'Sói đội lốt cừu' ở Biển Đông
Theo tờ Enegy Tribune, tham vọng độc chiếm của Trung Quốc với tài nguyên dầu khí ở Biển Đông và Hoa Đông đã rõ ràng và nước này đang áp dụng chiến thuật “giả bộ hiền lành” nhằm từng bước thực hiện tham vọng.
Gây hấn khắp nơi
Khép lại một năm 2012 đầy sóng gió của châu Á, Trung Quốc đã “xông đất” cho năm 2013 bằng một loạt những chuyến bay "tuần tra" quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và buộc Nhật Bản phải cho máy bay tiêm kích F-15 xuất kích. Biển Hoa Đông phập phồng trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. |
Sự kiện này khiến nhiều người nhớ đến sự kiện tàu chiến Philippines đụng độ với tàu hải giám Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough hồi tháng 4/2012. Căng thẳng giữa 2 nước đã lên tới gần như đỉnh điểm trong suốt 2 tháng trước khi Philippines chấp nhận rút tàu khỏi khu vực tranh chấp trong khi tàu Trung Quốc vẫn ở lại.
Cũng tại Biển Đông, từ nhiều năm nay Trung Quốc vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, liên tục có những hành động khiêu khích, phá hoại cũng như gây chia rẽ giữa các nước ASEAN, gây quan ngại đối với cộng đồng quốc tế.
Nhưng dường như những việc này vẫn là “chưa đủ” nên ngày 31/12/2012, Trung Quốc đã tuyên bố đưa thêm 2 tàu khu trục gia nhập đội tàu hải giám của nước này với ý đồ tăng cường sức mạnh trong các hoạt động nhằm “khẳng định” tuyên bố chủ quyền của họ. Một trong 2 chiếc tàu này sẽ được giao nhiệm vụ “tuần tra” trên biển Hoa Đông quang khu vực Senkaku/Điếu Ngư. Mới đây nhất, một chiếc khinh hạm hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc cũng đã được phiên chế vào hạm đội Nam Hải, hành động khiến các nước Đông Nam Á vô cùng quan ngại.
Chính xác thì Trung Quốc muốn gì sau hàng loạt những hành động này? Chẳng cần phải mất nhiều công phân tích người ta vẫn có câu trả lời khá rõ ràng: Trung Quốc đang tỏ ra quyết liệt để kiểm soát cả Biển Đông và Hoa Đông nhằm chiếm quyền khai thác nguồn tài nguyên dầu khí được cho là còn khá dồi dào tại các vùng biển này, bất chấp cộng đồng quốc tế lo lắng, Mỹ quan ngại còn cả châu Á đều đang rung lên những hồi còi báo động.
Hầu hết tàu hải giám của Trung Quốc là tàu chiến được hoán cải nhằm chiếm thế thượng phong trước tàu tuần tra - bảo vệ bờ biển của các quốc gia khác trong các cuộc quấy rối, gây hấn trên biển. |
“Sói đội lốt cừu”
Nhưng chuyên gia Chayut Setboonsarng, của Viện nghiên cứu CIMB ASEAN cho rằng đó thực ra chỉ là một thủ đoạn tầm thường. “Điều lớn nhất mà Trung Quốc có thể làm với Manila là dọa nạt họ. Hãy nhìn vào những hành động mà họ đã làm với Philippines trong năm ngoái sẽ thấy. Chỉ cần Trung Quốc làm điều gì đó mạnh hơn hành động dọa dẫm, bắt nạt, toàn bộ những gì nước này cam kết với ASEAN về một Trung Quốc trỗi dậy hòa bình và “giữ gìn quan hệ thân thiết với ASEAN” sẽ bị phủ nhận hoàn toàn và lúc đó, tự nhiên các nước Đông Nam Á sẽ liên kết chặt chẽ với nhau để chống lại Trung Quốc”, Setboonsarng phát biểu trên tờ Energy Tribune.
Còn Giáo sư Carlyle Thayer – một chuyên gia về chính trị Đông Nam Á của Học viện Quốc phòng Australia lại cho rằng đó là những bước đi khá nham hiểm. “Họ hoán cải và chuyển đổi các tàu chiến của quân đội thành tàu hải giám và qua đó làm mờ đi ranh giới đâu là tàu dân sự, đâu là tàu quân sự và đó là điểm mấu chốt giúp biến những chiếc tàu hải giám thành một lực lượng bán vũ trang”, Giáo sư Thayer nói.
