“Phi hành gia là khối vuông, cửa tàu là hình tròn” – đó thực sự là câu chuyện mà Chris Hadfield đã kể trong suốt cuộc đời mình: Cố gắng tìm ra cách để tới được nơi ông muốn đến khi mà ngay cả việc bước chân ra ngoài cửa đã được xem là bất khả thi.
Hồ sơ sự nghiệp của Hadfield có thể cho thấy một con đường thẳng tắp, nhưng không ai biết đã từng có những khúc quanh và góc chết trên con đường đó. Không một ai sinh ra đã được định sẵn là một phi hành gia. Bạn phải tự biến mình thành một người như vậy.
Với Hadfield, mọi chuyện bắt đầu khi ông 9 tuổi, qua TV, vỡ òa trong kinh ngạc và phấn khích khi chứng kiến hình ảnh Neil Amstrong lần đầu tiên bước chân lên mặt trăng, một bước đi lịch sử đánh dấu bước chuyển mình của nhân loại.
Khoảnh khắc đó in sâu vào tâm trí Hadfield và thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Khi còn bé, có đứa trẻ nào chưa từng ngẩng đầu nhìn vũ trụ và ước mơ được bước vào trong, khám phá nó? Ước mơ có thể bất khả thi và tan biến dần theo thời gian, nhưng với Hadfield, mọi bước chân trưởng thành của ông đều gắn liền với ước mơ ngày thơ bé.
Đó hóa ra chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Ngay cả khi chọn con đường ngắn nhất là thông qua quân đội, trở thành phi công lái máy bay chiến đấu, nộp đơn đăng ký tuyển chọn phi hành gia, đánh bại hàng ngàn đối thủ để trở thành một trong vài người xuất sắc nhất được giữ lại, Hadfield vẫn phải mất hàng năm trời luyện tập những buổi mô phỏng cuộc sống ngoài vũ trụ và những nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm.
Trong lịch sử, mới chỉ có hơn 500 người từng có cơ hội nhìn Trái Đất từ góc nhìn vũ trụ, và có những phi hành gia luyện tập cả đời mà không bao giờ được bay.
Đó là một quá trình luyện tập và tuyển chọn khắc nghiệt, bạn vừa phải chứng minh mình người giỏi nhất, vừa phải luôn biết cách hỗ trợ đồng đội kể cả khi đằng sau nhiệm vụ xuất sắc, không ai biết đến sự hy sinh thầm lặng của bạn. Bạn đơn giản phải chấp nhận điều đó. Với Hadfield, mọi nỗ lực đã được đền đáp, trong suốt cuộc đời mình, ông thực hiện 3 chuyến bay ra ngoài vũ trụ, với tổng thời gian lên đến gần sáu tháng.
Nhiều chiêm nghiệm và kinh nghiệm sống còn được Hadfield rút ra trong suốt hành trình luyện tập để trở thành phi hành gia: bạn luôn phải quan tâm từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, nếu không, một hành động nhỏ như lau chùi tấm kính mắt không đúng cách cũng có thể phá hỏng nhiệm vụ và đe dọa tính mạng của bạn khi đi bộ ngoài vũ trụ, hoặc một vết nứt nhỏ có thể gây ra vụ nổ dẫn đến cái chết của toàn bộ phi hành đoàn.
Bạn phải luôn hành xử như một số 0, và học hỏi một cách khiêm tốn kể cả khi bạn đã được thừa nhận là dấu cộng; bạn cần nghĩ tình huống theo những hướng tiêu cực nhất, đặt câu hỏi: “điều gì tiếp theo sẽ giết chết bạn”, sao cho khi lên vũ trụ, mọi sự cố đều có vẻ như nằm trong kế hoạch của mình; và phải học cách ra quyết định chỉ trong vòng vài giây sau khi sự cố xảy ra, bởi rất có thể, đó sẽ là vài giây cuối cùng trong cuộc đời của bạn.
Nhưng trên hết, sống cuộc đời của một phi hành gia đã đem đến cho Hadfield những khoảnh khắc tuyệt vời, dù chỉ bình dị như một bữa ăn ngon hay một video ca nhạc được ông thực hiện cùng cây đàn guitar trong tình trạng không trọng lực từ trạm không gian ISS, khoảnh khắc chứng kiến một cơn bão khổng lồ trải dài hàng trăm km trên bề mặt Trái Đất, hay khoảnh khắc đi ra ngoài không gian, và thấy bản thân bé xíu trong sự choáng ngợp mênh mông huyền bí của vũ trụ.
Và sau tất cả, Hadfield hạnh phúc được trở về nhà, về với Trái Đất mà ông tự hứa sẽ bảo vệ sau những gì chứng kiến từ vũ trụ, về với người vợ Helene đã hy sinh cả đời để giúp ông theo đuổi sự nghiệp, với ba người con đã phải trưởng thành trong sự nghiêm khắc và vắng mặt của cha. Trong cuộc đời mình, Hadfield chưa bao giờ sống một ngày hối tiếc.
Phi hành gia Chris Hadfield, tác giả cuốn Sổ tay phi hành gia. |
Sổ tay phi hành gia là một cuốn sách tuyệt diệu. Đây là câu chuyện về niềm cảm hứng, sự nỗ lực, kiên trì theo đuổi ước mơ đến tận cùng, sự chiến thắng của con người và khoa học trong công cuộc chinh phục vũ trụ; cũng là câu chuyện về vẻ đẹp, của chất thơ và niềm choáng ngợp, được kể lại bằng một giọng văn tự tự đầy chiều sâu và triết lý. Và trên tất cả, là câu chuyện hoàn toàn có thật.
Chris Hadfield (sinh năm 1959) là một trong những phi hành gia dày dạn kinh nghiệm và đạt nhiều thành tích nhất thế giới. Ông từng làm CAPCOM cho 25 lần phóng tàu con thoi, Giám đốc Vận hành của NASA tại Star City, Nga, Chỉ huy bộ phận liên quan tới rô-bốt tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston, và Chỉ huy Vận hành của Trạm vũ trụ quốc tế ISS.
Ông được toàn thế giới biết đến với những bức ảnh tuyệt đẹp và những video mang tính giáo dục về cuộc sống trên vũ trụ. Video âm nhạc của ông, phiên bản trong môi trường không trọng lực của bài hát Space Oddity của David Bowie đã nhận được hơn 10 triệu lượt xem trong 3 ngày đầu tiên đăng tải.