Một hình tượng run rẩy, mong manh. Hoàn toàn không phải là một hình tượng bị đóng kín trên trang giấy như những tượng đài được xây bằng đá cẩm thạch, hoặc bị kìm kẹp bằng những quy ước nặng nề khác.
Điệp khúc cơn đói được viết dưới dạng tự truyện. Ethel viết cuốn tự truyện của cuộc đời mình, vừa khơi gợi những riêng tư cá nhân đồng thời tái dựng lại cả một thành phố Paris ảm đạm, đẹp đẽ, nhưng buồn chán, tàn tạ trong cái đói.
Từ nhỏ, Ethel đã được sống trong một bầu không khí tư tưởng mùi mẫn hoài niệm và sự mộng tưởng của ông chú Soliman. Soliman là chỗ dựa tinh thần, là sự đồng cảm và an ủi tinh thần cho cô bé Ethel trước những nỗi thất vọng với đời sống gia đình và bạn bè xung quanh.
Cho đến khi Soliman mất, Ethel bắt đầu cảm thấy nỗi đau và sự tổn thương. Từ lúc đó hình ảnh một cái hố bắt đầu xuất hiện trong tâm lý của Ethel.
Trong Điệp khúc cơn đói, Le Clezio dùng cả gần hai trang để mô tả về một cái hố trong lòng cô bé Ethel những năm Paris đứng trước Thế chiến thứ hai.
Người ông giàu có yêu quý và để lại cho Ethel tài sản là một ngôi nhà gỗ thật đẹp, ngay giữa Paris. Nhưng bố Ethel quyết định phá đi xây theo kiểu hiện đại, để có mối huê lợi từ tiền thuê. Nỗi mất mát, sự thất vọng, cùng với người bạn gái mà Ethel tôn thờ bỗng quyết định kết hôn vì tiền… khiến cô bé tuổi thiếu niên rơi vào một cái hố.
Thăm thẳm và xa cách với những con người, những câu chuyện đang diễn ra. Mỗi đêm đi ngủ, mỗi sáng thức dậy, cô bé thấy chiếc hố vẫn còn ở đó như một nỗi ám ảnh.
Le Clezio vốn là một tác giả nhạy cảm với những điều sâu kín nhất của con người. Ngòi bút của ông khắc khoải đi vào tâm trí của nhân vật, rồi khơi nguồn nên những run rẩy đẹp đẽ nhất.
Trong văn chương, có lẽ ít ai viết về cái đói, cái khốn cùng của sự đói bằng cảm giác của sự sung sướng, đẹp đẽ, rực rỡ như Le Clezio. Dưới ngòi bút của ông, mọi nỗi bi thương đều được xoa dịu, đều được an ủi bằng một sự thi vị tuyệt diệu.
Câu chuyện trong Điệp khúc cơn đói chủ yếu diễn ra ở Paris, trong một gia đình khá giả gốc gác Maurice và có rất nhiều chi tiết có thực của một giai đoạn lịch sử. Chủ đề cuốn sách khiến ta nhớ đến tác phẩm đồ sộ của Irène Némirovski, Bản giao hưởng Pháp, cũng là sự sụp đổ của nước Pháp, những con người đang sống trong cảnh thanh bình đột nhiên bị cuốn vào cơn bão lốc khủng khiếp.
Khi chiến tranh ập đến, cả gia đình Ethel phải chuyển về phía Nam. Đây chính là nơi cô càng lúc càng cảm thấy cái đói như một sợi dây leo, càng lúc càng bám chặt vào mình.
Trong những đoạn viết của mình, Le Clezio từng miêu tả: “Trên những quầy hàng trong chợ, không có thứ gì, hầu như không còn gì nữa. Vẫn những cái bóng đó tiếp tục vật vờ trên những lối đi... những mẫu vỏ hay rễ mốc cũng được đem ra bán chác... lũ mèo hoang ăn thịt lẫn nhau...”
Nhưng trong những ngày sống trong cái đói triền miên ấy, Ethel trưởng thành lên, sống có trách nhiệm và mạnh mẽ. Cô luôn thức sớm đi tìm thức ăn ở các chợ xa, giúp mẹ thồ những giỏ rau, củ nặng nề về nhà. Cô quan tâm, tìm bác sĩ để trị bệnh cho cha...
Tác phẩm Điệp khúc cơn đói của nhà văn Le Clezio. |
Hơn hết, trong những nghèo đói ấy, tấm lòng của Ethel cũng bắt đầu có được sự cởi mở, tha thứ và bao dung.
Khi Ethel tình cờ gặp bà Maude, tình nhân cũ của cha. Trước đây cô vốn rất căm ghét Maude vì bà ta là nguyên nhân làm cho bố mẹ mình cãi vã, nhưng khi Ethel thấy Maude lưu lạc và đã là “một bà cụ bại liệt, gầy quắt... nhất là nét biểu cảm trên gương mặt ấy, một vẻ mặt khát khao buồn tủi... chỉ là một bà già bị ruồng rẫy sẽ chết dần chết mòn vì đói” thì cô lại cảm thương.
Ethel theo bà Maude đến tận nơi bà ở và sau đó thường mang đến cho Maude thức ăn, giúp bà vượt qua cơn đói... Từ khi ấy, Ethel đã thực sự nhận ra rằng, tình cảm giữa con người với con người, và sự bao dung cũng là một sức mạnh giúp cô có thể bước ra khỏi những cơn đói khủng khiếp ấy.
Le Clezio dĩ nhiên không cung cấp những bài học đạo đức. Với lối viết tinh tế và phóng khoáng, ông đã đề cao lòng từ bi, sự đồng cảm của con người. Để nhận ra được điều đó, Ethel cũng đã có những ngày dài tự đấu tranh với chính mình. Đó cũng là một cuộc chiến, và cô gái cuối cũng đã có thể giữ được sự hiện hữu tươi sáng của mình.
“Tôi bước ra khỏi những năm tháng xám xịt, bước vào nơi chan hòa ánh sáng. Tôi được tự do. Tôi được tồn tại”. Đây là tâm sự của nhân vật Ethel khi hồi tưởng lại những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh mà cô đã trải qua. Nó được cất lên cũng giống như một khúc ca khải hoàn, đầy trang trọng.