“Quỳnh làm giúp tớ một cái generic KV nhé, deadline là 16h ngày mai”.
“Generic KV là gì thế hả cậu, tớ chưa hiểu lắm”.
“Không hiểu lắm” là điều Diễm Quỳnh (21 tuổi, Hà Nội) thốt ra mỗi khi trao đổi với đồng nghiệp của phòng ban khác - những người thường xuyên sử dụng các biệt ngữ tiếng Anh khi làm việc. Sau khi hỏi về “generic KV”, Quỳnh vẫn không hiểu đó là gì vì đồng nghiệp tiếp tục giải thích cho cô bằng những lời nửa tiếng Anh, nửa tiếng Việt.
Dù trình độ tiếng Anh ở mức khá, Quỳnh vẫn cảm thấy bản thân khó thích nghi với kiểu nói chuyện này. Đôi lúc, cô cảm thấy mình “như người ngoài hành tinh” vì không hiểu sếp và đồng nghiệp muốn truyền tải thông điệp gì.
Công việc bị ảnh hưởng vì không hiểu ý đồng nghiệp
Diễm Quỳnh hiện là nhân viên thiết kế đồ họa cho một doanh nghiệp tại Hà Nội. Trao đổi với Tri thức trực tuyến, cô gái 21 tuổi cho biết khi làm việc với đồng nghiệp chung nhóm, cô không gặp nhiều vấn đề trong giao tiếp vì mọi người trao đổi khá rõ ràng. Hơn nữa, những người chung chuyên môn có thể hiểu ý nhau nhanh hơn.
Tuy nhiên, mỗi lần phải kết nối với đồng nghiệp ở phòng ban khác, Quỳnh lại cảm thấy “sốc văn hóa” vì mọi người thường dùng biệt ngữ tiếng Anh, viết tắt các từ trong tiếng Anh hoặc dùng những từ khó, từ lạ cô chưa từng thấy.
Ví dụ, một lần Quỳnh được nhắc trao đổi với giám đốc sáng tạo (creative director) để nhận phần việc mới, nhưng đồng nghiệp lại viết tắt là “chị CD”. Do công ty có một nhân viên cũng có tên viết tắt là CD nên Quỳnh hiểu sai ý của đồng nghiệp và liên hệ nhầm người.
Lần khác, một đồng nghiệp nhắn vào nhóm chung của công ty, nhắc mọi người chuẩn bị “họp WIP”. Hồi đó, Quỳnh mới vào công ty làm việc, nhóm của cô cũng không thường xuyên dùng cụm từ này nên cô không hiểu “họp WIP” nghĩa là gì. Đến khi hỏi sếp, cô mới hiểu WIP là viết tắt của work in progress, “họp WIP” nghĩa là họp để cập nhật tiến độ những đầu việc đang tiến hành.
Không chỉ ảnh hưởng công việc, đôi khi, Diễm Quỳnh cảm thấy khá mất tự nhiên khi nghe hoặc đọc những dòng tin nhắn Anh - Việt lẫn lộn từ đồng nghiệp. Thậm chí, nhiều đồng nghiệp dùng tiếng Anh lúc giao tiếp nhưng viết sai hoặc không thực sự hiểu từ đó nghĩa là gì.
Quỳnh lấy ví dụ một đoạn tin nhắn cô nhận được từ đồng nghiệp như sau: “Mình suggest mỗi tuần sẽ có một report để báo cáo deliverable. Leader sẽ take note trên file để mọi người aware những lỗi đang mắc phải, đồng thời thấy được sự improve của mỗi người”.
“Những lúc đọc được tin nhắn như vậy mình lại bật cười vì cảm thấy rất kỳ quặc. Tách riêng từng từ mình có thể hiểu ngay nhưng khi ghép vào câu tiếng Việt, những từ đó lại trở nên khó hiểu, thiếu tự nhiên và đôi khi khiến người khác mất thời gian để đọc và hiểu”, Quỳnh nêu quan điểm.
