Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

150.000 m3 nước rỉ rác đang 'đầu độc' người dân Hà Nội

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng vướng mắc lớn nhất là chính sách đền bù cho các vùng bán kính đang chênh lệch khiến người dân Nam Sơn chưa chấp nhận.

Sáng 17/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp HĐND thứ 15. Buổi tiếp xúc diễn ra trong thời điểm vấn đề rác thải của thủ đô trở nên nóng bỏng, người dân quanh bãi rác Nam Sơn tiếp tục chặn xe rác do bức xúc với các chính sách đền bù, di dời của thành phố.

Cử tri Đào Tuyết Thanh (phường Hàng Trống) bày tỏ sự bức xúc khi 4 quận nội thành, trong đó có Hoàn Kiếm rác thải ùn ứ chưa được thu gom, vận chuyển. Rác chất thành nhiều đống lớn, bốc mùi, gây mất mỹ quan đô thị. Một loạt tuyến đường để xảy ra thực trạng trên như Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa...

Bà Thanh đề nghị lãnh đạo thành phố trả lời về các giải pháp cấp bách để giải tỏa áp lực ùn ứ rác ở thủ đô hiện nay. Thành phố có chiến lược, tầm nhìn dài hạn thế nào để giải quyết dứt điểm điểm nóng xử lý rác thải nhiều năm qua.

3 vướng mắc lớn ở bãi rác Nam Sơn

Thừa nhận đây là vấn đề nhức nhối của thành phố, đặc biệt trong những ngày gần đây, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố đã phân công một phó chủ tịch UBND và một phó bí thư Thành ủy trực tiếp lên đối thoại với người dân nhằm giải đáp thắc mắc và tháo gỡ khó khăn.

tiep xuc,  cu tri,  Ha Noi,  Hoan Kiem,  Nguyen Duc Chung,  un u,  rac thai anh 1

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: T.T.

Chủ tịch TP nhận định hiện việc giải tỏa đền bù cũng như di dời người dân trong bán kính chịu ảnh hưởng của khu xử lý chất thải gặp rất nhiều khó khăn và chỉ ra 3 vướng mắc.

"Vướng mắc thứ nhất là giá và đất nhà tái định cư đã được thành phố bố trí xong. Thứ hai là kinh phí cho việc tái định cư thành phố đã đảm bảo đủ. Vấn đề thứ 3, cũng là vướng mắc nhất hiện nay là hạn định nguồn gốc đất", ông Chung nói.

Chúng tôi luôn đồng cảm, chia sẻ với người dân xung quanh bãi rác, họ chịu rất nhiều thiệt thòi về môi trường, phải gánh vác môi trường chung cho toàn thành phố

Ông Nguyễn Đức Chung

Theo Chủ tịch Hà Nội, giai đoạn 1, thành phố xác định nguồn gốc đất của người dân để đền bù theo các vùng là trong bán kính từ 0 m đến 1.000 m; từ 1.000 m trở lên và từ 1.200 m trở lên. Tuy nhiên, hiện tại thành phố lại quy định lại, bồi thường cho nhà người dân trong bán kính 400 m, còn trên 400 m thì chỉ nhận được hỗ trợ.

Vì vậy, các công trình, tài sản trên đất ở trên 400 m đang chỉ được nhận mức hỗ trợ thấp hơn nên người dân không đồng tình. Ông Chung cho hay thành phố đang nỗ lực đối thoại, giải quyết cùng với người dân trên tinh thần cơ chế chính sách nào tốt nhất cho dân thì thành phố sẽ thực hiện.

"Chúng tôi luôn đồng cảm, chia sẻ với người dân xung quanh bãi rác, họ chịu rất nhiều thiệt thòi về môi trường, phải gánh vác môi trường chung cho toàn thành phố", ông nói.

Nhấn mạnh thành phố không hẹp hòi gì trong vấn đề chính sách, song, Chủ tịch Hà Nội cho hay có những quy định của pháp luật bắt buộc phải có cấp cao hơn quyết định thì mới triển khai được.

"TP sẽ cố gắng xử lý vấn đề này trong thời gian sớm nhất", ông Chung nói.

