định. Điều đó khiến Solsa chưa xứng với một đội có tham vọng lớn như MU.

MU Liverpool vong 9 Ngoai hang Anh anh 2

Solsa đứng trước nguy lớn bị MU sa thải, sau thất bại 0-5 trước Liverpool ở vòng 9 Premier League mùa 2021/22. Ảnh: Reuters.

Solsa thiếu 3 yếu tố cơ bản

Một chính trị gia hay nhà cầm quân giỏi có tài thao lược gộp đầy đủ về mặt tư tưởng, tổ chức và vận hành. Bóng đá hay bất kỳ ngành kinh doanh nào đều ở mức độ thấp hơn một quốc gia, nhưng tố chất với người đứng đầu vẫn không thay đổi.

Với HLV bóng đá, tư tưởng chính là triết lý, cách suy nghĩ về bóng đá. Ở Jurgen Klopp, đó là “cường độ”, còn Pep Guardiola là “giữ bóng”. Solsa không có triết lý đặc trưng như vậy, hoặc vẫn đang tìm kiếm. Ông chưa đứng vào chung đẳng cấp với những người đồng nghiệp kể trên.

Về tổ chức nhân sự, ban huấn luyện là những người cũ, Solsa không tham gia lựa chọn. Một số cầu thủ đến Old Trafford dưới thời của ông như Harry Maguire chỉ ở dạng khá, còn Wan Bissaka thì tầm thường. Donny Van De Beek không biết đến CLB để làm gì và phục vụ mục đích ra sao. Khi triết lý bóng đá không rõ ràng, ý đồ xây dựng đội hình mơ hồ, dẫn đến việc chiêu mộ tân binh cũng rối ren.

Mùa hè này, các CĐV và chuyên gia đều nhất trí MU cần một tiền vệ trụ đẳng cấp cao nhất. Nhưng cuối cùng, các vị trí chưa thật cần lại có người về là Raphael Varane, Jadon Sancho và ngạc nhiên nhất là Cristiano Ronaldo.

MU không hề có suy nghĩ gì đến CR7 đến khi Juvetus quyết định phải dứt bỏ cầu thủ này, để giải quyết quỹ lương bị thâm hụt quá lớn. Trước đó, Manchester City quan tâm đến CR7 bởi họ thất bại trong vụ Harry Kane và không có trung phong thực thụ.

Solsa cũng chẳng nghĩ đến CR7 vì trong tay ông có tới 4 cầu thủ có thể đá trung phong. Nhưng Sir Alex Ferguson tác động. Phần còn lại, như người ta vẫn hay gọi, đã là lịch sử.

Solsa cũng chấp nhận Ronaldo vì ông quá hiền, không muốn mích lòng người khác. Có siêu sao người Bồ Đào Nha, về lý thuyết, rất tốt. Nhưng để huấn luyện tên tuổi 36 này không dễ dàng.

Cách Pep từ chối CR7 và Solsa nhận CR7 cho thấy đẳng cấp huấn luyện của họ cách biệt nhau lớn. Pep có triết lý, đường hướng xây dựng đội bóng rõ ràng, kiên quyết không nhận về người có thể phá vỡ kết cấu được định hình sẵn. Còn Solsa, vì không có triết lý và định hình, nên ông trở thành “thợ hàn”, loay hoay với những tân binh không mong muốn.

Điều thứ ba là vận hành đội bóng. Điểm yếu nhất của Solsa là trên sân tập. Trên mạng xã hội, nhiều người giễu ông chỉ là “giáo viên thể dục”, khi không có những mảng miếng rõ rệt trong cách chơi của MU. Đại diện thành Manchester giống “sự cộng gộp của những cá nhân xuất sắc hơn là một đội bóng xuất sắc”.

Đội bóng vốn đã thiếu nay lại càng bị phá vỡ về mặt cân bằng hơn khi có sự xuất hiện của Ronaldo, tiền đạo lười chạy nhất Premier League, theo thống kê chỉ có trung bình 2,7 pha bóng thực hiện pressing lên hậu vệ đối phương trong 90 phút.

