Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ vừa có công văn gửi Cục Bảo vệ môi trường miền Nam để phản hồi đề nghị xác minh thông tin phản ánh liên quan đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Sở chỉ nhận được 2 tin nhắn phản ánh mùi hôi
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan này nhận được 2 tin nhắn phản ánh của người dân về mùi hôi thông qua đường dây nóng. Đồng thời, theo thông tin từ Công ty Phú Mỹ Hưng, sở ghi nhận phản ánh của người dân trên mạng xã hội Facebook về mùi hôi từ 19h đến 23h ngày 2/6 và 5/6.
Còn lại, từ ngày 8 đến 28/6, Sở không ghi nhận thông tin phản ánh của người dân về mùi hôi qua 3 kênh gồm: Thông tin từ Công ty Phú Mỹ Hưng, đường dây nóng của Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố (MBS) và Tổng đài 1022.
Ngày 30/6, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh kiểm tra, giám sát việc kiểm soát, khống chế mùi hôi phát sinh tại bãi rác Đa Phước. Đồng thời, các đơn vị cũng khảo sát, đánh giá mùi hôi tại một số điểm trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) và xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè).
Bãi rác Đa Phước ở phía Nam TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Cụ thể, ngoài mùi hôi nhẹ tại bãi chôn lấp Đa Phước, đoàn kiểm tra không ghi nhận mùi hôi tại khu vực xử lý bùn thải của Công ty Sài Gòn Xanh, xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè), huyện Bình Chánh và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (khi trời không mưa và đứng gió).
Sở Tài nguyên và Môi trường lý giải trong mùa mưa (khoảng từ tháng 5 đến tháng 10), độ ẩm không khí cao khiến mùi hôi phát sinh từ các khu xử lý chất thải tập trung công suất cao (như Đa Phước) không khuếch tán được lên cao, nồng độ vì thế đậm đặc hơn. Khi gió tây nam thổi mạnh, các khu vực dọc hướng gió ở phía nam thành phố có thể bị ảnh hưởng bởi mùi hôi từ bãi rác.
Độ cao bãi rác không quá 13 m
Để khống chế, kiểm soát mùi hôi, Sở TNMT đã chỉ đạo Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố (MBS) trực tiếp kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động và khống chế mùi hôi phát sinh của bãi rác Đa Phước hàng ngày.
Cụ thể, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) phải bố trí khu vực tiếp nhận chất thải di động ở vị trí thấp (hiện độ cao chôn lấp là 13 m) để hạn chế khả năng khuếch tán mùi hôi theo chiều gió. Cùng với đó, công ty cũng gia tăng lớp liner che phủ chất thải hàng ngày, cô lập diện tích mở bãi khi tiếp nhận chất thải.
Các biện pháp kiểm soát mùi hôi cũng được tăng cường như: Tăng số lượng, hàm lượng, tần suất phun xịt chất khử mùi; giảm thời gian tiếp nhận, xử lý rác hàng ngày; xịt rửa phương tiện vận chuyển...
Trong năm 2020, Công ty VWS đã thiết lập thêm hệ thống phun sương hóa chất khử mùi dài 450 m quanh khu tiếp nhận rác và lắp đặt thêm 43/70 đầu đốt khí di động vào các ống thu khí trên bãi chôn lấp để triệt mùi.
Ngoài giải pháp kiểm soát mùi hôi, trong tháng 6/2020, định kỳ 2 lần/tuần, Sở TNMT đã đến các khu chung cư để lấy ý kiến người dân về mùi hôi tại nơi ở.
Bãi chôn lấp Đa Phước cách trung tâm TP.HCM không xa và nằm đầu hướng gió. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Để giải quyết vấn đề trong dài hạn, Sở đã yêu cầu công ty VWS nhanh chóng hoàn thiện dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt để trình UBND TP.HCM. Thành phố cũng đang triển khai đầu thầu chọn nhà đầu tư cho các nhà máy đốt rác phát điện.
Sở TNMT kiến nghị Cục Môi trường miền Nam hỗ trợ đánh giá nguồn gốc phát sinh mùi hôi ở phía nam thành phố và đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) có các dự án xử lý chất thải đang hoạt động, gồm: Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh và Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình.
Tháng 4/2018, Thanh tra Chính phủ có văn bản báo cáo Thủ tướng kết quả kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo của công dân liên quan đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước do Công ty TNHH xử lý chất thải VN (VWS) làm chủ đầu tư.
Theo đó, 2 nội dung tố cáo đúng là dự án gây ô nhiễm môi trường và sử dụng công nghệ làm phân nhưng thực tế đem chôn, không phân loại tái chế. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong thời gian vận hành Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, từ năm 2007 đến nay, VWS có nhiều biện pháp ngăn chặn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong từng thời điểm đã để xảy ra phát tán mùi hôi, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.