Cũng theo ông Thayer, trên thực tế thì các tàu hải giám của Trung Quốc có sức mạnh hơn hẳn chiếc tàu chiến của Philippines đụng độ với họ hồi năm ngoái tại bãi cạn Scarborough nhưng vì là tàu hải giám nên Trung Quốc vẫn có thể “lu loa” rằng Philippines “gây hấn” khi triển khai tàu chiến lớn nhất của nước này tới Scarborough nhằm tuyên truyền và kích động dư luận Trung Quốc và quốc tế để từ đó dễ bề leo thang bằng các hành động khác. Con tàu mà Trung Quốc gọi là “lớn nhất Philippines” ấy thực chất chỉ là một tàu tuần duyên cũ của Mỹ được tân trang lại nhưng đã bị tháo gỡ hết các loại vũ khí hạng nặng.
“Lực lượng hải giám hiện nay và trong tương lai sẽ vẫn là nhóm đối đầu chính với các tàu tuần duyên của Philippines hay Việt Nam. Trung Quốc đã rất thâm hiểm khi sử dụng lực lượng bán vũ trang để lấn tới trong các tuyên bố chủ quyền của họ”, ông Thayer bình luận với tờ Energy Tribune.
Chuyên gia Setboonsarng nhận định rằng các hành động vừa qua của Trung Quốc thực ra là chuỗi hoạt động “thể hiện mình không yếu đuối” của thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc đồng thời cũng thông qua các hành động này, hải quân Trung Quốc muốn “nhắn nhủ” các lãnh đạo mới rằng họ cần một nguồn ngân sách lớn hơn nữa cho các nhiệm vụ trong tương lai.
“Việc bổ sung các tàu khu trục vào đội tàu hải giám chính là một sự minh họa rõ ràng nhất của câu nói ‘sói đội lốt cừu’ trong dân gian”, ông Carlyle Thayer phát biểu.
Một ví dụ khác cho thấy Trung Quốc đang “đội lốt cừu” là hôm 31/12//2012, Bộ Ngoại giao nước này đã lên tiếng giải thích về quy định “cho phép cảnh sát biển có thể chặn, dừng, khám xét, bắt giữ tàu thuyền nước ngoài thâm nhập vào lãnh hải” mà chính quyền tỉnh Hải Nam đã công bố trước đó. Theo đó, quy định này chỉ áp dụng đối với vùng biển có phạm vi 12 hải lý từ đường bờ biển của tỉnh Hải Nam.
Nhưng điều quan trọng hơn là Trung Quốc vẫn tỏ ra rất mơ hồ và lập lờ trong việc có coi các vùng biển đang có tranh chấp là “lãnh thổ” của tỉnh Hải Nam hay không. Hồi giữa năm 2012, Trung Quốc đã cho thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” (trực thuộc tỉnh Hải Nam) trong đó gộp cả những quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam như Hoàng Sa, Trường Sa hay khu vực bãi Cỏ Rong, bãi cạn Scarborough của Philippines nên sự giải thích có vẻ như rất “minh bạch và thiện chí” này của Trung Quốc cũng chỉ là hành động “giả ngây thơ” nhằm trấn an các nước Đông Nam Á.
Nhật Bản đã phải cử tiêm kích F-15 ra Senkaku để xua đuổi máy bay Trung Quốc. |
Theo ông Setboonsarng, chính sự mơ hồ trong các tuyên bố này đã tạo ra cho Trung Quốc một “không gian linh hoạt” để họ có thể tiến – lùi trong từng giai đoạn và từng bước từ từ hiện thực hóa việc chiếm đoạt Biển Đông từ tay các nước ASEAN.
“Dù gì thì Trung Quốc cũng sẽ vẫn tiếp tục đeo mặt nạ và tiếp tục làm những gì mà họ đang làm ở Biển Đông mặc dù nước này cũng rất không muốn ASEAN lâm vào tình trạng bất ổn”, ông Setboonsarng kết.
Theo Infonet