MU Liverpool vong 9 Ngoai hang Anh anh 3

Việc Ronaldo lười pressing ảnh hưởng lớn đến lối chơi MU. Ảnh: Reuters.

CR7 là một thứ gánh nặng

Dường như cả thế giới bị lừa bởi cơ bắp cuồn cuộn của CR7 ở tuổi 36 và các kỷ lục bàn thắng của anh, mà quên đi việc cầu thủ này lười tranh bóng. Ngày trước, CR7 tỏa sáng ở MU là nhờ sự phục vụ của Wayne Rooney, Carlos Tevez, Park Ji Sung.

Sau này tại Real Madrid, CR7 có sự tận tụy hết mình từ Karim Benzema. Khi anh ra đi, tất cả đối tác của anh đều chơi hay hơn, vì được giải phóng. Benzema là ví dụ.

Bóng đá hiện tại rất coi trọng việc dâng cao gây sức ép lên hàng thủ đối phương, ngay khi phát triển đường bóng mới ở sân nhà, hay vừa để mất bóng trên phần sân đối phương. Các đội bóng lớn như Real Madrid, Man City, Liverpool, Chelsea giỏi nhất ở khâu này. Đặc biệt là Liverpool vì lối chơi này trước tiên được Klopp phát triển.

Liverpool gắn thêm hai chữ “cường độ” vào lối chơi như trên. Họ đá cho hàng thủ MU không kịp thở cũng như tìm được chỗ chuyền bóng, và luống cuống đến nỗi 3, 4 hậu vệ dính với nhau mỗi khi Liverpool ghi bàn.

MU gần như không có khái niệm pressing tầm cao, quá lạc hậu so với thời đại. Đã vậy, họ còn gánh thêm một trung phong lười tranh chấp như CR7.

Điểm mấu chốt của việc dâng cao gây sức ép là đồng bộ, cả 6 cầu thủ ở hai tuyến, thậm chí cộng với 2 hậu vệ biên nữa là thành 8 cùng ập vào các hướng có thể triển khai bóng của đối thủ. Liverpool làm điều đó, khiến MU rối loạn.

Đằng này, CR7 phía trên đủng đỉnh, trong khi Paul Pogba cũng vậy. Bruno Fernandes mệt mỏi vì phải gồng gánh quá nhiều, còn Marcus Rashford, Mason Greenwood, Sancho khả năng tranh chấp yếu.

Điều đó giúp hàng thủ đối phương tha hồ phát triển bóng, Ngay cả những đội như Wolves, Southampton, Leicester cũng gây được sóng gió cho MU. Nhưng phân tích ấy chỉ ra điểm yếu của Solsa là trên sân tập.

Nếu phải chỉ tên cầu thủ tấn công nào chăm chỉ nhất của MU trong khâu pressing, có thể lôi kéo các vệ tinh xung quanh mình tranh bóng không mệt mỏi, đó là Edinson Cavani, người bị mất vị trí vào tay CR7.

MU Liverpool vong 9 Ngoai hang Anh anh 4

Zidane là một trong những ứng viên hàng đầu có thể thay Solsa ở MU. Ảnh: Reuters.

Sa thải Solsa có dễ?

Suốt 3 năm qua, người MU, bao gồm CĐV, ban lãnh đạo, cầu thủ, sống trên ảo tưởng rằng mọi thứ cuối cùng sẽ tốt đẹp lên. Họ tự ru ngủ mình bởi một số kết quả và màn trình diễn thất thường.

Lối chơi của "Quỷ đỏ" mờ nhạt, thiếu mạch lạc, không cân bằng, nhưng lại có 29 trận bất bại trên sân khách ở Premier League. Đôi lúc, MU chơi rất nhạt nhòa và rồi bùng lên một trận khá hay, làm mọi người hy vọng.

Họ không kiểm soát được trận đấu từ đầu, để thua trước, sau đó ghi khá nhiều bàn vào 10 phút cuối mỗi trận đấu để gỡ hòa và thắng ngược. Người MU quay ra tự bảo với nhau rằng “đội bóng tìm thấy được DNA dưới thời Sir Alex”.