Chung tình trạng với Diễm Quỳnh là Phạm Chi (22 tuổi), nhân viên tại một công ty tài chính ở Hà Nội. Cô gái cho biết phòng ban cô làm việc có sếp là Việt kiều, thường xuyên nói chuyện nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt nên nhân viên cũng bị ảnh hưởng.
Chi cho biết những từ và cụm từ tiếng Anh đồng nghiệp cô thường sử dụng khi làm việc là FYI (for your information - thông tin cho bạn biết), go-live (cột mốc quan trọng của dự án), rollback (hủy các thay đổi trên cơ sở dữ liệu), think outside the box (tư duy đột phá)...
Không chỉ ảnh hưởng cách viết tin nhắn, email, nhiều người trong công ty của Phạm Chi còn bị ảnh hưởng cách phát âm tiếng Anh nặng khẩu âm tiếng Pháp của sếp.
“Mọi người trong công ty hay nói resource là ‘rì suộc’ hay retail là ‘rí tèo’ trong khi những từ đó hoàn toàn có thể dịch ra tiếng Việt. Hồi đầu mới vào công ty, mình nghe không hiểu, cứ ù ù cạc cạc nhưng không dám hỏi. Đi làm một thời gian, mình nghe nhiều rồi những từ đó tự ngấm vào đầu rồi tự hiểu luôn”, Chi tâm sự.
Thuật ngữ công sở đang bị lạm dụng
Diễm Quỳnh và Phạm Chi chỉ là hai trong số rất nhiều lao động trẻ cảm thấy không thoải mái với những thuật ngữ, biệt ngữ nơi làm việc. Mới đây, Duolingo cùng LinkedIn đã thực hiện một khảo sát toàn cầu với chủ đề “Thói quen sử dụng thuật ngữ nơi làm việc”.
Khảo sát được thực hiện tại một số thị trường lao động trọng điểm như Mỹ, Anh, Australia…, trong đó có cả Việt Nam. Tại Việt Nam, khảo sát được thực hiện với 1.004 người lao động người Việt trong độ tuổi 18-76, vào ngày 11-18/5/2023.
Kết quả, trong số tám quốc gia được khảo sát, Việt Nam đứng thứ hai về số lượng người lao động cho rằng đồng nghiệp của họ lạm dụng thuật ngữ công sở (khoảng 75,8%). Những người thuộc thế hệ Millennial (gen Y) được cho là sử dụng nhiều nhất.
Theo khảo sát, các thuật ngữ công sở phổ biến nhất ở Việt Nam là networking (xây dựng các mối quan hệ), win-win (đôi bên cùng có lợi), follow up (bám sát công việc), và ASAP (as soon as possible - càng sớm càng tốt).
Bên cạnh đó, những thuật ngữ được cho là khó hiểu nhất bao gồm: FYI (for your information - thông tin cho bạn biết), KPI (key performance indicator - chỉ số đo lường hiệu quả công việc), low-hanging fruit (mục tiêu dễ đạt được), SOW (scope of work - phạm vi công việc hoặc statement of work - báo cáo công việc) và by EOD (by end of day - vào cuối ngày làm việc).
Ước tính, khoảng 40% nhân viên văn phòng tại Việt Nam cho biết họ hầu như không nhận ra mình đang sử dụng chúng, 74% chia sẻ rằng họ sử dụng các thuật ngữ tiếng Anh trong cả công việc và cuộc sống hàng ngày vì họ không biết cách dịch sang tiếng Việt.
Duolingo và LinkedIn hỏi người tham gia khảo sát cảm thấy thế nào khi có đồng nghiệp sử dụng nhiều thuật ngữ công sở, câu trả lời phổ biến nhất là sử dụng thuật ngữ giúp công việc hiệu quả hơn và giúp việc giao tiếp trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên, số khác cũng cho rằng các thuật ngữ công sở này không tạo ra một môi trường hòa nhập và có thể làm quá trình giao tiếp phức tạp hơn.
