Đại tự điển Hán-Việt của Trần Văn Chánh là một công trình quy mô so với các tự điển khác trong gần một thập kỷ qua. Không chỉ là một công cụ ngôn ngữ, cuốn tự điển còn cung cấp kiến thức về văn hóa Á Đông.
Từ xưa, văn hóa Việt Nam và Trung Quốc đã có những điểm giao thoa. Việc nghiên cứu và soạn tự điển chữ Hán Việt có giá trị thực tiễn, giúp lưu giữ bản sắc ngôn ngữ nước ta.
Nhằm giải quyết một số vấn đề mà các nhà biên soạn tiền bối chưa kịp để tâm đủ đầy, soạn giả Trần Văn Chánh đã dày công tập hợp thông tin, nghiên cứu và biên soạn bộ tự điển đồ sộ này từ năm 2000.
Chia sẻ về quá trình thực hiện công trình, soạn giả Trần Văn Chánh cho biết trước nhất là việc xác định lại các âm đọc Hán Việt của chữ Hán, chỉnh sửa một số âm đọc sai do sự suy đoán tùy tiện của những người đi trước, bằng cách lấy phương pháp chú âm phiên thiết làm căn bản rồi vận dụng thích hợp vào thực tế đa tạp của ngôn ngữ Hán Việt, trên cơ sở vẫn tôn trọng giữ lại những âm đọc truyền thống cố định từ xa xưa đã được toàn thể học giới và xã hội công nhận (như: nhất, nhị, tam, thiên, địa, phụ, mẫu, tử, tôn…).
Việc chỉnh sửa này được thực hiện chỉ trên tinh thần tôn trọng chân lý khoa học, tính tiêu chuẩn của ngôn ngữ, không có ý “sửa sai” những nhà biên soạn tự-từ điển tiền bối lớp trước, nhưng vì thế bắt buộc phải cho ra kết quả một số âm đọc có vẻ khác lạ so với nhiều công trình tự-từ điển đã có trước.
“Việc thứ hai liên quan một số thuật ngữ khoa học, đặc biệt về tên gọi các loài động, thực vật (chim, cá, cỏ cây…), cần được nhận thức một cách chính xác. Để làm được điều này, soạn giả đã phải tra cứu đối chiếu với các tài liệu chuyên ngành, để ở mỗi thuật ngữ đều có chú giải thêm từ tiếng Anh, hoặc cả tên khoa học cho các giống loài động, thực vật”, soạn giả Trần Văn Chánh chia sẻ.
Công trình này là công cụ, góp phần hỗ trợ công việc học tập, nghiên cứu chữ Hán, đặc biệt là Hán cổ cho cộng đồng nghiên cứu Việt Nam cũng như những người làm dịch thuật.
Soạn giả Trần Văn Chánh liệt kê cả những từ mới, những phương ngôn, khẩu ngữ, ẩn ngữ/hàng thoại (tiếng lóng). Đồng thời, cuốn tự điển này cập nhật cả những nghĩa mới, nghĩa hiện đại. Có những chữ có tới 30 nghĩa. Đi kèm mỗi mục chữ Hán lại có những ví dụ kèm phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa. Các ví dụ đều là những trích văn giá trị được rút ra từ sách vở cổ kim.
Cuốn sách lấy âm Hán Việt làm chữ đầu mục theo mô hình Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, rồi bổ sung ở đầu sách bằng một bảng tra chữ Hán theo bộ thủ để độc giả hiện đại tiện tra cứu.
Cuối sách có 4 phụ lục: Thuyết minh âm đọc Hán Việt trên cơ sở phiên thiết; Bảng tra tên tiếng Anh và tên khoa học các giống loài động vật, thực vật; Tiểu từ điển bằng hình gồm 570 hình vẽ minh họa cho những từ ngữ đã có trong phần chính văn và Bảng tra 360 tục tự thường dùng.
Bên cạnh nội dung phong phú, sách còn có hình thức kỹ thuật, mỹ thuật chỉn chu. Tựa và 3 cạnh sách đều mạ vàng sang trọng. Với độ dày 2.016 trang, khổ sách 20,5x29 cm, cuốn sách không nặng khi sử dụng giấy Bible ngà và nhẹ.
GS.TS Huỳnh Như Phương nhận định Đại tự điển Hán-Việt là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, nội dung được cải biên, cập nhật chính xác, có quy cách trình bày khoa học. Ông cho rằng đây là “một công trình có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn, đã đáp ứng tốt những yêu cầu về nội dung và hình thức của một cuốn tự điển trong giai đoạn hiện nay”.
Trần Văn Chánh là soạn giả của một số tự điển, từ điển và những sách công cụ liên quan đến việc học tập, nghiên cứu chữ Hán, đặc biệt đối với Hán cổ (hay còn gọi chữ Nho) đã được lưu hành rộng rãi từ những năm 90 của thế kỷ trước như: Từ điển Hán-Việt Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Tự điển Hán-Việt Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Từ điển hư từ Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Ngữ pháp Hán ngữ cổ và hiện đại, Toàn thư tự học chữ Hán, Từ điển - sách công cụ chữ Hán của Việt Nam và Trung Quốc.
Cuốn “Từ điển tiếng ‘Em’” mang đến cho độc giả trẻ nhiều bất ngờ trước những định nghĩa mới mẻ, bắt trend và sáng tạo.
'Từ điển giải thích tiếng Việt quá nhiều và lộn xộn'
PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng cần có Luật Ngôn ngữ và những văn bản dưới luật để quy định việc nói và viết thế nào cho chuẩn.
Bách khoa thư đồ sộ nhất thế giới giá 9 triệu USD
Hai bản sao của cuốn "Vĩnh Lạc đại điển" có từ thời nhà Minh, Trung Quốc, được trả giá cao gấp 1.000 lần so với dự kiến.