Bằng cách nào đó, họ luôn tìm ra lý do để tự thuyết phục họ rằng CLB đang đi đúng đường.

Điệu ru này sẽ đến lúc nhàm tai. Nếu gỡ kính hồng ra khỏi mặt, các CĐV MU sẽ nhìn thấy ngay một thực tế: từ đầu mùa, họ chỉ chơi 2 trận tốt. Một là khi thắng Leeds với tỷ số 5-1 ngày đầu mùa bóng và hai là đánh bại ứng cử viên xuống hạng số một Newcastle với tỉ số 4-1.

Đến lúc những người có lý trí phải tính đến việc giữ lại Solsa hay không. Sa thải nhà cầm quân này có phải chuyện dễ?

Câu trả lời là không. Solsa được lòng tất cả, kể cả ban lãnh đạo, và họ cũng chưa đủ lý do để sa thải ông.

Các CĐV thì vẫn còn mơ tưởng về việc Solsa sẽ tái lập thời đại huy hoàng của Sir Alex. Trên lý thuyết, chiến lược gia người Na Uy tạo ra một cái vỏ “gia đình” như thời Sir Alex. Ông góp phần đoàn kết mọi người, công thần, huyền thoại, cựu cầu thủ, tân binh, nhân sự cũ.

Nhưng cuối cùng, điều đó không thể thay được giá trị cốt lõi là chất lượng chơi bóng trên sân.

Nếu chỉ để mọi người vui vẻ, Solsa nên làm một công việc ngoại giao, hay giữ vị trí Giám đốc Thể thao không chịu trách nhiệm lớn về kết quả thi đấu, chứ không thể làm HLV.

Ở thời của Sir Alex, mọi thứ cần thời gian để cố kết đội bóng, nuôi dưỡng tài năng trẻ. Còn hiện tại, muốn thành công, CLB cần sự sắc sảo, tài năng, tưởng tượng và thao lược như các HLV Klopp, Pep Guardiola, hay Thomas Tuchel.

Sir Alex nổi danh với biệt hiệu “máy sấy tóc”, người hét được vào mặt các cầu thủ trẻ như David Beckham. Ông có cái uy rất lớn, "trị" thành công những cầu thủ rắn hơn như Eric Cantona, Paul Ince, Roy Keane.

Solsa liệu có dám hét cầu thủ?

Vấn đề của Solsa là bi kịch của chiến lược gia quá hiền. Ông chỉ đủ năng lực để giữ ổn định cục diện đến mức nào đó, không thể phát triển xa được.

Dùng người hiền cũng có cái khó đối với các ông chủ. Sa thải chiến lược gia tài vì đạo đức bao giờ cũng dễ hơn so tài "loại bỏ" người hiền vì năng lực.

Ai chịu trách nhiệm cho thảm bại của MU? Chuyên gia John Dykes của Fox Sports châu Á cho rằng huấn luyện viên Ole Solskjaer, các cầu thủ và giới chủ Man United đều có lỗi trong trận thua Liverpool 0-5 ở Premier League.

Man Utd thảm bại vì một giấc mơ hời hợt

Không có nỗi hổ thẹn nào lớn hơn đối với cổ động viên của Man Utd khi ngay giữa thánh địa Old Trafford, một cầu thủ Liverpool và đội bóng này lại đi vào lịch sử.

Điểm nóng ở trận MU gặp Liverpool tại Ngoại hạng Anh

Trước đại chiến ở vòng 9 Premier League, khu vực cánh có sự góp mặt của Luke Shaw và Trent Alexander-Arnold sẽ là hướng tấn công chủ đạo trong trận đấu giữa MU và Liverpool.

Ronaldo thua xa Salah tại Premier League mùa này

Ở tuổi 36, Cristiano Ronaldo không tạo ra quá nhiều ảnh hưởng. Trong khi đó, Mohamed Salah đang là ngôi sao tấn công toàn diện nhất tại Premier League.

Chính Phong

Bạn có thể quan tâm