150.000 m3 nước rỉ rác "đầu độc" người dân

Một vấn đề bức xúc nữa được Chủ tịch Hà Nội đề cập khiến người dân quanh Khu xử lý chất thải Nam Sơn rất khổ sở là nước rỉ rác ở các hồ chứa cạnh khu chôn lấp bốc mùi rất mất vệ sinh.

Chủ tịch TP cho hay hệ thống xử lý rác thải của Hà Nội chủ yếu đang sử dụng phương pháp chôn lấp. Theo đó, cứ 1 m3 rác thải thì sinh ra 1,3 m3 nước rỉ rác. Ở khu vực này có 3 hồ để chứa nước rỉ rác.

Thành phố đã kêu gọi các nhà đầu tư thì có 2, 3 công ty xây dựng 2 nhà máy để xử lý nước rỉ rác.

tiep xuc,  cu tri,  Ha Noi,  Hoan Kiem,  Nguyen Duc Chung,  un u,  rac thai anh 2

Rác chất thành núi tại các quận nội thành Hà Nội ngày 16/7. Ảnh: Việt Hùng.

Từ năm 2019 trở về trước, hàng năm thành phố đều đặt hàng các công ty này để xử lý cho Hà Nội. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 32 của Chính phủ có hiệu lực, công tác này phải đấu thầu.

"Chúng tôi đã có ý kiến đề xuất với Chính phủ sửa đổi quy định cho thực tiễn hơn. Cho nên việc này bị chậm lại mấy tháng, nên 150.000 m3 nước rỉ rác dâng cao, bốc mùi hôi thối khiến người dân bức xúc", ông Chung chia sẻ.

Về chiến lược xử lý rác thải của TP trong thời gian tới, ông Chung cho biết Hà Nội đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào khai thác nhiều nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao theo tiêu chuẩn châu Âu.

Từ đêm 12/7, người dân xã Hồng Kỳ và xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) đã chặn xe rác di chuyển từ nội thành vào bãi rác Nam Sơn. Lý do họ đưa ra là chưa thỏa thuận được mức đền bù và phương án di dời cũng chưa được hợp lý.

Đây là lần thứ 6 trong vòng 3 năm liên tiếp người dân tiến hành chặn xe di chuyển vào bãi rác Nam Sơn. Việc chi trả kéo dài và thỏa thuận đền bù không thành khiến việc chặn xe rác tiếp diễn từ năm này qua năm khác.

Dự kiến sắp tới, Hà Nội khánh thành Nhà máy điện rác Nam Sơn với công suất 4.000 tấn/ngày đêm, đưa tỷ lệ rác thải chôn lấp xuống dưới 5%. Khí thải từ các nhà máy này đảm bảo hoàn toàn không độc hại, được Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học Công nghệ kiểm định.

"Nếu có đặt các nhà máy đốt rác này giữa trung tâm thành phố thì cũng đảm bảo không hại sức khỏe cho người dân vì bộ lọc khí thải rất hiện đại", ông Chung thông tin.

Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng được UBND Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017 do Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, lớn nhất Việt Nam hiện nay, nguồn rác sẽ được lấy ở 9 quận nội thành. Dự án sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ.

Dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ. Tiến độ dự kiến tháng 8/2020 sẽ hoàn thành và vận hành chính thức vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thành phố có thể lùi thời hạn đưa vào vận hành của dự án này.

Đường phố, công viên hồ điều hòa thành nơi chứa rác Do người dân chặn xe vào khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt bị ùn ứ, chất thành đống trên nhiều tuyến phố, công trình đang xây dựng ở Hà Nội.

Thêm 1 bãi rác bị chặn, 9.000 tấn ùn ứ khắp Hà Nội

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ tính riêng 12 quận nội thành, số lượng rác thải bị ùn ứ từ ngày 12/7 đến nay đã trên 6.600 tấn.

Rác chất thành đống khắp trung tâm Hà Nội

Sau nhiều ngày người dân căng lều bạt ngăn xe rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, rác thải tại các quận nội thành Hà Nội ùn ứ, nhiều tuyến đường ngập ngụa phế thải.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm