Từ năm 1997 đến nay, chôn lấp vẫn là cách xử lý rác thải chủ yếu ở Hà Nội. Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, cứ 1 m3 rác thải được chôn xuống đất sẽ sinh ra 1,3 m3 nước rỉ rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường của Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng một thành phố được hướng đến hình mẫu đô thị thông minh, kiểu mẫu của cả nước nhưng xử lý rác thải theo công nghệ của thế kỷ trước là rất bất cập.
Còn chôn rác, xung đột còn xảy ra
Theo TS Hoàng Dương Tùng, chôn lấp rác thải là một phương pháp xử lý đã lỗi thời, lạc hậu. Các quốc gia tiên tiến đã hạn chế và tiến tới dừng hẳn công nghệ xử lý này từ nhiều năm trước. Ông Tùng cho rằng sự việc bãi rác ở Nam Sơn đã cho thấy những bất cập của công nghệ xử lý này.
"80% lượng rác thải của Hà Nội được chôn lấp. Quỹ đất của thành phố thì có hạn, mà phải dành ra hàng chục ha để chôn lấp thì rất lãng phí. Bên cạnh đó, việc chôn lấp rác để lại nhiều hệ lụy về môi trường, đất đai, nguồn nước và sinh ra lượng lớn nước rỉ rác", ông Tùng cho rằng bây giờ là lúc cấp thiết đòi hỏi Hà Nội có giải pháp căn cơ hơn.
Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nói chừng nào Hà Nội còn chôn lấp rác thải theo cách này, những mâu thuẫn, xung đột với người dân xung quanh câu chuyện ô nhiễm môi trường sẽ tiếp tục diễn ra. Và việc Hà Nội phải di dời, đền bù cho hàng trăm hộ dân quanh bãi rác Nam Sơn là minh chứng rõ nhất cho các bất cập này.
Bãi rác Nam Sơn có diện tích 54 ha. Ảnh: Ngọc Tân. |
PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nhìn nhận có 3 nguyên nhân chính khiến các thành phố lớn chậm trễ trong cải tiến công nghệ xử lý rác thải suốt hàng chục năm.
Thứ nhất, việc xử lý rác thải ở Việt Nam từ trước đến nay chưa bao giờ được coi là ngành nghề sinh lời. Các cơ chế chính sách phức tạp, khó khăn nên rất khó để các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, tiền của.
Thứ hai, khái niệm phân loại rác vẫn rất mới mẻ với người dân nên hầu hết không thực hiện. Trong khi các công nghệ xử lý rác thải tiên tiến đòi hỏi việc phân loại rất kỹ càng để tối đa được năng suất xử lý và đảm bảo an toàn cho môi trường.
Thứ ba, Nhà nước vẫn chưa có chính sách thu phí phù hợp đối với việc xử lý rác thải nên không có nguồn lực để thực hiện các dự án xử lý công nghệ cao, tốn kém.
"Ta vẫn chưa xã hội hóa được dịch vụ thu gom, xử lý rác, hiện giờ vẫn là Nhà nước bao cấp, mỗi tháng mỗi hộ nộp gần 10.000 đồng lấy đâu ra công nghệ xử lý rác tiên tiến, thân thiện môi trường", vị chuyên gia nhìn nhận.
Cần coi rác là tài nguyên
Tại buổi tiếp xúc cử tri hôm 17/7, Chủ tịch Hà Nội thông tin TP chuẩn bị khánh thành Nhà máy điện rác Nam Sơn với công suất 4.000 tấn/ngày đêm, đưa tỷ lệ rác thải chôn lấp xuống dưới 5%. Khí thải từ các nhà máy này đảm bảo hoàn toàn không độc hại, được Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học Công nghệ kiểm định. Dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ.
TS Hoàng Dương Tùng đánh giá đây là dự án hứa hẹn sẽ giải quyết dứt điểm được vấn đề nhức nhối ở bãi rác Nam Sơn hiện nay. Đốt được sẽ hạn chế đáng kể lượng rác phải chôn lấp, tiết kiệm được quỹ đất và loại bỏ các tác động đến môi trường và cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, ông cho rằng để nhà máy xử lý điện rác hoạt động được hiệu quả sẽ cần đảm bảo các điều kiện khắt khe, trong đó có việc phân loại rác thải tại nguồn khoa học, thu gom rác bằng các xe chuyên dụng cho từng loại rác và có quy trình xử lý đối với các loại rác thải nguy hại. "Cần một hệ thống đồng bộ, đầu tư bài bản", ông Tùng nói.
Cứ vài tháng 1 lần, Hà Nội lại khủng hoảng rác thải do bãi rác Nam Sơn bị chặn. Ảnh: Việt Linh. |
Còn TS Phùng Chí Sỹ nhìn nhận cần có các chính sách về phí xử lý rác hợp lý. Người dân đóng phí vừa là hoàn thành bổn phận của mình, vừa giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước. Tuy nhiên, việc thu phí cần có lộ trình phù hợp, khi mức sống, thu nhập người dân chưa đồng đều.
"Như các doanh nghiệp sản xuất, xả thải ra phải đóng góp cho Nhà nước để xử lý sao cho tương xứng với ô nhiễm họ gây ra. Cần đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này vì hiện giờ cơ chế Nhà nước bao cấp cho thấy không hiệu quả", ông Sỹ nhận định.
Theo Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), đơn vị đang thu gom và xử lý rác tại Hà Nội bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp này tiếp nhận và xử lý khoảng 5.000 tấn rác thải bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh.
Công nghệ này được giới thiệu không gây tác động nguy hại đối với môi trường đất, nước mặt, nước ngầm và không khí, giảm đến mức thấp nhất mùi hôi, tránh phát sinh ruồi, côn trùng và tách nước mưa.
Tuy nhiên, thực tế người dân ở khu vực bãi rác Nam Sơn vẫn chịu rất nhiều mùi hôi, thối quanh khu vực xử lý rác. Vào những ngày nắng nóng, người dân ở đây phản ánh nước rỉ rác bốc mùi làm họ rất khổ sở.
Ông Phạm Văn Đức, Phó tổng giám đốc URENCO, thừa nhận phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh không thể loại bỏ hoàn toàn mùi của rác thải. Lượng rác thải vận chuyển vào bãi mỗi ngày rất lớn nên không tránh khỏi việc phát tán mùi.
"Khi chôn lấp rác vẫn phải có khoảng hở để tiếp nhận rác, từ khoảng hở này không tránh khỏi có mùi. Bên cạnh đó, các hồ chứa nước rỉ rác còn tồn đọng khá nhiều, chưa xử lý hết nên gây mùi", ông Đức cho hay.
Theo số liệu của Tổng cục Môi trường, mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90%, còn ở TP.HCM là xấp xỉ 70%.
Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn khi thành lập có diện tích 83 ha, trong đó 53,49 ha là diện tích bãi rác. Đến năm 2011, Hà Nội tiếp tục mở rộng khu liên hiệp thêm 73,73 ha với 8 ô chôn lấp rác.