Theo thống kê của hai tổ chức này, khoảng 68,4% người làm khảo sát cho biết họ đã hiểu sai hoặc mắc lỗi sai trong công việc do sử dụng sai hoặc không biết ý nghĩa của các thuật ngữ. Ngoài ra, việc hiểu sai thuật ngữ tại nơi làm việc đã dẫn đến việc lãng phí thời gian bởi các cuộc họp, email hoặc sửa đổi bổ sung ít nhất một lần một tuần.
Diễm Quỳnh đồng ý với thống kê do Duolingo và LinkedIn đưa ra. Cô nói rằng việc đồng nghiệp, và đôi khi cả sếp, liên tục sử dụng những biệt ngữ, thuật ngữ bằng tiếng Anh khiến cô hiểu sai ý và buộc phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Điều này khiến đôi bên không thoải mái, gây mất thời gian và làm chậm tiến độ công việc của nhiều người.
“Thay vì nói rõ ràng bằng một câu tiếng Việt hoàn chỉnh, mọi người lại chêm nhiều từ tiếng Anh thông dụng dù những từ đó hoàn toàn có thể dịch sang tiếng Việt. Nhiều lúc bản thân mình cũng rất bực vì phải hỏi lại để đảm bảo không hiểu sai ý người khác”, Quỳnh nói.
Có thể dùng thuật ngữ nhưng cần linh hoạt hơn
Bàn về việc sử dụng thuật ngữ nơi công sở, tiến sĩ Hope Wilson, Giám đốc Học tập và Chương trình giảng dạy tại Duolingo, nhận định không phải mọi người đều có thể hiểu ý nghĩa của tất cả thuật ngữ.
Ông lấy ví dụ những người lớn lên trong môi trường không nói tiếng Anh có thể gặp khó khăn với những thuật ngữ tiếng Anh. “Các thuật ngữ có thể dễ hiểu hoặc hiển nhiên đối với bạn, nhưng điều này không có nghĩa là đồng nghiệp của bạn cũng như vậy”, tiến sĩ nói.
Theo tiến sĩ Wilson, việc dùng thuật ngữ tại nơi làm việc có những ưu điểm và nhược điểm, nhưng mọi người không nên thấy xấu hổ vì dùng các thuật ngữ này. Tuy nhiên, điều quan trọng là nếu chúng ta nhận thức được rằng không phải ai cũng hiểu được những từ ngữ công sở này, chúng ta có thể sử dụng các cụm từ quen thuộc hơn mà vẫn truyền tải đúng thông điệp. Điều này sẽ giúp ích cho mọi người.
Diễm Quỳnh cũng có quan điểm tương tự. Cô cho rằng mọi người có thể dùng biệt ngữ, nhưng cần cân nhắc hoàn cảnh và đối tượng đang hướng đến. Ví dụ, khi trao đổi với những người chung chuyên môn, mọi người có thể dùng các từ, cụm từ tiếng Anh chuyên ngành khó dịch sang tiếng Việt.
Nhưng khi trao đổi với người không chung chuyên môn, Quỳnh đề xuất mọi người cần sử dụng từ ngữ uyển chuyển hơn. Hoặc trong trường hợp không thể dịch thuật ngữ sang tiếng Việt, mọi người có thể kèm thêm một dòng diễn giải để người khác dễ nắm bắt thông tin.
“Mình nghĩ việc chêm tiếng Anh vào câu tiếng Việt không hoàn toàn xấu, nhưng cần có chừng mực vì việc sử dụng câu từ phù hợp, đúng ngữ cảnh cũng là cách giúp mọi người hiểu ý nhau nhanh hơn và làm việc hiệu quả hơn”, Diễm Quỳnh bày tỏ.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.