Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Sợi dây kinh nghiệm cứ rút năm này qua năm khác'

Chủ tịch Quốc hội đồng ý với tờ trình đề xuất lấy nguồn vốn trái phiếu để đền bù cho dự án hồ Tả Tạch và nhắc nhở "sợi dây kinh nghiệm cứ rút năm này qua này qua năm khác".

Ngày 16/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án không thực hiện được chủ trương “đất đổi đất”, trong đền bù giải phóng mặt bằng về di dân tái định cư vì quỹ đất lâm nghiệp ở các lâm trường, tổ chức của tỉnh Thừa Thiên Huế có hạn.

Do đó, Chính phủ đề xuất sử dụng 77,4 tỷ đồng trong số 150 tỷ đồng vốn trái phiếu dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án hồ Tả Trạch để đền bù cho các hộ dân, nhằm xử lý dứt điểm việc khiếu kiện kéo dài (10 năm).

Qua thảo luận, đa số ý kiến thành viên đánh giá dự án hồ Tả Trạch rất quan trọng, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nhưng thời gian qua, hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư vẫn còn chưa xử lý được khoản đổi đất nông nghiệp cho dân dẫn tới khiếu kiện kéo dài.

Các thành viên cũng nhất trí với quan điểm không làm cho dân thiệt thòi khi thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội chỉ đạo dùng các nguồn lực đền bù cho dân.

Trong tờ trình, Chính phủ xin rút kinh ghiệm về dự án kéo dài này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: "Sợi dây kinh nghiệm cứ rút năm này qua tháng khác. Xin nói rõ đây là 2 hợp phần khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một cái tên là hồ Tả Trạch. Đây vẫn là tiền nhà nước, việc sử dụng tiền phải minh bạch, chứ không phải lấy cái này đưa qua cái kia, rồi lấy cái kia đắp qua cái khác”.

Chinh phu rut kinh nghiem lan nua anh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc xử lý dứt điểm tồn tại thì Chính phủ phải có trách nhiệm lo cho dân. “Liên quan tới giải quyết cho dân nên đồng ý đề xuất, cho Chính phủ tiếp tục rút nghiệm một lần nữa đối với vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị phải giải quyết cho dân chứ không thể kéo dài nữa. “Bao hộ dân sẽ ở đâu, sinh hoạt ăn ở ra sao? Tôi quan tâm chuyện đó hơn là bỏ tiền ra. Đưa tiền cho dân rồi thì có yên dân chưa, ổn định cuộc sống chưa, có nghề nghiệp chưa?”, ông Tỵ nói.

Ông Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, đề xuất được chấp nhận thì tạo tiền lệ cho dự án khác. Tuy nhiên, ông cũng đồng tình với Chủ tịch Quốc hội là phải lo cho dân.

"Quyết thì phải quyết nhưng có triệt để hay không thì phải tính toán, chứ nếu không mai kia lại khó khăn, dân tiếp tục khiếu kiện vì không có nhà ở, nghề nghiệp, lại gây hậu quả tiếp theo. Cứ rút kinh nghiệm mãi thế này thì cũng rất gay”, ông Tỵ lo ngại.

Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan đến dự án phải rút kinh nghiệm nghiêm khắc để không xảy ra tình trạng như vừa rồi. 

 

 



Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm